Rashford, Lingard và sự thất bại của một thế hệ cầu thủ trẻ được chiều chuộng

Những ngôi sao lớn lên từ lò đào tạo câu lạc bộ, tỏa sáng và trở thành trụ cột của đội bóng luôn là những cái điều mà bất cứ người hâm mộ mong chờ. Tuy nhiên sự kỳ vọng quá cao đôi khi lại trở thành ảo vọng, và những thái độ nuông chiều và ca ngợi thái quá lại là điều giết chết những cầu thủ trẻ.

Phil Neville, Nicky Butt, Ryan Giggs, Eric Harrison (HLV đội trẻ MU thời đó), Gary Neville, Paul Scholes và David Beckham, những cầu thủ trưởng thành từ lò Carrington của Manchester United bên cạnh chức vô địch C1 năm 1999. (Nguồn: Getty)

Năm 1995, Ajax vô địch Champions League với Litmanen, Overmars, anh em nhà De Boer, Van Der Sar, Frank Rijkaard. Barcelona vô địch Champions League vô địch Champions League năm 2011 với Xavi, Iniesta, Messi, Pedro, Busquets, Pique, Puyol. Còn Man United cùng cú ăn ba năm 1999 với những Beckham, Giggs, Scholes và anh em nhà Neville là ba ví dụ rõ ràng nhất về những câu lạc bộ thành công nhờ những cầu thủ “cây nhà lá vườn”.

Đấy không chỉ là thành công về mặt danh hiệu, mà còn là sự khẳng định về niềm tự hào, về truyền thống, về lịch sử mà bất cứ câu lạc bộ nào cũng muốn có. United sau sự thành công của thế hệ năm 92, gần như đã chuyển mình một cách hoàn toàn, trở thành một trong những đối trọng hàng đầu của Châu Âu, nhận được ánh nhìn kính nể của các đối thủ và khẳng định được tên tuổi là một trong những câu lạc bộ lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, song song với thành công, sẽ là những áp lực. Con người vốn là một sinh vật có bản tính tham lam, không hài lòng với những gì mình đang có, được một thì phải đòi thêm hai. Người hâm mộ United muốn United tiếp tục thành công, nhưng không chỉ có thể, mà phải tiếp tục thành công với những cầu thủ được coi là “gà nhà”.

Trên thực tế, đây là điều không tưởng, Barca sau lứa thế hệ vàng, cũng đã tạm biệt một loạt những Thiago, Deulofeu, Bartra… khi những cái tên không thể đợi, hoặc thích nghi với những người đàn anh. Bayern sau bộ ba Lahm, Schweinsteiger, Muller thì cũng mới chỉ có Kimmich là có được chỗ đứng ở đội một. Còn Ajax, câu lạc bộ duy nhất vẫn đào tạo ra được các ngôi sao, thì hoàn toàn không chịu sức ép về mặt danh hiệu khi từ lâu giải Vô địch Quốc gia Hà Lan chỉ nằm ở tier 2 các giải vô địch của Châu Âu.

Jesse Lingard và Ravel Morrison hồi còn chơi tại Đội trẻ MU. (Nguồn: Action Images)

Một nổi, hai chìm

Nên nhớ rằng ở thế hệ vàng của mỗi đội bóng, các cái tên đó đều bước vào ngôi đền huyền thoại, và việc những cái tên ấy đều xuất phát từ một lò đào tạo thực sự là giống như việc bạn mua được một tấm vé số Vietlott giải đặc biệt vậy. Chính vì điều đó, các lứa cầu thủ trẻ sau lứa thế hệ vàng, thường đi theo hai hướng. Hướng thứ nhất, bị đè bẹp trước sức ép mà thế hệ trước để lại, điển hình như Bojan Krkic ở Barcelona hoặc hướng thứ hai, bị mê hoặc trước những lời ca ngợi, từ đó ảo tưởng về bản thân và sa xuống vực sâu lúc còn chưa đỉnh cao, trớ trêu thay, ở Man United, trường hợp thứ hai lại xuất hiện nhiều hơn.

