Rạng danh 'Chiếng chèo Nam'

Đoàn Chèo Nam Định (nay thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Nam Định) thành lập tháng 10-1959. Trải qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, Đoàn Chèo Nam Định đã khẳng định vị thế trên sân khấu Chèo chuyên nghiệp cả nước, xứng đáng là một trong những cái nôi của nghệ thuật chèo.

Các nghệ sĩ, diễn viên Đoàn Chèo Nam Định biểu diễn tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020

Tiền thân là Đội Văn công nhân dân tỉnh Nam Định, buổi đầu thành lập, lực lượng diễn viên của Đoàn Chèo chủ yếu là các nghệ sĩ được tuyển chọn từ phong trào văn nghệ cơ sở như: Xuân Nhai, Đức Hứa, Đỗ Hiển, Thục An, Thúy Diễm, Thế Tuyền, Kim Liên, Thanh Bình, Thanh Hương, Đồng Ích, Phương Liên; ngoài ra còn có một số anh chị em nguyên là đội viên tuyên truyền kháng chiến như: Đoàn Bá, Kinh Luân, Văn Phức, Đào Thanh Chuyên… Vượt qua thời kỳ khó khăn ban đầu, đoàn đã tập luyện, dàn dựng được nhiều chương trình biểu diễn với nội dung phong phú, hấp dẫn như “Chị Thắm, anh Hồng”, “Bên đường dốc”, “Đường cày”, “Tấm ảnh bên đầm sen”. Các diễn viên Kim Liên, Thanh Hương (vai chị Thắm), Thế Tuyền, Thanh Bình (vai anh Hồng) đã trở thành những nghệ sĩ “gạo cội” được khán giả mến mộ. Năm 1962, Đoàn Chèo Nam Định giành Huy chương Bạc tại Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc với vở diễn “Đôi ngọc lưu ly”. Thành công này đã tiếp thêm động lực và niềm tin cho đoàn tiếp tục dàn dựng nhiều tiết mục vở diễn có chất lượng nghệ thuật cao như: “Chị Tâm bến Cốc”, “Cô Son”, “Trần Quốc Toản ra quân”. Đặc biệt, vở “Chị Tâm bến Cốc” đã được phục vụ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh năm 1963 và các diễn viên của Đoàn đã được chụp ảnh lưu niệm với Bác Hồ tại Đại hội.

Từ năm 1966-1981, khi thực hiện việc sáp nhập tỉnh, Đoàn Chèo Nam Định hợp nhất với Đoàn Chèo Hà Nam thành Đoàn Chèo Nam Hà. Đây là thời kỳ “hoàng kim” của đoàn với nhiều thành quả lao động nghệ thuật; tiêu biểu như các vở chèo: “Trần Quốc Toản ra quân”, “Lấn biển”, “Tấm Cám”, “Quan âm Thị Kính”, “Ni cô Đàm Vân”, “Ánh sao đầu núi”, “Chiếc nón bài thơ”, “Soi bóng người xưa”… Năm 1971, vở chèo “Trần Quốc Toản ra quân” được dàn dựng quay thành phim nhựa để công chiếu cổ vũ tinh thần lao động, sản xuất, chiến đấu của quân và dân ta. Thời điểm đó, hòa chung khí thế hừng hực “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, 13 nhạc công, nghệ sĩ trong Đội Văn công xung kích tiền phương do đồng chí Lê Huệ làm đội trưởng đã mang tiếng hát và nghệ thuật chèo phục vụ nhân dân, chiến sĩ trên tuyến lửa, Bộ Tư lệnh 559, Đoàn 565 nước bạn Lào. Năm 1973, tiếng hát Văn của nghệ sĩ Kim Liên tham gia phục vụ phái đoàn của ta đấu tranh ngoại giao tại Paris làm lay động bạn bè quốc tế. Năm 1976, vở “Ni cô Đàm Vân” (tác giả Học Phi, đạo diễn Lê Huệ) đã được lựa chọn phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV tại Hội trường Ba Đình (Hà Nội).

