Rào cản lớn nhất với nông dân là 'đứt gãy' thông tin thị trường

Thiếu thông tin thị trường, khó khăn trong tích tụ ruộng đất,… là những vấn đề nổi cộm trong sản xuất nông nghiệp được các đại biểu Quốc hội đề cập tới khi thảo luận tại hội trường Quốc hội ngày 30/10.

Toàn cảnh thảo luận tại hộ trường Quốc hội ngày 30/10

Toàn cảnh thảo luận tại hộ trường Quốc hội ngày 30/10

Thách thức tích tụ ruộng đất

Theo đại biểu Lưu Thành Công (Vĩnh Long): Một trong những rào cản lớn trong sản xuất nông nghiệp hiện nay là tích tụ và tập trung ruộng đất. Cần phân biệt rõ tích tụ ruộng đất và tập trung ruộng đất. Tích tụ ruộng đất gắn hẳn với chuyển nhượng quyền sở hữu đất, người nông dân sẽ mất quyền sở hữu, sử dụng.

Tuy nhiên, với tập trung ruộng đất là liên kết các mảnh đất khác nhau của nhiều người để cùng khai thác. Hiện nay, tập trung ruộng đất ở nước ta khá phổ biến, nông dân đồng tình.

Đây là mô hình tiến bộ, giải quyết tâm lý sở hữu đất của nông dân. Nông dân có thể yên tâm vì mình vẫn sở hữu đất, trong khi có thể tập trung canh tác quy mô lớn.

Nhiều quốc gia đã thực hiện thành công mô hình này. Việt Nam cần khuyến khích mô hình tập trung ruộng đất theo quy mô phù hợp năng lực, trình độ sản xuất hiện nay do một nông dân, hợp tác xã đứng lại thuê để canh tác.

Đại biểu Lưu Thành Công đề nghị Nhà nước cần có chính sách đặc thù, ưu đãi cho loại hình tập trung ruộng đất. Nếu rào cản này được tháo gỡ sẽ tác động lớn đến nông nghiệp như giúp dễ tiếp cận công nghệ mới, tập trung ruộng đất, sản xuất giá trị cao.

Cũng dành khá nhiều sự quan tâm cho vấn đề tích tụ, tập trung ruộng đất, đại biểu Hà Thị Minh Tâm (Hà Nam) nêu quan điểm: Chủ trương chỉ đạo của Chính phủ phải tích tụ ruộng đất trong lĩnh vực nông nghiệp đã được triển khai quan tâm, nhưng giải pháp thực hiện trên địa bàn cả nước đến nay vẫn chưa có sự thống nhất chỉ đạo rõ về cơ chế, chính sách nên việc thực hiện còn vướng mắc, bất cập so với luật pháp quy định.

Đại biểu Hà Thị Minh Tâm kiến nghị, Chính phủ nghiên cứu chỉ đạo Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất giải pháp phù hợp để đẩy nhanh việc thực hiện chủ trương, chính sách tích tụ ruộng đất, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Bên cạnh đó, tháo gỡ khó khăn trong một số địa phương đang thực hiện thí điểm về tích tụ ruộng đất và sớm giải quyết về những bất cập trong thực hiện Luật Đất đai, trong đó có trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ngoài ra, tạo điều kiện cơ chế, chính sách đẩy nhanh tốc độ phát triển nông nghiệp trên địa bàn cả nước và góp phần hoàn thành chỉ tiêu tăng giá trị nông nghiệp đã được Chính phủ đề ra theo kế hoạch năm và kế hoạch cả nhiệm kỳ.

Cần quy hoạch rõ dựa trên dự báo

Tìm thị trường đầu ra cho nông, thủy sản cũng là câu chuyện được các đại biểu Quốc hội quan tâm trong phiên họp hôm nay 30/10.

Theo đại biểu Lưu Thành Công, rào cản lớn nhất trong sản xuất nông nghiệp hiện nay là sự ngăn cách thông tin giữa người sản xuất và thị trường.

Nông dân hiện nay chỉ nhận thông tin từ đại lý thu mua, thương lái, không hề có một tư vấn nào khác về thị trường nên họ không biết chính xác cách thức sản xuất của mình có đúng quy luật thị trường hay không.

“Chừng nào thông tin chính thống về giá cả thị trường chưa đến với nông dân thì bi kịch tiêu thụ hàng nông sản sẽ tiếp diễn, không bao giờ chấm dứt”, vị đại biểu này nhấn mạnh.

Xuất khẩu nông sản liên tiếp đối mặt với các khó khăn từ thị trường nhập khẩu. Ảnh: N.Thanh.

Theo đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang): Thời gian qua, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp có kết quả chưa rõ nét. Ngành nông nghiệp nước ta chậm chuyển dịch so với xu thế chung của nông nghiệp thế giới hiện nay là sản xuất tập trung, chất lượng cao, tăng cường liên kết, gắn bó lợi ích trong các chủ thể.

Về thị trường xuất khẩu nông sản, tuy kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng, nhưng dư địa xuất khẩu nông sản Việt Nam có biểu hiện thu hẹp dần. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trong đó có gạo có giá trị thấp, có nguy cơ mất thị trường xuất khẩu.

Đặc biệt, sức ép cạnh tranh ngày càng lớn, xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản gặp nhiều khó khăn và thị trường Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chủ lực, còn phụ thuộc vào nhiều thị trường tiểu ngạch. Ngành có nhiều thế mạnh là thủy sản có nhiều bất lợi do khu vực châu Âu chưa gỡ “thẻ vàng”…

Những hiện tượng này trong thời gian qua có nhiều cố gắng khắc phục, nhưng hiệu quả chưa cao, vì thế đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới.

Cụ thể là, cần có quy hoạch định hướng dựa trên dự báo thị trường để tránh người dân đổ xô trồng thanh long, dưa hấu, đổ xô trồng cam, xoài… dẫn tới nguy cơ phải “giải cứu”; tháo gỡ tình trạng khó tiếp cận đất đai của doanh nghiệp; có chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, xây dựng chuỗi giá trị thích ứng với thị trường, phù hợp với điều kiện, khả năng, trình độ của Việt Nam…

“Ngoài ra, để tạo động lực phát triển mới cho nông nghiệp, việc xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng là đặc biệt cần thiết, là công cụ làm căn cứ cho nhiều hoạt động như: Tổ chức tín dụng xác định vay vốn, doanh nghiệp và nông dân đầu tư theo thị trường…” đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết nói.

Thanh Nguyễn

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/rao-can-lon-nhat-voi-nong-dan-la-dut-gay-thong-tin-thi-truong-114326.html