Rạp hát cải lương đầu tiên ở Việt Nam: 'Bỏ thì thương vương thì tội'

Rạp hát Thầy Năm Tú là rạp hát cải lương đầu tiên ở Việt Nam, và vở cải lương đầu tiên được 'mở màng' mang tên 'Kim Vân Kiều' của soạn giả Trương Duy Toản được công diễn tại đây vào đêm 15/3/1918.

Rạp hát Thầy Năm Tú tại trung tâm Thành phố Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) không chỉ là di tích Văn hóa- lịch sử cấp tỉnh ra đời hơn 100 năm mà còn là địa chỉ sinh hoạt văn hóa, nơi bảo tồn và phát huy loại hình đờn ca tài tử, sân khấu cải lương của vùng đất Nam bộ (nói chung) và Tiền Giang (nói riêng). Tuy nhiên do chưa được đầu tư đúng mức nên rạp hát này đìu hiu, hoạt động không ổn định và rơi vào tình cảnh “bỏ thì thương, vương thì tội”.

Rạp hát Thầy Năm Tú nằm trên đường Lý Công Uẩn, phường 1, TP. Mỹ Tho, do ông Châu Văn Tú (tên thường gọi là Thầy Năm Tú )- một người yêu thích đờn ca tài tử- cải lương ở xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, Tiền Giang) xây dựng khoảng năm 1905. Đây là rạp hát cải lương đầu tiên ở Việt Nam, và vở cải lương đầu tiên được “mở màng” mang tên "Kim Vân Kiều" của soạn giả Trương Duy Toản được công diễn tại đây vào đêm 15/3/1918.

Rạp hát Thầy Năm Tú tại thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang thường xuyên đóng cửa

Vào khoảng từ năm 1995 trở về sau này, khi cải lương bắt đầu suy thoái, sân khấu vắng khách và rạp hát Thầy Năm Tú đã tạm đóng cửa. Từ cuối năm 2012, thực hiện đề án "Bảo tồn, phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2012-2015", Sở VH-TT&DL tỉnh Tiền Giang đã phối hợp với Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh tổ chức biểu diễn giao lưu đờn ca tài tử và trích đoạn cải lương định kỳ vào tối ngày 20 hàng tháng tại rạp hát Thầy Năm Tú. Chương trình đã quy tụ các ban đờn ca tài tử trong và ngoài tỉnh đến biểu diễn giao lưu, phục vụ công chúng.

Từ tháng 7/2015, tại đây Sở VH-TT&DL tiếp tục phối hợp với Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang tổ chức biểu diễn giao lưu đờn ca tài tử - trích đoạn cải lương vào tối thứ sáu hàng tuần. Chương trình ngoài phần biểu diễn đờn ca tài tử, trích đoạn cải lương, còn có các tiết mục ca nhạc, ảo thuật, hài kịch nên thu hút được nhiều giới công chúng mộ điệu đến dự xem, cổ vũ. Đặc biệt, ngày càng có nhiều khán giả đến đăng ký biểu diễn giao lưu, tạo nên không khí sinh hoạt văn hóa vui tươi, lành mạnh, góp phần khơi dậy phong trào ca hát trong tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh và các đơn vị đến dự kỷ niệm 105 sân khấu cải lương và ngày ra đời rạp hát Thầy Năm Tú

Soạn giả Huỳnh Anh, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Tiền Giang đã dàn dựng mới nhiều tiết mục tài tử, trích đoạn cải lương, các tiểu phẩm hài, ảo thuật để chương trình biểu diễn hàng tuần luôn mới mẽ, thu hút khách mộ điệu. Tuy nhiên từ khi xảy ra dịch bệnh Covid-19 đến nay, rạp hát Thầy Năm Tú lại vắng như “chùa Bà Đanh”. Hiện tại, Trung tâm văn hóa- Nghệ thuật tỉnh được giao quản lý, khai thác rạp hát này và một quý (3 tháng) mới tổ chức một đêm “Dạ khúc tri âm” với thời lượng 60 phút, chủ yếu biểu diễn trích đoạn cải lương, đờn ca tài tử, ca cổ … do các diễn viên trong tỉnh thực hiện. Tuy nhiên, lượng khán giả đến xem không nhiều, đa phần là người thân của các diễn viên, cán bộ, công chức...