Giai đoạn 1982-1992, thực hiện việc sáp nhập tỉnh, Đoàn Chèo Nam Hà hợp nhất với Đoàn Chèo Ninh Bình thành Đoàn Chèo Hà Nam Ninh. Với đội ngũ diễn viên, nhạc công tên tuổi, tài năng như: Kim Liên, Thế Tuyền, Duy Cổn, Thanh Hương, Thúy Nga, Thúy Ngân, Kim Chung, Bích Thục, Lương Duyên, Công Trí, Huy Toàn, Lâm Bình, Xuân Chính, Kim Khuyên…, trong 10 năm, đoàn đã dàn dựng 12 vở dài, trong đó có những vở diễn xuất sắc như: “Những người nói thật” (tác giả An Viết Đàm, đạo diễn Lê Huệ) - Huy chương Vàng Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tại Thanh Hóa năm 1985; “Anh lái đò sông Vị” (tác giả Nguyễn Bính, đạo diễn Lê Huệ) - Huy chương Vàng Hội diễn sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc tại Thái Bình năm 1990. Thời gian này, Đoàn Chèo Hà Nam Ninh đã tạo nên những kỳ tích nghệ thuật, xứng đáng với truyền thống vùng chèo mạnh của cả nước.

Tháng 3-1992, sau khi Ninh Bình tách tỉnh Hà Nam Ninh, Đoàn Chèo Nam Hà được tái lập với 24 nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công. Trong điều kiện khó khăn, đoàn đã từng bước củng cố xây dựng, mua sắm trang thiết bị, đầu tư dàn dựng tiết mục, tuyển dụng bổ sung diễn viên. Bên cạnh việc dàn dựng một số vở đề tài hiện đại, nhiều vở chèo cổ cũng kịp thời được củng cố, nâng cao, đáp lại lòng tin yêu của khán giả. Năm 1994, vở “Thi sĩ từ quan” tham gia Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp duyên hải phía Bắc giành giải Bạc. Năm 1995, vở “Chàng mãi võ và cô hàng quạt” tham gia Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc giành Huy chương Bạc. Hội thi tiếng hát hay tuồng chèo toàn quốc tại Hải Hưng, nghệ sĩ Bích Thục giành Huy chương Vàng; các nghệ sĩ: Lương Duyên, Đăng Khoa, Công Trí giành Huy chương Bạc.

Năm 1997, sau khi tách tỉnh Hà Nam, trở lại là Đoàn Chèo Nam Định, các diễn viên, nhạc công tiếp tục khẳng định “thương hiệu” “Chiếng chèo Nam” bằng những vở diễn chất lượng như: “Có một tình yêu như thế”, “Trạng lường Lương Thế Vinh”, “Thành Nam bão nổi”, “Chiến trường không tiếng súng”… Vở “Trần Anh Tông” (tác giả Trần Đình Ngôn, đạo diễn Trịnh Quang Khanh) tham gia Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2000 là một trong hai vở được tặng Huy chương Vàng; các nghệ sĩ Bích Thục, Đăng Khoa giành Huy chương Vàng, Diệu Hằng, Quốc Hùng, Ngọc Hùng giành Huy chương Bạc. Năm 2001, vở “Trần Anh Tông” vinh dự được chọn phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX tại Thủ đô Hà Nội. Vở diễn “Thần đồng đất Việt” tham dự Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2005 được đánh giá cao về tư tưởng và chất lượng nghệ thuật; các nghệ sĩ: Diệu Hằng, Thanh Vân đoạt Huy chương Vàng, Thanh Nga, Đăng Khoa, Duy Thông giành Huy chương Bạc. Năm 2006, UBND tỉnh quyết định nâng cấp Đoàn Chèo Nam Định thành Nhà hát Chèo Nam Định. Từ khi được nâng cấp, Nhà hát Chèo Nam Định đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong hoạt động biểu diễn. Năm 2009, tại Hội diễn sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc tại Quảng Ninh, vở chèo “Chiến trường không tiếng súng” (tác giả Phạm Văn Quý, đạo diễn Lê Huệ) đã giành Huy chương Vàng cho vở diễn, 2 Huy chương Vàng, 4 Huy chương Bạc cho diễn viên. Năm 2016, tham gia Hội diễn sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc với vở diễn “Không phải là vụ án”, Nhà hát Chèo Nam Định giành Huy chương Vàng cho vở diễn và 5 Huy chương Vàng, 5 Huy chương Bạc cho diễn viên.

