Rào cản nào khiến vốn chưa chảy mạnh ra thị trường?

Tình hình xuất khẩu đang có dấu hiệu khởi sắc, ngành du lịch và một số ngành tăng trưởng khá... Cùng với lãi suất ngân hàng đã hạ, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp sẽ tăng lên. Trong bối cảnh đó, liệu các ngân hàng có nên tiếp tục hạ lãi suất cho vay, đẩy vốn ra thị trường?

Chiều 5/4, tại Hội thảo với chủ đề “Khơi thông nguồn vốn ra thị trường", Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, trong điều kiện vốn ngân hàng dồi dào nhưng vẫn là vấn đề khó khăn đối với một số doanh nghiệp. Vậy, làm thế nào để tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển?

“Vốn cho nền kinh tế không thiếu. Hạn mức tăng trưởng tín dụng đã được NHNN giao cho ngân hàng thương mại ngay từ đầu năm với 15%. Nếu như điều kiện nền kinh tế cho phép, nền kinh tế cần vốn cho các lĩnh vực là động lực tăng trưởng thì có thể tăng hạn mức tín dụng lên”, ông Tú khẳng định.

Hiện nay, số dư tiền gửi của các ngân hàng thương mại tương đối dồi dào. Tuy nhiên, ông Tú giải thích thêm, vốn huy động là 3,7 triệu tỉ đồng, còn dư nợ là trên 3,7 triệu tỉ đồng. Điều này có nghĩa huy động bao nhiêu thì gần như cho vay bấy nhiêu. Tất nhiên, ngoài nguồn huy động thì còn nguồn vốn tự có, vốn điều lệ… của các ngân hàng thương mại nữa được sử dụng rất cao.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết vốn cho nền kinh tế không thiếu.

Bà Nguyễn Thị Lộc, Giám đốc điều hành miền Nam Techcombank, cho biết từ đầu năm 2024 đến nay, ngân hàng này đã triển khai quyết liệt các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN. Do vậy, mức tăng trưởng tín dụng của Techcombank sau hai tháng đầu năm khoảng 3 - 4%, riêng mảng khách hàng doanh nghiệp đã phục hồi mạnh mẽ gần 7% nhờ sự khởi sắc của xuất khẩu.

Ngân hàng cũng đang triển khai hàng loạt gói cho vay ưu đãi cho từng đối tượng khách hàng. Trong đó, với khách hàng doanh nghiệp lớn, Techcombank triển khai gói ưu đãi lãi suất dành cho khách hàng vay mới với mức lãi suất chỉ từ 5,5%/năm.

Với khách hàng hiện hữu, ngân hàng vẫn đang duy trì biểu lãi suất ưu đãi cho các khách hàng có lịch sử tín dụng tốt cũng với mức lãi suất dao động từ 4,5 - 6,5%/năm.

Đối với nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được phê duyệt trước với hạn mức tín dụng tới 20 tỉ đồng, tín chấp tới 10 tỉ đồng. Khách hàng cá nhân được hỗ trợ vay chuyển nhượng bất động sản đang thế chấp với lãi suất từ 5,5%/năm, miễn trả nợ gốc lên đến 24 tháng...

Tuy nhiên, các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh đã sẵn sàng để hấp thụ nguồn vốn hay chưa, và còn những vướng mắc nào khi nhiều doanh nghiệp gặp phải những "rào cản" trong tiếp cận vốn ngay từ cả phía doanh nghiệp lẫn cả phía ngân hàng?

Ông Nguyễn Đình Tuệ, Giám đốc Trung tâm dịch vụ Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho biết năm 2023, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, phải thu hẹp sản xuất, giảm quy mô kinh doanh. Do vậy, nhu cầu vay vốn ngân hàng cũng giảm theo.

3 tháng đầu năm 2024, tình hình xuất khẩu đang có dấu hiệu khởi sắc, như ngành du lịch và một số ngành tăng trưởng khá... Cùng với lãi suất ngân hàng đã hạ, theo ông Tuệ, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp sẽ tăng lên.

