Rạng rỡ khí phách liệt nữ An Tư

Khí phách liệt nữ An Tư được khắc họa đầy rạng rỡ trong vở cải lương 'Vì nghĩa nước non' vừa được Nhà hát Cải lương Việt Nam công diễn.

Phút giây lựa chọn xúc động giữa tình riêng và việc nước của công chúa An Tư trong vở cải lương 'Vì nghĩa nước non'. Ảnh: Bình Thanh.

Phút giây lựa chọn xúc động giữa tình riêng và việc nước của công chúa An Tư trong vở cải lương 'Vì nghĩa nước non'. Ảnh: Bình Thanh.

Gác lại tình riêng để dấn thân cứu giang sơn giữa lúc nguy biến. Mang tấm thân lá ngọc cành vàng, liễu yếu đào tơ vào nơi hang hùm miệng sói, khiến kẻ thù phải khiếp sợ…

Đó là khí phách liệt nữ An Tư được khắc họa đầy rạng rỡ trong vở cải lương “Vì nghĩa nước non” vừa được Nhà hát Cải lương Việt Nam công diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội, tối 18/7.

Tích cực vén màn sử xưa

Nhắc đến cái tên An Tư, hẳn nhiều người đều biết vì chính sử cũng đã kể. Ấy là nàng công chúa nhà Trần bị cống nạp cho Thoát Hoan để kìm chân giặc trong kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần 2 (năm 1285).

Đấy là, trong khi thực thi kế sách “vườn không nhà trống”, rút khỏi thành Thăng Long mà thế giặc quá mạnh, ráo riết truy bắt nên quan quân nhà Trần phải dùng đến mỹ nhân kế. An Tư là người nhận nhiệm vụ đặc biệt quan trọng ấy, trở thành thiếp yêu của Thoát Hoan để trì hoãn vó ngựa Mông Cổ truy sát…

Thế nhưng, sử chép về người con gái này không nhiều, có lẽ chỉ được “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Việt sử tiêu án” ghi vắn tắt. Tuy nhiên, chưa có tư liệu nào đề cập một cách rõ ràng về năm sinh, năm mất của An Tư cũng như chuyện sau khi bị cống nạp cho Thoát Hoan, số phận công chúa ra sao?

Điểm mờ lịch sử này từng được nhà văn Nguyễn Huy Tưởng lý giải bằng tiểu thuyết lịch sử “An Tư”, nhưng được ông viết cách đây 80 năm - 1943. Đối với lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, có lẽ Trần Hồng Vân là tác giả đầu tiên khai thác câu chuyện về nàng công chúa đặc biệt này của triều Trần.

Kịch bản đã được Nhà hát Chèo Hà Nội dàn dựng từ năm 2020 với tên gọi “Trung trinh liệt nữ”. Năm 2022, vở diễn tham gia Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ 5 và xuất sắc giành Huy chương Vàng vở diễn cùng nhiều Huy chương Vàng, Huy chương Bạc cho cá nhân.

Dù thân liễu bồ mỏng manh nhưng công chúa An Tư vẫn khiến kẻ thù khiếp sợ. Ảnh: Bình Thanh.

Dù thân liễu bồ mỏng manh nhưng công chúa An Tư vẫn khiến kẻ thù khiếp sợ. Ảnh: Bình Thanh.

Sự tiếp tục trở lại lần này với bản dựng mang tên kịch bản gốc “Vì nghĩa nước non” của Đoàn Truyền thống, Nhà hát Cải lương Việt Nam cho thấy việc vén màn sử xưa về công chúa An Tư ngày càng được giới nghệ thuật hôm nay đặc biệt quan tâm.

Là người thực hiện dàn dựng cả 2 phiên bản chèo và cải lương này, đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai bảo, đó là trách nhiệm của hậu thế: “Tôi đặc biệt say mê với những trang sử của cha ông và cũng luôn không ngừng khao khát được góp góc nhìn của mình cùng người đời lý giải về những điểm mờ lịch sử qua các tác phẩm tôi trực tiếp dàn dựng. Sau những câu chuyện về Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ, Lý Thường Kiệt, Lê Lợi… tôi bị cuốn hút vào câu chuyện của công chúa An Tư bằng cả lòng khâm phục, tự hào.

Nhưng, quả thật, tôi bắt tay vào dàn dựng bản diễn đầu tiên cho Nhà hát Chèo Hà Nội bắt đầu từ việc thấy tủi cho nàng công chúa nhà Trần: Phải chăng những gì nàng làm được chỉ là nhi nữ thường tình?

Tại sao khi phụ nữ làm những việc mà đàn ông không thể làm nổi thì không được ghi nhận? Những đóng góp của bà cho giang sơn rất lớn lao đấy chứ vậy mà đến giờ vẫn chưa thấy một con đường nào mang tên An Tư?”, bà Mai bày tỏ.

Khí phách liệt nữ

Vở cải lương “Vì nghĩa nước non” với sự tham gia diễn xuất của Thùy Dung (An Tư), Lê Tuấn (Trần Thông), NSƯT Mạnh Hùng (Thoát Hoan), NSƯT Hồng Hạnh (Cốt Đãi Tam), Văn Thuận (Trần Thánh Tông)… là lát cắt quãng ngắn về cuộc đời công chúa An Tư - từ lúc nàng phải lựa chọn giữa tình riêng và việc nước.

