Rau trôi nổi 'đột lốt' rau VietGAP: Không thể quản lý chất lượng bằng… niềm tin

Sự việc rau trôi nổi ở chợ đầu mối được dán nhãn VietGAP rồi đàng hoàng đặt trên kệ của một siêu thị lớn bán với giá rau sạch vừa xảy ra lại thêm một lần nữa khiến niềm tin của người tiêu dùng bị lung lay, không chỉ với rau sạch mà với thực phẩm sạch nói chung đang được bán ở các siêu thị cũng như các cửa hàng thực phẩm sạch.

Rau không nguồn gốc từng nhiều lần “vượt rào” vào siêu thị

Sau khi Winmart, Tiki ngon bị phát hiện bán rau VietGap rởm do Công ty TNHH nông sản Trình Nhi (còn gọi là Trình Nhi Foods, TNFoods cung cấp, đại diện của WinCommerce (thuộc Tập đoàn Masan, đơn vị sở hữu chuỗi bán lẻ WinMart/WinMart+) cho biết, đã ngừng nhập và rút toàn bộ hàng hóa của nhà cung cấp Trình Nhi khỏi quầy kệ và yêu cầu nhà cung cấp Trình Nhi giải trình vi phạm cam kết về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm theo hợp đồng cung cấp hàng hóa đã ký kết với WinCommerce.

Lựa chọn bỏ ra số tiền cao hơn 10-15%, thậm chí là cao hơn gấp đôi để mua rau với tiêu chuẩn VietGAP tức là người tiêu dùng phải được hưởng các sản phẩm chất lượng tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không sử dụng các hóa chất hay chất độc hại với cơ thể con người và cả môi trường, được sản xuất và thu hoạch đúng quy trình, có nguồn thông tin truy xuất rõ ràng cho sản phẩm.

Thực tế, sự việc xảy ra tại Winmart, Tiki ngon không phải là câu chuyện mới.

Đội Quản lý thị trường số 32 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) cách đây mấy năm đã từng bất ngờ kiểm tra cơ sở cung cấp rau an toàn của bà Nguyễn Thị Tưởng, nằm trên địa bàn đội 3, thôn Thường Lệ, xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh và phát hiện một số lượng khá lớn rau được dán nhãn đảm bảo cung cấp cho chuỗi siêu thị Metro trong khi thực tế, số rau này không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ. Chủ cơ sở đã bị phạt 5 triệu đồng về hành vi buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, buộc tiêu hủy toàn bộ hơn 1 tấn rau củ vi phạm gồm hành tây, dưa chuột, mướp đắng... Hoặc ngay tại buổi kiểm tra siêu thị Big C Trần Duy Hưng tháng 1/2015, đoàn kiểm tra liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP Hà Nội đã phát hiện một số mặt hàng rau tươi tại đây chưa ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa có bao bì đóng gói.

Mỗi vụ việc gian dối bị phát hiện, niềm tin của người tiêu dùng lại bị bào mòn thêm một chút. Đáng buồn nhất là với những người sinh sống ở đô thị, nơi mà không thể tự trồng, tự cung cấp rau cho gia đình thì giữa những thông tin ngập tràn về rau bẩn, rau nhúng thuốc tăng phọt, hoa quả ủ hóa chất đang bán tràn lan, họ hoang mang không biết phải lựa chọn mua rau, quả ở đâu để có thể bảo vệ sức khỏe cho người thân của mình. Rất nhiều người đã “tặc lưỡi”, với suy nghĩ mua rau an toàn chắc gì đã an toàn, quay lại mua rau ở chợ truyền thống. Một bộ phận khác tẩy chay siêu thị bị phát hiện bán rau sạch rởm, sang các siêu thị khác mua rau, hoặc đặt rau từ các trang trại trồng rau sạch. Nhưng đó cũng chỉ là biện pháp tạm thời, bởi chính họ cũng hiểu rằng, khi sự tử tế chưa chiến thắng được lòng tham của một số người sản xuất, nhà cung cấp thì rất có thể, vào một ngày nào đó, họ cũng lại thêm một lần là nạn nhân của sự dối lừa.