Kieran Richardson, người từng được kỳ vọng sẽ là người thay thế xứng đáng Ryan Giggs ở hành lang cánh trái của M.U, được đem cho mượn đến West Brom năm 2005 và góp công lớn giúp đội chủ sân The Hawthorns trụ hạng mùa giải đó. Federico Macheda, tiền đạo trẻ từng có cú xoay người dứt điểm tuyệt đẹp phút 90 +3 vào lưới Aston Villa và một tuần sau, lại là một bàn thắng khác vào lưới Sunderland đưa M.U đến ngôi vô địch. Adnan Januzaj, điểm sáng hiếm hoi trong thời kỳ của David Moyes, người đã lập cú đúp ngay trong trận đấu đầu tiên với Sunderland hay Ravel Morrison, người từng được Sir Alex khẳng định là tài năng sáng giá nhất trong sự nghiệp cầm quân của mình…

Tất cả những cái tên đó đều có đặc điểm là vụt sáng, được ca tụng và kỳ vọng, trước khi chìm nghỉm giữa hàng trăm, hàng nghìn cái tên cầu thủ trẻ khác đang cố gắng hàng ngày. Đấy là còn chưa kể tới những cái tên đã thường xuyên lên đội một, nhưng chưa bao giờ là trụ cột đội bóng hoặc chỉ tỏa sáng thời gian ngắn như Tom Cleverley, Danny Welbeck hay Darron Gibson… Chính thành công quá rực rỡ của thế hệ năm 92, đã khiến cho người hâm mộ United bị ảo tưởng, nghĩ rằng ban huấn luyện và tuyển trạch viên của đội bóng là của vua Midas – người mà chỉ cần chạm tay vào bất cứ đâu cũng thành vàng.

Manchester United từ thời Sir Alex Ferguson luôn đau đáu về câu chuyện nối tiếp thế hệ. (Nguồn: Wikimedia)

Trên thực tế, Sir Alex Ferguson đã nhìn ra được vấn đề đó, và từ lâu đã có sự thay thế của riêng mình. Ông không còn quá chiều chuộng những cầu thủ cây nhà lá vườn, những cái tên được ưa thích sử dụng đều không có tài năng quá nổi trội, nhưng có tinh thần cầu tiến và khả năng đóng góp cho đội bóng, cùng một lối sống đầy tích cực ví dụ như Darren Fletcher, Jonny Evans…

Thay vào đó, Sir Alex sẵn sàng đem về những ngôi sao nổi tiếng như Rio Ferdinand, Owen Hargreaves, kết hợp với những cầu thủ trẻ tiềm năng ở những nơi khác như Wayne Rooney hay Cristiano Ronaldo để tạo nên một đoàn quân chiến thắng mới. Chức vô địch Champions League năm 2008 là minh chứng của việc đó, khi chỉ có những cựu binh như Paul Scholes hay Ryan Giggs hoàn toàn là cầu thủ trẻ trưởng thành từ lò đào tạo câu lạc bộ.

Sau hoàng hôn là đêm đen

Nhưng sau bình minh sẽ là hoàng hôn, và sau hoàng hôn sẽ là đêm đen. Chuỗi ngày tệ hại kể từ ngày Sir Alex giải nghệ đã khiến cho các cổ động viên United dường như lạc lối, và chỉ còn biết bấu víu vào những cái gì thuộc về “thì tương lai” để hy vọng vào ngày Quỷ Đỏ quay trở lại.

Thế rồi sự xuất hiện của Rashford, màn quay trở lại của Pogba cùng màn phối hợp của Jesse Lingard lại tiếp tục nhấn chìm người hâm mộ United vào sâu trong ảo tưởng. Những lời ca ngợi, những khoản tiền thưởng và lương khổng lồ cùng một vị trí đương nhiên trong đội hình chính thức khiến cho người ta quên mất rằng David Beckham từng tập luyện ra sao với những chiếc lốp xe, Ryan Giggs đã phải đánh giày cho các người đàn anh hay Paul Scholes từng bị hành hạ trên sân tập như thế nào.

