Ranh giới mong manh, cần có cái nhìn mới

Trong khi các Hiệp hội taxi bảo lưu quan điểm coi các công ty ứng dụng công nghệ như Grab là Cty vận tải taxi và cần sửa đổi quy định để quản như taxi, các chuyên gia lại cho rằng không nên 'gò ép' mô hình mới vào hệ thống pháp luật chưa có hoặc cấm, hạn chế. Hơn nữa, theo các chuyên gia, nếu coi DN công nghệ giống như taxi thì sẽ triệt tiêu sáng tạo.

Chưa ngã ngũ chuyện định danh Grab là Cty công nghệ hay vận tải. Ảnh: PV

Định danh Grab, Uber là Cty công nghệ hay vận tải?

Sau nhiều tháng soạn thảo với 4 dự thảo, nghị định sửa đổi nghị định 86 ít nhiều vẫn vướng với câu hỏi định danh về bản chất của các Cty cung ứng dịch vụ công nghệ kết nối vận tải như Grab, Uber. Phát biểu tại cuộc họp mới nhất về việc sửa đổi nghị định 86, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể thừa nhận ranh giới giữa taxi truyền thống và vận tải hợp đồng, taxi công nghệ rất mong manh và qua thời gian vận hành, các loại hình kinh doanh này ngày càng phát triển phức tạp. Bộ GTVT cho biết sẽ có các chế tài giải pháp quản lý được xe dù bến cóc, xe trá hình đồng thời giải quyết hài hòa mâu thuẫn lợi ích giữa xe công nghệ và taxi.

Tuy nhiên, trên thực tế nhiều quan điểm quanh vấn đề này còn trái chiều. Đại diện Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng xe hợp đồng dưới 9 chỗ sử dụng phần mềm kết nối đều quy định là xe taxi và chịu chung quy định quản lý. Ngoài ra, Cty công nghệ kinh doanh vận tải phải đặt máy chủ tại Việt Nam, dữ liệu có sự kết nối và chịu sự giám sát, taxi công nghệ phải gắn mào...

Trong khi đó, đại diện phía Grab nhận định bản chất của Grab là Cty công nghệ với vai trò cung cấp ứng dụng, kết nối giữa khách hàng và lái xe. Vì vậy, đại diện Grab hy vọng cơ quan quản lý có cách tiếp cận cởi mở và toàn diện khi hoạch định chính sách quản lý nền tảng công nghệ số mới, để Việt Nam có thể bắt kịp cuộc đua toàn cầu hướng đến nền kinh tế kỹ thuật số. Với các quy định như đeo mào “taxi điện tử”, đại diện Grab cho rằng không cần thiết và làm phát sinh chi phí cho DN.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Hưng - Chủ tịch Thương mại Điện tử Việt Nam - đánh giá cao ứng dụng thí điểm và sự phát triển công nghệ đồng thời cho rằng cơ quan Nhà nước không nên “gò ép” mô hình mới vào hệ thống pháp luật chưa có hoặc cấm, hạn chế. Ông Hưng nhận định cơ quan chức năng cần có cái nhìn nhận mới và giải quyết xung đột với loại hình cũ.

Ở một góc độ khác, đại diện Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng việc dự thảo hiện nay coi DN công nghệ giống như taxi truyền thống là cần phải xem xét lại vì sẽ triệt tiêu sáng tạo. Nên chăng, Bộ GTVT xem lại điều kiện kinh doanh vận tải truyền thống do có quá nhiều điều kiện bó buộc, những rào cản về điều kiện kinh doanh khiến họ “chùn bước” và không tham gia vào kinh doanh vận tải.

Nên xem xét phát triển mô hình đi chung xe

Bên cạnh câu chuyện định danh, mô hình đi chung xe cũng là vấn đề đang nóng trở lại sau một thời gian bị “cấm cửa”. Đánh giá về loại hình vận tải này, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia - nhận định đi chung xe mới chính là kinh tế chia sẻ và cơ quan chức năng cần cân nhắc có nên cấm hay không?

Cùng quan điểm nhiều chuyên gia cho rằng đi chung xe không chỉ mang lại lợi ích cho cả khách hàng và lái xe mà còn là biện pháp giảm thiểu lượng phương tiện lưu thông trên đường, từ đó góp phần giải bài toán tắc đường tại các đô thị lớn.

Theo Tiến sĩ-Luật sư Lê Văn Thiệp - Trưởng Văn phòng luật sư Toàn Cầu, Đoàn luật sư TP.Hà Nội - việc áp dụng dịch vụ đi chung xe sẽ giúp giảm thiểu chi phí xã hội, giảm thiểu những tác động môi trường cũng như ách tắc giao thông.

Cùng quan điểm với TS Thiệp, luật sư Nguyễn Phương Nam - Trưởng Văn phòng luật sư số 10, Đoàn luật sư TP.Hà Nội - đưa ra giả thiết 4 người đó cùng đi chung xe, vậy họ sẽ chỉ sử dụng 1 chiếc ôtô là đủ. Nhưng nếu cơ quan quản lý cấm dịch vụ này, nghĩa là, cùng lúc đó sẽ có 4 chiếc ôtô trên đường, xuất phát cùng điểm và đến cùng nơi. Như vậy, việc cấm dịch vụ này không những làm tăng chi phí xã hội, còn làm ùn tắc giao thông vốn đang rất nóng hiện nay.

Dịch vụ đi chung xe khi ra mắt năm 2017 đã nhận được nhiều sự ủng hộ từ khách hàng và lái xe khi cho phép hành khách hưởng chi phí rẻ hơn khoảng 30% so với dịch vụ đặt xe thông thường, đồng thời giúp tài xế tăng thêm thu nhập nhờ kết hợp 2 cuốc xe có cùng lộ trình di chuyển trên một chuyến xe. Tuy nhiên, các hãng taxi lại kịch liệt phản đối và cho rằng đó là hành vi vi phạm pháp luật, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động kinh doanh vận tải.

Lâm Anh

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xe/ranh-gioi-mong-manh-can-co-cai-nhin-moi-619644.ldo