Răn đe và độ lượng

Tuy là 2 phạm trù tưởng chừng như trái ngược, nhưng đó lại là cặp phạm trù phải đạt được khi ban hành một chính sách mới. Thế nhưng, trong một vài lĩnh vực cụ thể, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) vẫn chưa được giới luật gia nói riêng và dư luận nói chung thực sự 'tâm phục khẩu phục'.

Cảnh sát giao thông xử lý vi phạm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1, TPHCM)

Cảnh sát giao thông xử lý vi phạm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1, TPHCM)

Cho ý kiến về nội dung này tại phiên họp thứ 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý dự thảo luật trên tinh thần đảm bảo yêu cầu về quản lý nhà nước, quản lý xã hội, nhưng cũng phải tôn trọng quyền con người, quyền công dân; các văn bản hướng dẫn phải đảm bảo cụ thể, hợp lý và công bằng. Trong khi chờ đợi Luật sửa đổi, bổ sung Luật XLVPHC (cùng các văn bản hướng dẫn thi hành) được thông qua và triển khai, nhiều luật gia đã lưu ý đến những bất hợp lý hiện nay trong các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật XLVPHC, ngay cả những văn bản chỉ mới được ban hành, và đề nghị các cơ quan soạn thảo, thẩm tra nghiên cứu xem xét trong quá trình hoàn thiện Luật sửa đổi, bổ sung Luật XLVPHC và các nghị định hướng dẫn kèm theo.

Đơn cử, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2020, chỉ 2 ngày sau khi ký ban hành, được luật sư Trương Thanh Đức (Chủ tịch Công ty Luật Basico) cho là “trái với quy định tại khoản 1, Điều 151 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, theo đó “thời điểm có hiệu lực không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày ký ban hành”. Việc ban hành Nghị định 100/2019 không thuộc trường hợp theo thủ tục rút gọn, vì không thuộc “trường hợp khẩn cấp” hay “trường hợp cấp bách” hoặc “trường hợp cần sửa đổi ngay cho phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành” theo quy định tại Điều 146 về “Các trường hợp xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn” của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đó là chưa kể Nghị định 100/2019 còn có những nội dung trái với Luật Giao thông đường bộ hiện hành. Cụ thể, Nghị định 100/2019 xử phạt tài xế về cả hành vi không thắt dây an toàn hoặc chở người trên ô tô không thắt dây an toàn tại mọi vị trí, trong khi Luật Giao thông đường bộ chỉ bắt buộc thắt dây an toàn đối với người ngồi ở hàng ghế trước (khoản 2, Điều 9 về “Quy tắc chung”).

Cùng quan điểm, luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Chủ tịch Hãng luật Giải Phóng, cho rằng mức xử phạt hành vi lái xe ngược chiều trên cao tốc “vẫn quá nhẹ”, đặc biệt là khi mới đây cảnh sát giao thông xử phạt một tài xế phóng xe ngược chiều trên cao tốc chỉ 17 triệu đồng, hành vi “coi sinh mạng như cỏ rác, kể cả sinh mạng của chính mình” lại chỉ bị phạt gấp hơn 3 lần việc chuyển làn quên bật đèn tín hiệu (5 triệu đồng). Hành vi lái xe khi có sử dụng rượu bia (chỉ cần có nồng độ cồn trong khí thở trên 0) bị phạt đến 40 triệu đồng, tước bằng lái 24 tháng; trong khi lùi xe trên cao tốc chỉ bị phạt 12 triệu đồng, tước bằng 6 tháng, cũng được nhiều luật gia coi là bất hợp lý. Hoặc, mức phạt 400.000 - 600.000 đồng đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy đi sát lề đường rẽ phải mà không bật xi nhan, cũng chưa nhận được sự “tâm phục” khi so sánh với nhiều hành vi khác.

Bên cạnh đó, luật sư Nguyễn Văn Hậu (Hội Luật gia TPHCM) đề nghị có thêm biện pháp khuyến khích lái xe an toàn. Ví dụ, có thể quy định những người hành nghề lái xe mà trong vòng 10 - 20 năm không có vi phạm nào thì có thể ưu tiên cấp cho họ thẻ lái xe màu vàng và khi đi làm thủ tục hành chính sẽ được ưu tiên làm trước…

ANH THƯ

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/ran-de-va-do-luong-646567.html