Mỗi lần Lingard ra sân, người ta chỉ biết nhớ đến những điệu nhảy, trò đùa giỡn trên mạng xã hội hơn là khả năng chơi bóng. (Nguồn: Getty)

Lingard, Rashford, Pogba, những người được coi là tương lai của United, là trụ cột trong tương lai, giờ sẽ xuất hiện như những ngôi sao nhạc rap, với những chiếc đồng hồ đắt tiền hay những bộ cánh màu mè, các giọt mồ hôi trên sân tập luôn được cập nhật trên mạng xã hội cùng một thái độ thi đấu như những siêu sao thế giới.

Marcus Rashford, 300.000 bảng/tuần, chỉ ghi được 13 bàn mùa giải rồi, giống Ronaldo từ kiểu sút, cách lấy đà chỉ khác về… hiệu quả. Jesse Lingard, 130.000 bảng/tuần, 0 kiến tạo và 0 bàn thắng trong 8 tháng qua tại Ngoại hạng Anh, điều duy nhất tăng lên trong thời gian qua là lượng follow trên Instagram với đủ các trò đùa nghịch và nhảy nhót, đó còn chưa kể đến hãng quần áo do chính cầu thủ này thiết kế. Như thế thì lấy đâu thời gian mà tập luyện chứ nói chi là thi đấu?

Paul Pogba, người duy nhất khẳng định được đẳng cấp với chức vô địch World Cup, lại dường như đã đánh mất đi cái được gọi là DNA Quỷ Đỏ khi bị ảnh hưởng quá nhiều bởi người đại diện “gã béo” Mino Raiola – người mà Sir Alex từng gọi là thứ “sâu bọ”.

Để so sánh một chút, Sadio Mane, cầu thủ chủ chốt trong chức vô địch Champions League của Liverpool, hưởng mức lương 90.000 bảng/tuần hay Son Heung Min, niềm tự hào Châu Á, người đã chống đỡ cho cả Tottenham trong hai mùa giải không được mua sắm, chỉ hưởng 85.000 bảng/tuần.

0,012% là con số các cầu thủ trẻ tại thuộc những lò đào tạo tại Anh có thể thi đấu tại Premier League. Cả Lingard và Rashford đều đăng trạng thái này để phản lại lời chê trách từ NHM. (Nguồn: Sport Bible)

Đỉnh điểm là khi Lingard cùng Rashford đăng dòng trạng thái 0,012% lên mạng xã hội, đối với người viết, đó là một sự sỉ nhục, một nỗi nhơ không thể rửa được trong lịch sử Quỷ Đỏ. Từ bao giờ mà những cầu thủ của United, không dám đứng mũi chịu sào, chứng minh bản thân bằng những hành động mà lại sở hữu một cái mồm “đàn bà”, đi đáp trả những người hâm mộ bằng những lời nói hàm ý. Hành động đó, so sánh với cú kungfu của King Eric, hay thậm chí là sự yêu quá hóa hận của Carlos Tevez, giống như là đặt một đứa trẻ con đứng với một người lớn, xe Wave chạy đua với Lamborghini vậy.

Lịch sử chỉ ghi nhớ kẻ chiến thắng, và mọi người sẽ chỉ quan tâm đến kết quả. 0,012% hay thậm chí là 0,000000012% thì với màn trình diễn như trong trận đấu với Crystal Palace, thì xin lỗi, đừng nói đến một vị trí trong đội hình của Quỷ Đỏ, người hâm mộ United sẽ còn muốn xóa đi vĩnh viễn tên của những kẻ ăn bám, những kẻ chỉ biết dựa hơi đội bóng mà không biết cố gắng trau dồi bản thân. Dòng máu Quỷ Đỏ, là dòng máu của những người nói được làm được, của những chiến binh sẵn sàng sống chết vì đội bóng chứ không phải là những “con ông cháu cha”, những kẻ nói nhiều hơn làm, những tên hề ngoài sân bóng!

Minh Đức

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/rashford-lingard-va-su-that-bai-cua-mot-the-he-cau-thu-tre-duoc-chieu-chuong-100171.html