Ranh giới nào giữa quần áo đi làm và đi chơi

Ngày nay, việc phân chia quần áo phục vụ đi làm và đi chơi không còn cần thiết. Các công ty có chính sách cởi mở, cho nhân viên được thể hiện cá tính qua trang phục.

Ranh giới giữa thời trang công sở và trang phục đời thường đang mờ dần. Ảnh minh họa: Melvin Buezo/Pexels.

Cây bút Emma Jacobs của tờ CNA từng là người thích phân chia rạch ròi thời trang công sở và quần áo đi chơi cuối tuần. Với cô, những item cho công việc như chân váy bút chì, quần tây chỉ phù hợp cho môi trường làm việc. Trong khi đó, quần jean, áo lụa nhiều họa tiết chỉ thích hợp cho những buổi xuống phố gặp gỡ bạn bè.

"Tôi cảm thấy mình không thể tách bạch công việc và cuộc sống nếu không phân chia tủ quần áo như thế", nữ nhà báo viết.

Thế nhưng đó chỉ là quan điểm của cô trước đại dịch. Giờ đây, Jacobs cho rằng ranh giới giữa trang phục đi làm và đi chơi đã mờ dần.

Nhiều người thừa nhận, sau đại dịch, thời trang công sở của họ đã phóng khoáng hơn. Ảnh minh họa: Harsh Kushwaha/Pexels.

Sự hoán đổi

Khi đại dịch qua đi, thế giới mở cửa trở lại, nữ nhà báo chuyên viết về thời trang này từng dự đoán sự phân chia tủ quần áo sẽ ngày càng khắt khe hơn. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng với một số người.

Phần đông mọi người đang thấy phong cách thời trang công sở đã phóng khoáng hơn, họ cởi bỏ quần tây và thay bằng quần dài chạy bộ để thoải mái nhất có thể.

Đối với Jacobs cũng vậy, cô dành riêng một chiếc blazer và quần tây cho các sự kiện, cuộc họp, buổi phỏng vấn quan trọng. Còn lại, các trang phục cô mặc đi làm hay đi chơi cuối tuần đều có thể hoán đổi cho nhau.

"Tôi mang giày thể thao màu trắng cổ cao của Nike đến văn phòng và mặc một chiếc áo sơ mi hoa BA&SH sang trọng để đi uống cà phê với bạn bè. Tôi nhận thấy mọi thứ đều ổn", cô nhận xét.

Xu hướng bình thường hóa trang phục công sở đang được đón nhận. Ảnh minh họa: Natasha Lois/Pexels.

Bình thường hóa trang phục công sở

Với nhiều người, xu hướng bình thường hóa trang phục công sở đã góp phần lớn trong việc xóa bỏ ranh giới trong tủ đồ.

Richard Ford, giáo sư tại Trường Luật Stanford, tác giả của cuốn sách Quy tắc trang phục: Quy luật thời trang tạo nên lịch sử như thế nào, cho biết từ những năm 1970, nhiều người đã mong muốn được thể hiện bản sắc cá nhân nhiều hơn thông qua thời trang.

"Giờ đây, quy tắc này đã được nhiều công ty đón nhận, họ cho phép nhân viên thoải mái thể hiện tính cách dựa vào trang phục của họ", ông nói.

Nhiều người đắn đo chỉ vì khó rạch ròi giữa công việc và đời tư. Ảnh minh họa: Athena/Pexels.

Khó rạch ròi giữa công việc đời tư

Theo Jacobs, sự mờ nhạt giữa trang phục công sở và quần áo thường ngày từng khiến cô khó chịu. Trong đó, lý do lớn nhất đến từ việc cô cảm thấy mình không thể tách bạch việc đi làm và đi chơi.

"Những ngày mà bạn trông thật khác khi gặp đối tác, đồng nghiệp so với việc gặp bạn bè sẽ nhanh chóng kết thúc" , Mark Zuckerberg, ông chủ Facebook, nhận xét về cái gọi là “bản sắc doanh nghiệp" từ một thập kỷ trước trong cuộc phỏng vấn cho cuốn sách năm 2010 của Kirkpatrick, The Facebook Effect.

Jacobs nhận xét ngày mà Zuckerberg nói đã đến. Giờ đây, cô thậm chí còn không phân biệt được đâu là trang phục chỉ đi làm và đâu là item chỉ để đi chơi.

Theo các chuyên gia, việc chia ranh giới trong tủ quần áo là không cần thiết và tốn kém. Ảnh minh họa: Anna Shvets/Pexels.

... nhưng chia đôi tủ đồ là không cần thiết

"Một số chuyên gia trong ngành thời trang cho rằng không cần thiết phải chia đôi tủ quần áo, đó chỉ là mong ước của riêng tôi", Jacobs viết lại sau khi phỏng vấn những tên tuổi, các nhà thiết kế hàng đầu về thời trang.

Theo Smilovic, người sáng lập và giám đốc sáng tạo của hãng thời trang Tibi, việc chia ranh giới trong tủ quần áo sẽ khiến người dùng chi tiêu quá mức, quá nhiều quần áo dẫn đến quá tải.

Chuyên gia này khẳng định rằng hầu hết mặt hàng quần áo đều có thể phối với nhau và hoán đổi trong nhiều tình huống. Ví dụ: blazer vẫn có thể mặc với quần chạy bộ, áo sơ mi hoàn toàn có thể mặc được vào buổi hẹn cuối tuần và tại nơi làm việc, chỉ cần được phối theo những cách khác nhau.

Lee Woodruff, một tác giả và nhà tư vấn thời trang, đồng tình với ý kiến trên.

"Tôi có thể bước vào một công ty với chiếc quần đen và áo khoác cộc tay, bên dưới tôi mang một đôi Nike và tất cả vẫn ổn", Lee nói.

Tính linh hoạt quan trọng hơn bao giờ hết, đó cũng là quan điểm của Queralt Ferrer, giám đốc thời trang của cửa hàng may mặc. Theo ông, mọi thứ đều đang hòa hợp với nhau, dân công sở vẫn đang thoải mái mặc blazer và jean đến công ty.

Lynda Gratton, giáo sư tại Trường Kinh doanh Luân Đôn, tác giả của cuốn sách Công việc thiết kế, nhận xét những mong muốn chia đôi tủ quần áo như Jacobs là một bước lùi.

"Chúng ta là những cá thể riêng biệt, mỗi người nên có trang phục riêng của mình dù bất cứ nơi đâu. Văn phòng cũng chỉ là một phần của công việc mà thôi", cô nói.

Jacobs thừa nhận những nhận định từ các chuyên gia đã giúp ranh giới của cô ấy trong tủ quần áo mờ dần.

"Tôi nhận ra rằng việc phân chia tủ đồ thật lãng phí và để lại quá nhiều quần áo không bao giờ mặc đến. Giờ đây, tôi chỉ cần học cách dẹp bỏ công việc vào cuối tuần, để tách bạch với đời sống, như vậy có lẽ là cách phù hợp nhất", Jacobs viết.

Mỹ Mỹ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ranh-gioi-nao-giua-quan-ao-di-lam-va-di-choi-post1434745.html