Theo soạn giả Huỳnh Anh, rạp hát Thầy Năm Tú rất khó duy trì hoạt động, nhất là cơ sở vật chất xuống cấp, không phù hợp, vị trí không thuận lợi; đồng thời loại hình sân khấu cải lương hiện nay không còn thu hút khán giả nữa, giới trẻ rất ít quan tâm đến cải lương.

Dù 3 tháng mới duy trì sinh hoạt 1 lần nhưng khán giả đến rạp hát Thầy Năm Tú rất ít

Soạn giả Huỳnh Anh nói: "Để bảo tồn rạp hát thôi nghĩ nhà nước cần phải đầu tư cơ sở vật chất, nguồn kinh phí…để tổ chức hoạt động, dần dần người ta biết, phục hồi lại từ từ chứ bây giờ muốn đông lại cũng không được. Tình trạng chung là vậy, cải lương bây giờ đầu còn ăn khách như ngày xưa, còn chăng là ở các phương tiện truyền thông khác hay trên mạng thôi. Tỉnh mình là cái nói cải lương mà bây giờ không có đoàn cải lương, đoàn không có thì làm sao, mà có rạp thì cũng vậy thôi".

Hàng ngày, rạp hát đóng cửa, rất ít người quan tâm đến địa chỉ này. Trung tâm Văn hóa- Nghệ thuật (thuộc Sở Văn hóa- thể thao du lịch tỉnh Tiền Giang) thời gian qua đã có nhiều nỗ lực và có nhiều ý tưởng để khởi động lại rạp hát Thầy Năm Tú như: duy trì hoạt động đờn ca tài tử vào chiều thứ 6, đưa các câu lạc bộ sở thích của trung tâm đến đây để làm cho rạp hát “ấm lên”. Tuy nhiên, nguồn kinh phí đầu tư còn hạn chế và cơ sở vật chất chưa đáp ứng.

Ông Lâm Chí Lợi, Trưởng phòng Nghệ thuật (Trung tâm Văn hóa- Nghệ thuật Tiền Giang) cho biết: "Rạp hát muốn duy trì thì phải đầu tư lại, phải trang hoàng lại cho đẹp, phải đầu tư sân khấu, âm thanh, ánh sáng . Rạp hiện nay chưa có sân khấu, âm thanh, ánh sáng, màn mùng không có, trống lỏng. Ở Trung tâm hướng tới sẽ sinh hoạt câu lạc bộ đờn ca tài tử hàng tuần (chiều thứ 6), cũng tính đưa câu lạc bộ này xuống đó, sinh hoạt, tập vợt, có thể mở lớp giảng dạy kéo anh em về đó để cho có không khí. Hiện tại phòng Nghệ thuật cũng có đưa cái đội ca nhạc xuống đó tập luyện".

Một trích đoạn cải lương biểu diễn tạp rạp hát Thầy Năm Tú

Rạp hát Thầy Năm Tú đang trong tình trạng "bỏ thì thương, vương thì tội".

Thật vậy, do chưa được đầu tư đúng mức nên rạp hát Thầy Năm Tú ở tỉnh Tiền Giang chưa được duy trì và phát huy được các hoạt động bảo tồn các loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử, sân khấu cải lương mà thế hệ cha ông đã gầy dựng. Muốn duy trì rạp hát cải lương đầu tiên của Việt Nam- ngoài sự quan tâm, đầu tư của địa phương rất cần sự hỗ trợ, "tiếp sức" của Trung ương để cùng với địa phương bảo tồn loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc.

Chu Trinh/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/rap-hat-cai-luong-dau-tien-o-viet-nam-bo-thi-thuong-vuong-thi-toi-post1088126.vov