Cần sự giám sát thường xuyên của cơ quan quản lý nhà nước

Người tiêu dùng mua hàng tại các siêu thị, đặc biệt các mặt hàng tươi sống là họ đã mua bằng sự tin tưởng. Siêu thị lại dùng niềm tin đặt vào nhà cung cấp. Trong khi đó, sự trung thực của nhà cung cấp lại hoàn toàn phụ thuộc vào đạo đức của từng cá nhân. Khi nhu cầu nhập hàng vượt quá khả năng trồng, sản xuất của nhà cung cấp thì việc gian dối thu mua thêm rau trôi nổi ngoài chợ đầu mối dán nhãn rau an toàn, rau VietGAP là điều rất dễ xảy ra. Những sự việc gian dối dù không phải là tất cả nhưng đối mặt với sự nghi ngờ của người tiêu dùng, tâm huyết của nhiều nông dân chân chính muốn trồng và đưa sản phẩm sạch đến tay người tiêu dùng cũng sẽ có thêm trở ngại. Vì thế, những vụ lừa dối kiểu rau trôi nổi gắn mác VietGAP chỉ có thể được ngăn chặn khi cơ quan quản lý nhà nước phải thật “mạnh tay” với thực phẩm bẩn. Phải chấm dứt được vấn nạn sử dụng tràn lan thuốc bảo vệ thực vật để rau bán tại các chợ truyền thống cũng là rau an toàn, xóa bỏ ranh giới khác biệt giữa rau chợ và rau siêu thị. Những “lỗ hổng” trong việc kiểm tra, giám sát nguồn hàng của các siêu thị cũng phải được khắc phục, không thể chỉ tin tưởng vào các giấy tờ chứng nhận rau an toàn, VietGAP được đưa ra từ phía nhà cung cấp. Thậm chí phải có kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm thường xuyên với từng lô rau nhập vào siêu thị. Và phải có mức phạt hợp đồng thật nghiêm khắc nếu nhà cung cấp gian dối tuồn sản phẩm kém chất lượng vào siêu thị. Như vậy, mới có thể lấy lại niềm tin của người tiêu dùng.

Động thái mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi triệu tập cuộc họp vào tối 23/9 với sự tham gia của đại diện các Hiệp hội ngành hàng, Hiệp hội các nhà bán lẻ, đại diện một số siêu thị lớn, đại diện các địa phương là sẽ thống nhất sẽ kiểm tra, giám sát 3 chợ đầu mối lớn tại TP Hồ Chí Minh.

Trong cuộc họp này, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng thừa nhận: "Muốn giám sát, chuẩn hóa thì phải đưa ra các chỉ số có thể đo lường được, và đó là tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, quản lí sau khi VietGAP chứng nhận lại là bên thứ 3. Các đơn vị được chỉ định có làm đúng hay không, sản phẩm đưa ra thị trường có đúng là VietGAP hay không thì chúng ta chưa làm tốt khâu này". Như vậy, rõ ràng, người tiêu dùng không thể dùng mắt thường để phân biệt rau sạch, rau bẩn. Điều này cần sự kiểm tra, kiểm soát từ các cơ quan quản lý nhà nước. Và chỉ có sự kiểm soát chặt, chế tài xử phạt mạnh, thường xuyên có các đoàn kiểm tra từ ruộng tới chợ phân phối với những quy trình kiểm nghiệm, xét nghiệm mới có thể đẩy lùi vấn nạn “rau bẩn đội lốt rau sạch”. Và ngay cả với các siêu thị bán hàng không đảm bảo, phải có mức phạt nghiêm khắc để chính họ sẽ tự quản lý, giám sát nghiêm ngặt hơn hàng hóa nhập vào bán trong hệ thống của mình.

Chi Linh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/rau-troi-noi-dot-lot-rau-vietgap-khong-the-quan-ly-chat-luong-bang-niem-tin-i668645/