Rào giậu miền quê

Tự bao đời vốn vậy, bờ rào vườn quê luôn mát rượi một màu xanh. Nếu trong thơ Nguyễn Bính có giậu mùng tơi xanh rờn thì ở quê tôi có bờ rào bằng cúc tần thơm ngát.

Cách ngăn giữa hai nhà là một màu xanh của bờ rào thân thuộc. Con gà, con chó của nhà này chạy qua chạy lại với nhà kia. Trẻ con nhà này với nhà bên cùng chung vui trò chơi làm nhà chòi, làm bánh với kẻ bán người mua bằng… tiền lá với bao kỷ niệm khó phai mờ (Em moi đất nặn hình người/Tôi thơ thẩn nhặt lá rơi làm tiền/Mỗi ngày chợ họp mười phiên/Tôi mua, em bán lấy tiền lá rơi - Thơ Kiên Giang).

Bờ rào của chốn nhà quê khoe dáng hình muôn màu muôn vẻ. Đó là một hàng râm bụt biếc xanh, mùa hè cháy lập lòe từng chùm bông đỏ rực. Qua xuân, từng chùm bông màu tím nhạt điểm thêm những nụ trắng li ti. Có phải vì đặc điểm ấy nên người ta mới gọi "mái đầu hoa râm" chăng?

Đó là một hàng cúc tần hương thơm thoang thoảng. Lá cúc tần (nấu chung với lá sả, lá chanh…) còn dùng để xông hơi, trị cảm cúm cho người.

Có khi là một hàng trẩu xanh lá bốn mùa. Lũ chúng tôi thường lấy nhựa cây, dùng ống thổi bay lên trời những chùm bong bóng đủ màu sặc sỡ trong nắng sớm mai…

Khoảng một vài tháng, chủ nhà dùng dao, kéo sắc xén tỉa bờ rào cho gọn ghẽ. Cứ thế quanh năm, bờ rào lúc nào cũng mát lành bởi tình làng nghĩa xóm yên vui. Một bát canh cần, một dĩa bánh, một củ khoai, một chùm trái chín đưa biếu nhau qua bờ rào, thật gần gũi và cảm động biết bao!

Những ngày Tết, giỗ thì cả xóm đều chung vui trong chan hòa, đầm ấm. Nhà nhà chung nhau gói bánh tét, làm thịt lợn ăn Tết… Mùi thơm dịu dàng của hoa ngọc lan nhà đầu xóm lan tỏa qua mỗi nhà khi sương chiều buông xuống… Chỉ một mùi hương dân dã thôi, đâu ai nỡ hưởng riêng mình?

Bờ rào thân thiện, bờ rào miền quê thật bình dị mà cũng thật thẳm sâu. Dường như giữa các bờ rào là những dải lụa xanh thắt chặt tình quê, thắt chặt tình làng nghĩa xóm, là minh chứng xanh cho tình người nơi miền quê gốc cội…

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/rao-giau-mien-que-20190817201532894.htm