Rất cần một công trình văn hóa kiến trúc, nghệ thuật xứng tầm

Tại kỳ họp thứ 10 (kỳ họp bất thường), HĐND thành phố Hồ Chí Minh (khóa 9) đã thông qua chủ trương xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch (Nhà hát) tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2), tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố (nguồn thu từ bán đấu giá khu đất số 23 Lê Duẩn, quận 1), với quy mô 1.700 chỗ, gồm hai khán phòng lớn và nhỏ. Đây là một chủ trương đúng, có định hướng và chủ động cân đối nguồn ngân sách đầu tư theo lộ trình, kế hoạch cụ thể, rõ ràng nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa, nghệ thuật ngày càng cao của công chúng; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các nghệ sĩ nâng cao chất lượng hoạt động biểu diễn nghệ thuật trong thời kỳ hội nhập.

Nhiều năm trước đây, thành phố đã có định hướng, chủ trương xây dựng Nhà hát. Năm 1999, thành phố dự kiến xây dựng Nhà hát tại số 23 Lê Duẩn (quận 1), nhưng địa điểm này không phù hợp. Cuối năm 2012, UBND thành phố đã chấp thuận chủ trương xây dựng Nhà hát trong Công viên 23-9 (quận 1) và đã có những bước chuẩn bị cần thiết để thi công. Tuy nhiên, vì nhiều lý do cho nên việc xây dựng Nhà hát chưa thực hiện được. Do đó, việc xây dựng Nhà hát tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm sau khi hội đủ các điều kiện cho việc tiến hành đầu tư, xây dựng là rất cần thiết, được người dân thành phố đồng tình vì sẽ có một công trình văn hóa tầm cỡ quốc tế xứng tầm với một đô thị lớn.

Thời gian qua, cùng với đầu tư phát triển kinh tế, hằng năm, thành phố cũng đã dành nguồn vốn rất lớn để đầu tư phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo, y tế, bảo đảm an sinh xã hội. Mới đây, vào ngày 28-9, xét các tờ trình của UBND thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ đã có các Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng mới ba Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức, Củ Chi và Hóc Môn từ nguồn vốn ngân sách thành phố lần lượt là 1.915 tỷ đồng; 1.854 tỷ đồng và 1.895 tỷ đồng. Trong khi đó, do nhiều nguyên nhân, việc đầu tư cơ sở vật chất cho những ngành văn hóa, nghệ thuật hiện đại chưa được nhiều. Vào thời Pháp thuộc, thành phố có ba nhà hát, nay chỉ còn Nhà hát thành phố còn giá trị; các nhà hát xây dựng sau giải phóng như Hòa Bình, Bến Thành hiện đang xuống cấp, không đạt tiêu chuẩn quốc tế. Riêng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch thành phố (HBSO) thành lập từ năm 1993. Hơn 20 năm hoạt động và phát triển, HBSO đã trở thành đơn vị biểu diễn nghệ thuật hàn lâm chuyên nghiệp và quy mô nhất thành phố với ba bộ phận: Đoàn Giao hưởng, đoàn Nhạc kịch và đoàn Vũ kịch… Thế nhưng, HBSO hiện không có cơ sở vật chất tương xứng để phát triển hoạt động.

Đối với TP Hồ Chí Minh - một đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, là đầu tàu thúc đẩy sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía nam và cả nước, việc xây dựng một Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch đạt tiêu chuẩn quốc tế là thật sự cần thiết. Mục tiêu của dự án là xây dựng một công trình văn hóa, nghệ thuật chuyên ngành, hiện đại, xứng tầm đô thị trung tâm. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ góp phần nâng cao chất lượng phục vụ văn hóa nghệ thuật cho đông đảo người dân thành phố cũng như khách quốc tế; trở thành điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, hướng đến quảng bá du lịch và nét văn hóa đặc trưng của thành phố nói riêng và toàn miền nam nói chung.

Theo kết quả thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng Nhà hát của Hội đồng thẩm định thành phố, dự án này đã đủ điều kiện để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư và triển khai các bước tiếp theo. Vấn đề hiện nay là các cấp, các ngành liên quan của thành phố cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giải thích rõ đến các tầng lớp nhân dân về dự án thực hiện một công trình văn hóa mang tính biểu tượng, điểm nhấn về kiến trúc, nghệ thuật của thành phố.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/37890802-rat-can-mot-cong-trinh-van-hoa-kien-truc-nghe-thuat-xung-tam.html