Khi khảo sát doanh nghiệp và ngân hàng, ông Tuệ cho hay doanh nghiệp thường trả lời khát vốn, khó tiếp cận vốn trong khi ngân hàng cũng phản hồi đã nỗ lực tiếp cận doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông Tuệ chỉ ra lý do nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa dễ tiếp cận vốn tín dụng là vì đa số các doanh nghiệp có khó khăn về tài sản đảm bảo, hạch toán chưa minh bạch, quản trị còn yếu kém…

Để khắc phục tình hình này, ông Tuệ cho rằng Nhà nước cần tăng cường các giải pháp kích cầu tiêu dùng, kích cầu đầu tư, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Còn phía ngân hàng - trong vai người cho vay nên hạ lãi suất đối với các khoản vay cũ, đồng thời tiếp tục đơn giản thủ tục cho vay, tăng cho vay tín chấp…

Đối với người đi vay, doanh nghiệp cần chủ động ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành…, qua đó đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.

PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) đặt vấn đề: Làm thế nào duy trì lãi suất cho vay thấp như hiện nay ở trong thời gian dài? Theo ông, không thể khẳng định là lãi suất thấp như hiện nay sẽ kéo dài trong bao lâu. Vì lãi suất phụ thuộc vào nhiều biến số.

Trong đó có tỉ giá. Lãi suất và tỉ giá có quan hệ mật thiết với nhau, nếu điều chỉnh lãi suất thấp thì đối mặt rất lớn về tỉ giá.

Bên cạnh đó, khả năng hấp thụ vốn của thị trường là yếu tố quan trọng, không thể nói mãi ngân hàng đẩy vốn, tiếp tục hạ lãi suất cho vay.

Mặt khác, liệu có nên tăng tín dụng bằng mọi giá hay không? Quan điểm là vốn phải đến đúng đối tượng và đủ điều kiện sử dụng và hoàn vốn. Khi cho ngân hàng cho vay là phải hỏi khách hàng vay để làm gì, lấy cái gì để trả, trả đó phải từ việc sử dụng vốn.

“Ngân hàng cũng là doanh nghiệp kinh doanh. Họ huy động vốn để cho vay và ngân hàng cũng đau lòng vì vốn huy động đang nằm lại ngân hàng mà lại phải gánh chịu lãi suất đầu vào. Nhưng cái quan trọng là ngân hàng vẫn phải tìm dúng khách hàng để cho vay. Nếu áp lực đẩy vốn ra nhanh quá với lãi suất thấp thì liệu rằng chất lượng tín dụng mấy năm nữa sẽ như thế nào? Dư nợ xấu có kiểm soát được không?”, ông Khánh nêu vấn đề.

Thực tế, ngân hàng đã có những mức lãi suất khác nhau cho đối tượng khách hàng khác nhau. Phía doanh nghiệp than không tiếp cận được vốn vay như mức lãi suất mà ngân hàng công bố. Do đó, theo ông Khánh, để khơi thông tín dụng, một trong những giải pháp là NHNN yêu cầu hoặc các ngân hàng thương mại chủ động công bố mức lãi suất cho vay để tạo lòng tin của thị trường.

Về phía doanh nghiệp khi chấp nhận luật chơi thị trường thì phải tái cấu trúc doanh nghiệp, không thể yêu cầu ngân hàng cho vay dưới chuẩn. Nếu như vậy sẽ kéo rủi ro rất lớn cho hệ thống trong thời gian tới.

“Nên trong mọi trường hợp, đồng vốn được đẩy ra nhưng tín dụng vẫn phải đảm bảo được chất lượng an toàn hệ thống trong thời gian”, ông Khánh nhấn mạnh.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/rao-can-nao-khien-von-chua-chay-manh-ra-thi-truong-1099160.html