Khán giả vừa mới bâng khuâng trước tình riêng thắm đượm của An Tư với Chiêu Thành Vương - Trần Thông phải tạm chia xa vì người trai lên đường ra biên ải đánh giặc ngoại xâm thì đã bước vào nỗi đau đớn xót xa khi chứng kiến đóa hoa trinh nữ mỏng manh, khiêm nhường phải gánh vác trọng trách cao cả với non sông: Là mỹ nhân kế của vua Trần, làm chậm bước tiến quân địch để quan quân rút lui thành công khỏi Thăng Long.

Nghệ sĩ Thùy Dung - người thủ vai An Tư đã có những khoảnh khắc hóa thân diễn tả khá sắc nét nỗi lòng công chúa An Tư qua cử chỉ, đài từ, ca hát. Cái giây phút lắng lại để thốt lên lời “chấp thuận” đủ để khán giả cảm được nỗi đau trong lòng An Tư khi ngoái lại với tình riêng và phận nữ nhi thường tình.

Nhưng nỗi đau ấy nhanh chóng được chuyển hóa thành ý thức trách nhiệm cao cả với vận mệnh ngàn cân treo sợi tóc của đất nước đang giữa vòng vây hung hãn của giặc ngoại xâm. Với nàng: “Lá ngọc cành vàng cao sang quyền quý để làm gì khi đất nước lâm nguy…”.

Nghệ sĩ Thùy Dung hóa thân thành công chúa An Tư vì nước quên thân. Ảnh: Bình Thanh.

Nghệ sĩ Thùy Dung hóa thân thành công chúa An Tư vì nước quên thân. Ảnh: Bình Thanh.

Nối tiếp đó là thử thách tiếp tục phải lựa chọn, khó đến ngàn lần: TRINH TIẾT. Trước ngày sang trại giặc, vua Trần đã tác thành mối duyên đẫm lệ giữa An Tư và Trần Thông, những mong đôi trẻ có được giây phút hạnh phúc ngắn ngủi.

Điều này thật dễ cảm thông và chia sẻ khi họ xứng đáng được hưởng phút giây ấy sau bao tháng năm chờ đợi sắt son. Vậy nhưng, An Tư đã lựa chọn hy sinh cả quyền được một lần hạnh phúc ấy để TRINH TIẾT kia trở thành vũ khí ghìm quân giặc.

Bởi thế, khán phòng đã lặng đi trong câu hát: “Tiếng non sông gọi thiêng liêng ngút trời, nợ nước đền bồi thôi đành xin phụ tình người với ta. Chỉ biết ngàn vàng trân quý nâng niu mong ước một ngày được trao cho người yêu thương nhất. Nhưng giờ đây để ghìm chân quân giặc, TRINH TIẾT này sẽ thành chữ TRUNG TRINH”…

Và bằng TRINH TIẾT ấy, khi ở trong tay lang sói, dẫu phải cô độc gánh nỗi đau khôn cùng nhưng An Tư vẫn vững vàng tỏa sáng khí phách liệt nữ: “Thân này dù mong manh lẻ loi quyết hy sinh vì thanh bình nước non… Ta sẽ vươn cao theo ánh Mặt trời, cùng non sông hô vang lời SÁT THÁT…”.

Nàng công chúa triều Trần đã ra trận như thế, dẫu một thân bồ liễu nơi hang hùm miệng sói thì An Tư vẫn “Vì non sông tiếc chi thân mình...” để rồi kiêu hãnh tuyên bố với giặc xâm lăng rằng: “Chừng nào máu hồng còn chảy trong mỗi người dân nước Việt thì chừng ấy kẻ thù vĩnh viễn không thể đặt chân lên mảnh đất này…”.

Thực ra, ở vở cải lương “Vì nghĩa nước non”, các tình tiết tạo biến cố, bước ngoặt không nhiều nếu không nói là khá đơn giản nhưng lại luôn đầy ắp những quãng lặng để bộc lộ chiều sâu nội tâm nhân vật, không chỉ của công chúa An Tư, mà còn của Trần Thánh Tông hay Cốt Đãi Tam - vợ Thoát Hoan… Tất cả cùng tập trung làm sáng tỏ điểm mờ của lịch sử về nàng công chúa triều Trần, có khi chỉ là hư cấu nhưng khá logic, thuyết phục.

Nhất là cái kết được khép lại với hình ảnh An Tư hóa thành bó đuốc góp phần dẫn đường cho non sông ca khúc khải hoàn. Góc nhìn đầy chất trang ca này không chỉ làm rạng rỡ cho tấm lòng trung trinh của An Tư, mà còn gieo vào tâm trí khán giả những cảm xúc khó quên!

“Ở vở diễn (Vì nghĩa nước non), cùng với việc biểu đạt về linh khí nước Nam là vẻ đẹp dịu dàng mà kiên cường bất khuất ẩn sâu trong trái tim của An Tư, tôi muốn dệt tấm áo phượng lúc là con thuyền đưa An Tư một đi không trở lại vì nghĩa lớn, lúc là ngọn lửa thiêu cháy kẻ thù, lúc thì run rẩy vì bị vấy bẩn. Nhiều khi, tà áo của người phụ nữ Việt Nam ở thời đại nào cũng trở thành vũ khí. Bởi phía sau là một tinh thần bất khuất, khi cần thì sẵn sàng hy sinh tất cả - (còn cái lai quần cũng đánh)” - Đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai.

Bình Thanh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/rang-ro-khi-phach-liet-nu-an-tu-post647247.html