Trước sự cạnh tranh của các loại hình nghệ thuật hiện nay, Đoàn Chèo Nam Định đã năng động sáng tạo, đổi mới phương thức hoạt động để tiếp cận khán giả. Hàng năm, các chỉ tiêu về số buổi diễn, doanh thu và số lượng người xem, Đoàn đều vượt chỉ tiêu, kế hoạch giao. Đặc biệt, tham dự các kỳ hội diễn, hội thi, liên hoan sân khấu chèo khu vực, toàn quốc, Đoàn Chèo Nam Định đều giành thành tích cao, được đồng nghiệp và khán giả yêu mến. Hiệu quả trong công tác đào tạo, tuyển chọn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng diễn viên kế cận của Đoàn Chèo tỉnh được các nhà quản lý, giới chuyên môn và các đồng nghiệp trong cả nước đánh giá cao qua các cuộc thi tài năng trẻ sân khấu chuyên nghiệp những năm gần đây. Tại cuộc thi “Tài năng trẻ diễn viên sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc” diễn ra tại Ninh Bình cuối năm 2014 đã khẳng định sức trẻ của Nhà hát Chèo Nam Định. Tại cuộc thi, diễn viên trẻ Trịnh Xuân La được trao Huy chương Vàng với vai diễn ông Chài trong trích đoạn “Vợ chồng ông Chài”. Tại cuộc thi “Tài năng trẻ diễn viên sân khấu tuồng, chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2017” tổ chức vào trung tuần tháng 8-2017 ở thành phố Thanh Hóa; 3 diễn viên được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao giải gồm: Trịnh Thị Mai (vai Trần Quốc Toản) trong trích đoạn “Quốc Toản chiêu binh” giành Huy chương Vàng; Văn Thị Năm (vai bà Chài) trong trích đoạn “Vợ chồng ông Chài” giành Huy chương Bạc; Dương Mai Linh (vai Đào Huế) trong trích đoạn “Tuần Ty Đào Huế” giành danh hiệu Tài năng trẻ triển vọng; 3 diễn viên được Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tặng giải vai nghệ sĩ xuất sắc gồm: Trần Đình Huy (vai Phù thủy) trong trích đoạn “Phù thủy sợ ma”; Nguyễn Thị Linh (vai Thị Màu) trong trích đoạn “Thị Màu lên chùa”; Đỗ Thu Phương (vai Tấm) trong vở diễn “Tấm Cám”.

Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Diệu Hằng, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Nam Định cho biết: Năm 2019, Nhà hát Chèo Nam Định hợp nhất cùng Đoàn Cải lương, Đoàn Kịch nói và đổi tên thành Đoàn Chèo Nam Định thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh. Đoàn Chèo Nam Định hiện có 60 cán bộ, diễn viên, nhạc công, trong đó trên 50% số diễn viên có độ tuổi từ 18 đến 30 tuổi. Vừa qua, Đoàn Chèo Nam Định với nòng cốt là các nghệ sĩ giàu kinh nghiệm cùng dàn nghệ sĩ nhạc công trẻ tiếp tục gặt hái được những thành công khi tham gia Liên hoan sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc với 2 vở diễn “Thánh Mẫu” và “Gò Đống Mối”; trong đó, vở diễn “Gò Đống Mối” giành Huy chương Bạc vở diễn, 1 giải nhạc sĩ xuất sắc, 3 Huy chương Vàng, 4 Huy chương Bạc cho các vở diễn.

Chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển, Đoàn Chèo Nam Định luôn bám sát cuộc sống, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ghi nhận những thành tích đã đạt được, Đoàn Chèo Nam Định đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhì, Huân chương Chiến công cho Đội Văn công xung kích tiền phương năm 1968, Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì, hạng Nhất, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 13 Huy chương Chiến thắng, 35 Huy chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều năm liền nhận “Cờ tiên tiến xuất sắc” của UBND tỉnh; hàng trăm Huy chương Vàng, Bạc cho các vở diễn, diễn viên; 2 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân; 15 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú./.

Bài và ảnh: Viết Dư

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/rang-danh-chieng-cheo-nam-72795