Rau quả an toàn rộng đường vào thị trường khó tính

Nhiều loại trái cây đang rất được ưa chuộng tại nhiều thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Trung Đông với nhu cầu lớn và mức giá tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Khu vực sơ chế, đóng gói thanh long xuất khẩu tại Nhà máy Kim Thanh 2 - Công ty Vina T&T. Ảnh: N.Hiền.

Gian nan không hề nản

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, ước tính đến hết quý I/2018, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt khoảng 933 triệu USD, ước tăng trên 33% so với cùng kỳ năm 2017. Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất với tỷ trọng khoảng 77%, kế đến là Mỹ chiếm khoảng 2,8% và Nhật khoảng 2,6%.

Ông Lê Thành Lộc (ấp An Hòa, xã An Nhơn, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) cho biết, điều kiện trước tiên để trái nhãn của gia đình ông trồng ra có thể xuất khẩu ra nước ngoài đó là quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn an toàn. Theo đó, do sản xuất theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, không chú ý đến quy trình kỹ thuật nên năng suất, chất lượng của cây nhãn tại Châu Thành, Đồng Tháp không cao, thậm chí người trồng nhãn còn chứng kiến không ít lần dịch bệnh gây thiệt hại lớn. Sau đó, với sự hướng dẫn của Tiến sĩ nông nghiệp Nguyễn Đăng Nghĩa, các nhà vườn ở ấp An Hòa nói riêng cũng như huyện Châu Thành nói chung đã “một lòng” đi theo con đường sản xuất sạch. Từ đó, ông cùng các nhà vườn đã kết nối được với các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây, đưa trái nhãn đi tới rất nhiều thị trường trên thế giới, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân.

Trong khi đó, với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề xuất khẩu trái cây, ông Nguyễn Đình Mười, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH TM DV XNK Vina T&T cho hay, bên cạnh những tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng, trái cây xuất khẩu còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn về hình thức. Đơn cử như trái ớt hiểm xuất khẩu sang Mỹ, nhà nhập khẩu yêu cầu trái ớt phải có chiều dài đúng 5cm và phải thật thẳng, không được cong, quẹo. Để đáp ứng yêu cầu trên, Công ty Vina T&T đã phải thuê công nhân ngồi lựa từng trái ớt. “800kg ớt thu mua về, sau khi lựa ra thì cao lắm cũng chỉ được 200 kg” – ông Mười chia sẻ.

Bên cạnh đó, trái cây xuất khẩu cũng phải thật sạch sẽ, loại bỏ hoàn toàn bụi bẩn. Ví dụ như trái chôm chôm, công nhân phải dùng vòi hơi xịt từng trái một. “Khi hàng qua tới nơi, ở nước nhập khẩu họ dùng kính lúp soi vào, chỉ cần phát hiện bất cứ thứ gì thì coi như mình mất toàn bộ lô hàng, thậm chí còn phải trả tiền để họ đem số hàng đó đi bỏ” – ông Mười kể.

Chính bởi những yêu cầu khắt khe đó nên mọi quy trình từ sản xuất đến sơ chế, đóng gói, vận chuyển trái cây xuất khẩu đều phải thực hiện theo đúng quy trình và được giám sát chặt chẽ. Nhờ đó, đến nay Vina T&T đã đưa được rất nhiều loại trái cây của Việt Nam ra nước ngoài như chôm chôm, nhãn, thanh long, vú sữa, dừa xiêm… Các thị trường xuất khẩu của công ty cũng đều là thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ…

Trên đà tăng trưởng mạnh

Tại vựa trái cây Ba Tương (xã An Hữu, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), ông Nguyễn Bá Tùng, chủ vựa cho hay, giá xuất khẩu nhiều loại trái cây đang tăng giá rất mạnh, thậm chí có loại không đủ lượng để xuất đi. Cụ thể như thị trường Trung Đông đang tiêu thụ rất mạnh trái ổi, chanh không hạt và mới đây có thêm trái tắc. Trong đó, giá mua tại vườn của chanh không hạt là trên 40.000 đồng/kg, ổi 10.000 đồng/kg. Riêng trái tắc mua tại vườn là 25.000 đồng/kg nhưng giá bán tại Trung Đông lên tới 50.000 đồng/kg. Hiện nhu cầu của thị trường Trung Đông đối với trái tắc là rất lớn, lượng hàng thu mua từ các nhà vườn không đáp ứng đủ nên mỗi ngày ông Tùng xuất khấu đi tối đa là 2 container, tương đương 64 tấn. Ngoài ra, ông Tùng còn xuất khẩu trái ổi sang Canada, theo đó, dù giá mua tại vườn chỉ 10.000 đồng/kg, nhưng tại Canada giá lên tới 75.000 đồng/kg. Hiện mỗi tuần ông Tùng thu mua của các nhà vườn khoảng 100 tấn ổi để xuất đi các thị trường.

Riêng với thị trường Trung Quốc, hiện nhu cầu đang tập trung rất mạnh ở các loại trái mít, mận. Trong đó, giá mít tại vườn hiện đã lên tới 50.000 đồng/kg, mận An Phước là 40.000 đồng/kg… Theo ông Tùng, việc tăng giá của các loại trái cây như trên là phù hợp với quy luật thị trường hàng năm. Do thời điểm hiện tại nhu cầu tại các thị trường đang cao, trong khi nguồn cung trong nước không nhiều nên đẩy giá lên. Dự tính khoảng 2 tháng nữa thì giá sẽ hạ nhiệt trở lại.

Trong khi đó, tại Công ty Vina T&T, trung bình mỗi tuần có khoảng 2 container được xuất khẩu sang Mỹ. Tương tự, trái nhãn và chôm chôm cũng đang được xuất khẩu sang Mỹ rất mạnh. Đặc biệt, gần đây công ty cũng đã xuất khẩu thành công trái dừa Bến Tre vào thị trường này với số lượng tăng rất mạnh, từ 40.000 trái/tuần ban đầu, đến tháng 2/2018 đã tăng lên 150.000 trái/tuần. Theo chia sẻ của ông Tùng, dù chịu sự cạnh tranh rất gay gắt với dừa Thái Lan, nhưng nhờ có vị ngọt thanh chứ không ngọt gắt như dừa Thái Lan nên dừa Bến Tre được người Mỹ ưa thích hơn. Ngoài ra, hiện Vina T&T đang tìm cách đưa trái xoài cát núm vào thị trường Mỹ.

Với triển vọng tăng trưởng khả quan, ông Mười tự tin cho hay, doanh thu năm 2018 của Vina T&T ước tính sẽ tăng khoảng 40% so với năm 2017.

Nguyễn Hiền

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/rau-qua-an-toan-rong-duong-vao-thi-truong-kho-tinh.aspx