Rạng Đông bất ngờ lên kế hoạch chi 42 tỷ đồng mua trụ sở làm việc

Dự toán mức đầu tư nhà trụ sở làm việc cho hai chi nhánh Biên Hòa và Tây Nguyên lên tới 42 tỷ đồng. Trong khi đó, số tiền mà Rạng Đông từng bỏ ra cho 8 khu đất khác chỉ có nguyên giá hơn 31 tỷ đồng.

Trong một thông báo vừa phát hành, Rạng Đông cho biết, Hội đồng quản trị công ty này đã quyết định phê chuẩn đề xuất mua nhà làm trụ sở làm việc, kho cho hai chi nhánh bằng nguồn vốn từ quỹ đầu tư phát triển của công ty.

Sau sự cố hỏa hoạn hôm 28/8, Hội đồng quản trị Cty Rạng Đông quyết định phê chuẩn đề xuất mua nhà làm trụ sở làm việc, kho cho hai chi nhánh bằng nguồn vốn từ quỹ đầu tư phát triển của công ty.

Sau sự cố hỏa hoạn hôm 28/8, Hội đồng quản trị Cty Rạng Đông quyết định phê chuẩn đề xuất mua nhà làm trụ sở làm việc, kho cho hai chi nhánh bằng nguồn vốn từ quỹ đầu tư phát triển của công ty.

Danh sách các chi nhánh được đầu tư mua nhà làm trụ sở văn phòng làm việc, kho của chi nhánh gồm Chi nhánh Biên Hòa thuộc lô đất xã Phước Tân, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai và Chi nhánh Tây Nguyên tại thửa đất số 11 tờ bản đồ số 8 phường Tân Lập, TP Buôn Ma Thuật, tỉnh Đắk Lắk.

Ban lãnh đạo Rạng Đông dự toán mức đầu tư mua nhà làm trụ sở văn phòng làm việc cho hai chi nhánh kể trên khoảng 42 tỷ đồng.

Hiện chưa rõ động thái đầu tư mua trụ sở và kho cho các chi nhánh của Rạng Đông có liên quan đến hoạt động tái thiết sau vụ hỏa hoạn xảy ra tại nhà máy công ty này hồi cuối tháng 8 hay không.

Trước đó, Rạng Đông đã từng đầu tư mua quyền sử dụng đất tại nhiều chi nhánh với nguyên giá 31,56 tỷ đồng. Trong đó, giá trị quyền sử dụng đất Khu công nghiệp Quế Võ (khấu hao 38 năm từ năm 2016) là 19 tỷ đồng, giá trị quyền sử dụng đất tại nhà máy Bắc Ninh (khấu hao 50 nă từ 2005) là 4,8 tỷ đồng.

Ngoài ra, còn 7 quyền sử dụng đất khác tại 6 tỉnh thành có giá trị từ 700 triệu đồng đến 1,7 tỷ đồng. Giá trị tài sản hữu hình là nhà cửa của doanh nghiệp này xấp xỉ 192 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính bán niên ghi nhận tổng tài sản của Rạng Đông tính đến ngày 30/6 đạt hơn 2.781 tỷ đồng. Quỹ đầu tư phát triển chiếm hơn 10%, tương đương khoảng 282 tỷ đồng. Công ty hiện có 10 chi nhánh, nhà máy, trung tâm nghiên cứu và kinh doanh trên khắp cả nước.

Sự cố hỏa hoạn hôm 28/8 xảy ra tại Bộ phận sản xuất bóng đèn dây tóc, ống đèn CFL và một kho thành phẩm tại cơ sở Hạ Đình (Hà Nội) của Công ty kéo dài gần 5 tiếng đồng hồ. Báo cáo hôm 29/8, lãnh đạo Rạng Đông cho biết sự cố này không gây ra thiệt hại về người, ước tính ban đầu về thiệt hại tài sản khoảng 150 tỷ đồng, dưới 5% tổng tài sản của công ty.

Theo quan trắc của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), lượng thủy ngân phát tán ra ngoài môi trường do vụ cháy từ 15,1 kg đến 27,2 kg, trong đó 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy có sử dụng thủy ngân lỏng có độc tính cao hơn viên Amalgam.

Xử lý vấ đề này, tại văn bản hỏa tốc về việc tiếp tục thực hiện một số giải pháp khắc phục hậu quả vụ cháy tại nhà máy Rạng Đông, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu Công an thành phố, sau khi hoàn thành việc lấy mẫu để phục vụ công tác điều tra, khẩn trương bàn giao hiện trường vụ cháy cho công ty Rạng Đông để tiến hành ngay việc thu gom, xử lý toàn bộ chất thải do vụ cháy để lại theo đúng quy trình, quy định hiện hành. Sau đó, tổ chức tẩy độc toàn bộ khu vực.

Đồng thời, khẩn trương di dời nhà máy đến cơ sở sản xuất mới theo quy định tại Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, theo một nguồn tin, trong lộ trình di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi nội thành đến năm 2020 thì nhà máy Rạng Đông không nằm trong diện phải di dời. Cụ thể, tại Văn bản số 5920/STNMT-CCQLĐĐ về tham gia ý kiến tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quy hoạch và lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại khu đất số 87 - 89 Hạ Đình của nhà máy Rạng Đông. Mục 4 của văn bản này nêu rõ: “Ngày 20/6/2017, Sở Tài nguyên và Môi trường có báo cáo UBND thành phố số 4817/BC-STNMT-CCQLĐĐ thực hiện lập danh mục, xác định tiêu chí lộ trình và biện pháp di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp với quy hoạch ra khỏi khu vực các quận nội thành, trong đó không tổng hợp khu đất tại 87 - 89 Hạ Đình do nhà máy Rạng Đông quản lý sử dụng và không nằm trong danh mục di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp quy hoạch ra khỏi khu vực quận nội thành (theo Báo cáo số 22-BC/BCS ngày 16/1/2018 của Ban cán sự Đảng UBND TP Hà Nội).

Tiếp đó, ngày 24/8/2018, Văn bản số 5133/KH&ĐT –NNS của Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng một lần nữa khẳng định: “Ban cán sự Đảng UBND thành phố đã có Báo cáo số 22-BC/BCS ngày 16/1/2018 trình Thành ủy về việc thực hiện lập danh mục, xác định tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp quy hoạch ra khỏi khu vực các quận nội thành, trong đó tổng hợp khu đất 87 - 89 Hạ Đình không nằm trong danh mục đã báo cáo”. Như vậy rõ ràng, nhà máy Rạng Đông không nằm trong danh mục di dời.

Phía Rạng Đông hiện vẫn chưa có thông tin chính thức nào liên quan tới vấn đề này gửi nhà đầu tư, cổ đông và công chúng quan tâm.

Anh Duy

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/rang-dong-bat-ngo-len-ke-hoach-chi-42-ty-dong-mua-tru-so-lam-viec-157762.html