Rào cản chính sách

Kinhtodothi - Hà Nội đang quá thiếu bến bãi, điểm trông giữ phương tiện còn nhu cầu của người dân lại gia tăng từng ngày. Chờ đợi một hệ thống hạ tầng đủ năng lực đáp ứng sẽ phải mất hàng chục năm, trong khi nguồn lực hiện tại lại bị bóp nghẹt bởi rào cản chính sách.

Lực lượng chức năng Hà Nội tăng cường xử lý các điểm trông giữ xe vi phạm. Ảnh: Phạm Hùng

Lực lượng chức năng Hà Nội tăng cường xử lý các điểm trông giữ xe vi phạm. Ảnh: Phạm Hùng

Tổng lượng phương tiện của Hà Nội đã xấp xỉ 7 triệu chiếc, chưa kể hàng triệu xe từ các địa phương khác đưa về hoạt động thường xuyên trên địa bàn TP.

Nhu cầu dừng đỗ, gửi xe tăng chóng mặt, trong khi năng lực hạ tầng giao thông tĩnh mới đáp ứng khoảng hơn 20%.

Để có một hệ thống giao thông tĩnh tương xứng với quy mô dân số và phương tiện, Hà Nội có thể phải mất hàng chục năm nữa. Hiện tại, TP đang loay hoay với bài toán quản lý bãi trông giữ xe. Hàng trăm lô đất trống, đất dự án chưa triển khai biến thành bãi “lậu”, tiền chảy vào túi tư nhân, trong khi kinh phí duy trì hạ tầng do TP gánh chịu.

Vậy vì sao Hà Nội không tận dụng những khoảng trống đô thị để giải quyết tạm thời nhu cầu đỗ gửi xe của người dân? Đó là bởi rào cản cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật quá lớn, chưa thể có ngay những giải pháp trong một sớm một chiều.

Mặc dù trên địa bàn TP có hàng trăm dự án chậm triển khai, đất lưu không chưa có kế hoạch sử dụng, nhưng luật không cho phép tận dụng những khoảng trống đó làm bãi trông giữ xe tạm thời.

Năm 2019, HĐND TP đã thông qua Nghị quyết khuyến khích người dân tại 4 quận: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình tận dụng đất được cấp sổ đỏ để trông giữ xe. Đó là một bước đi đột phá, đã giúp ích đắc lực cho việc giải quyết nhu cầu gửi xe trong khu vực đô thị trung tâm.

Tuy nhiên, bước đột phá này mới dừng ở đó, chưa có kịch bản cụ thể hơn để vừa đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân, vừa làm lợi cho TP. Nhiều quận, huyện khác cũng muốn được áp dụng cơ chế này, tận dụng mọi khoảng trống có thể để làm bãi đỗ xe, góp phần đảm bảo trật tự, ATGT, trật tự đô thị, nhưng lại chưa được khuyến khích.

Có thể thấy bất cập lớn nhất là sự chuyển mình chậm chạp của cơ chế, chính sách, khiến công tác quản lý đô thị không bắt kịp hoàn cảnh thực tế. Hà Nội là một trong những đô thị lớn, đông dân và xe cộ nhất cả nước. TP cần có một hướng mở về cơ chế, áp dụng riêng một số quy định cho phù hợp với đặc thù, trong đó có việc tạm cấp phép trông giữ xe trên một số khoảng trống đô thị.

Thay vì tốn tiền cho việc duy tu hạ tầng, duy trì lực lượng chức năng xử lý vi phạm trông gữi xe như hiện nay, Hà Nội có thể lên kịch bản, sắp xếp hàng loạt điểm trông giữ phương tiện tạm thời, thu thuế để có nguồn lực tái đầu tư vào chính hạ tầng giao thông tĩnh. Tối thiểu việc khuyến khích các hộ dân trông giữ phương tiện trên đất đã được giao quyền sử dụng cần được mở rộng ra cả 12 quận nội thành chứ không chỉ một khu vực nhỏ như hiện nay.

Muốn làm được như vậy, Hà Nội cần có tiếng nói mạnh mẽ, tranh thủ được sự ủng hộ của Chính phủ, Quốc hội và các bộ, ngành T.Ư. Về phía mình, TP cần có kịch bản rõ ràng, vừa tận dụng khoảng trống giải quyết nhu cầu giao thông tĩnh, vừa thu được nguồn lợi kinh tế, chấm dứt cảnh Nhà nước bỏ tiền đầu tư hạ tầng nhưng nguồn thu lại vào một số cá nhân, đơn vị như hiện nay.

Đặng Sơn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/rao-can-chinh-sach.html