'Rằm tháng mười, mười người mười quảy'

Một ngày mưa tầm tã, gió đông lùa se sắt, tôi nghe văng vẳng tiếng chuông chùa vọng lại. Dở lịch ra xem, đã đúng hẹn tháng mười. Chợt tôi thấy bâng khuâng, và lòng mình đang ngược dòng thời gian quay về thuở còn ấu thơ.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Hồi xưa, cứ hễ tới rằm tháng mười, tôi lại thấy bà nội chuẩn bị một mâm cúng thật tươm tất, dù ngày ấy chẳng phải giỗ kỵ. Gà chưa gọi sáng, bà đã dậy. Tiếng soạn chén dĩa, xoong nồi đánh thức chái bếp và làm không gian choàng mình tỉnh giấc. Mùi khói bếp đượm trong căn nhà, len vào từng kẽ ngách. Mùi thơm bếp củi gọi tôi dậy và lững thững đi xuống bếp. Tôi đến ngồi cạnh rồi sà vào lòng bà. Bà đang bận tay bận chân, nhưng thấy tôi, bà ngưng lại, dang tay ôm tôi. Trời tháng mười rét căm căm, bếp lửa nồng ấm như lòng bà khiến hơi may xao xác phải lùi ra cửa.

Tôi không biết nhà khác ra sao. Riêng nhà tôi, rằm tháng mười là nội sẽ đúc bánh xèo để cúng. Có lẽ món ăn và cả hơi ấm của nó phù hợp với tiết trời lạnh ngắt của mùa đông. Mà hồi xưa, cúng quảy chỉ có bánh xèo là mất thời giờ nhất. Mấy món khác, vèo một phát là lên mâm lên dĩa ngay. Bánh xèo, nội phải dậy sớm, chuẩn bị bột rồi nhóm bếp. Bánh xèo nội đúc khuôn đất. Tôi nhớ “bộ đồ nghề” của bà cũ, khói hun đen kịt và bóng dầu nên nhìn nó đen óng. Nội lọ mọ với tay lên đầu tủ gạc-măng-rê, cẩn thận bưng mấy cái khuôn nhẹ nhàng bỏ ra nia. Rồi bà cẩn mẩn lau từng chiếc khuôn. Tôi ngây thơ hỏi nội, mấy cái khuôn cũ rích, sao nội còn giữ. Bà cười hồn hậu, những nếp nhăn xô vào nhau. Xoa đầu tôi, bà bảo: “Khuôn cũ no dầu, đúc bánh mới ngon”.

Rồi bà cứ lụi hụi đúc bánh. Những tiếng “xèo xèo” và mùi thơm sực nức của dầu phụng khiến tôi ngất ngây. Sức nóng của bếp lửa cứ ôm chầm lấy tôi, khiến tôi quẩn quanh trong bếp mãi cùng với nội. Tay bà thoăn thoắt không nghỉ. Rồi nhưng chuyện xưa tích cũ vẫn như mưa ngoài trời không ngừng tuôn rơi.

Tôi nhớ có khi vớt bánh, vài chiếc bị rách, bà bỏ riêng ra. Tôi ngây ngô thò tay cầm lấy, bà mắng yêu: “Cha bây, đồ chưa cúng mà ăn trước là ông bà quở chết”. Tôi không biết ai quở và quở như thế nào. Nhưng nghe bà nội nói, tôi chừa luôn từ đó.

Bà bày lên trước bàn thờ một mâm đồ cúng tươm tất, đầy lòng thành kính. Rồi bà thắp ba cây nhang, đứng nghiêm trang trước tổ tiên ông bà. Bà nội đưa ba cây nhang lên ngang trán, mắt nhắm hờ rồi miệng lâm râm khấn vái điều gì đó. Mùi thơm của khói nhang làm cho lòng tôi cũng cảm nhận được một chút gì thiêng liêng, cao siêu. Tôi cũng bắt chước bà đứng nghiêm nghị, hai tay chắp lại rồi xá xá.

Tôi ngô nghê hỏi nội, bữa nay giỗ ai. Bà cười rồi đọc: “Rằm tháng giêng, ai siêng thì quảy/ Rằm tháng bảy, kẻ quảy người không/ Rằm tháng mười, mười người mười quảy”. Hai mắt tôi tròn xoe. Bà ôn tồn giải thích, hồi xưa muốn cúng tế gì cũng phải mang ra mộ. Mà mang đồ cúng ra mộ thì người ta phải quảy gánh đi, nên “quảy” ý là chỉ cúng tế, lễ lạt. Rồi xưa bày nay làm, bà cao theo lệ cúng kiếng, bà cố noi theo, nên bà nội cũng duy trì.

Ngày mưa ấy, gia đình tôi quây quần đông đủ. Tiếng nói cười giòn giã át cả tiếng mưa rào đang ré lên ngoài trời. Rồi năm nào cũng vậy…

Bao cuốn lịch mới được thay lên tường, mà đời người ngày càng cũ. Tôi đã rời quê lên thành phố. Những ngày rằm tháng mười, tôi không còn được ngồi cạnh bên bà và cảm nhận hơi ấm nồng nàn trong lúc đông sang.

Mưa cứ rơi rả rích ngoài sân. Tiếng mưa tí tách kéo theo tiếng “xèo xèo” và tiếng củi nổ lách tách đổ dồn vào tâm trí tôi. Bất chợt tôi thấy lòng mình lạnh căm, thương nhớ quay quắt hơi ấm ngày xưa ấy.

NGUYỄN NHẬT THANH

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5433/202312/ram-thang-muoi-muoi-nguoi-muoi-quay-3961143/