'Rau VietGap rởm vào siêu thị', Bộ NN&PTNT vào cuộc

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, 'Sạch từ trang trại đến bàn ăn' là cả quá trình cần kết nối chuỗi ngành hàng. Bên cạnh việc cân bằng lợi ích của các bên thì còn là niềm tin, do đó cần sự minh bạch trong các khâu sản xuất, phân phối, tiêu thụ.

Minh bạch trong các khâu sản xuất, phân phối, tiêu thụ

Sau tình trạng rau VietGAP rởm “biến hình” vào hàng loạt siêu thị và cửa hàng lớn, cuối giờ chiều 22/9, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan có cuộc họp "nóng" với các đơn vị, hiệp hội ngành hàng và các địa phương.

Bộ trưởng Lê Minh hoan cho rằng, việc họp này là để nhận diện vấn đề chứ chưa phải giải quyết vấn đề. Bộ sẽ xây dựng kế hoạch và làm việc với hiệp hội ngành hàng, hệ thống bán lẻ, cùng cơ quan truyền thông để hoàn thiện hơn trong thời gian tới.

Trước việc báo chí thông tin về tình trạng rau sạch dởm "biến hình" vào siêu thị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan kêu gọi sự vào cuộc của tất cả hệ thống bán lẻ, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tạo dựng hệ sinh thái lành mạnh. Ngoài chuỗi ngành hàng còn hệ sinh thái ngành hàng, tất cả đều cần có trách nhiệm xã hội.

 Bộ NN&PTNT họp khẩn sau tình trạng rau VietGAP “rởm” biến hình vào siêu thị.

Bộ NN&PTNT họp khẩn sau tình trạng rau VietGAP “rởm” biến hình vào siêu thị.

Theo Bộ trưởng, chuỗi các ngành hàng vẫn bị đứt gãy, giữa người sản xuất với người tiêu thụ, giữa người tiêu thụ với người tiêu dùng… "Sạch từ trang trại đến bàn ăn” là cả quá trình cần kết nối chuỗi ngành hàng đó. Trong chuỗi ngành hàng đó, bên cạnh việc cân bằng lợi ích của các bên thì còn là niềm tin. Tránh "treo đầu dê bán thịt chó” cần sự minh bạch trong các khâu sản xuất, phân phối, tiêu thụ.

Khẳng định việc chuẩn hóa chất lượng nông sản cho thị trường trong nước là yêu cầu bắt buộc trong giai đoạn hiện nay. Ông Lê Minh Hoan cho rằng, việc chuẩn hóa nông sản cho ngay thị trường trong nước, bắt đầu tư các chợ cóc, chợ truyền thống, sau đó tiến dần lên các trung tâm thương mại, siêu thị, nhà phân phối... Bởi vì chúng ta không chấp nhận sự dễ dãi từ khâu nhỏ nhất. Đây sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ từ nay tới cuối năm.

Với trách nhiệm của cơ quan quản lý, Bộ trưởng yêu cầu, các đơn vị của Bộ phải rà soát lại các chính sách pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ cho quản lý; cập nhật kịp thời cho phù hợp với thực tiễn và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

“Từ trước đến nay chỉ khuyến khích làm VietGAP, mà chưa bắt buộc tất cả các siêu thị phải bán hàng VietGAP. Nhưng nếu không làm VietGAP mà bán giá VietGAP thì nhà nước có thể vào cuộc kiểm soát, xử lý hình sự được không?

Nếu có không gian rõ ràng, minh bạch giữa một bên là rau được chứng nhận, với một bên là không được chứng nhận, thì tôi tin người tiêu dùng sẽ có lựa chọn của mình" - Bộ trưởng Bộ NN&PNTT chia sẻ.

Cần rà soát lại các tiêu chuẩn VietGAP

Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản cho biết, sản phẩm xuất khẩu phải theo quy định thị trường nhập khẩu. Trước khi sản phẩm xuất khẩu, sản phẩm phải được các cơ quan giám định. Theo ông Tiệp, cần phải rà soát lại các tiêu chuẩn VietGAP nhằm đưa ra những quy định để người dân dễ hiểu.

“Muốn giám sát và chuẩn hóa được phải đưa ra chỉ số, quy định đo lường. Hiện chúng ta đã có VietGAP và tiêu chí đánh giá rõ ràng. Tuy nhiên, quản lý sau khi chứng nhận do bên thứ ba họ có làm đúng chuẩn không, nói đúng là chúng ta làm chưa tốt".

Hiện có trên 40 đơn vị có đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận VietGAP, trong đó có 12 đơn vị thuộc Cục Trồng trọt quản lý và hơn 30 đơn vị do Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản hoặc Bộ Khoa học - Công nghệ cấp.

Việc kiểm soát không chỉ là trách nhiệm của cơ quan Nhà nước mà cần có trách nhiệm từ người sản xuất, kinh doanh với nguyên tác người sau giám sát người trước để đảm bảo nguồn nguyên liệu an toàn. Để giám sát sản phẩm, theo ông Nguyễn Như Tiệp, cần đặt ở 3 chỗ là nhà phân phối lớn, chợ đầu mối, bản thân người thực hành nông nghiệp tốt.

Theo ông Tiệp, muốn giám sát, chuẩn hóa thì phải đưa ra các chỉ số có thể đo lường được, và đó là tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, quản lý sau khi VietGAP chứng nhận lại là bên thứ ba đảm nhận. Các đơn vị chỉ định tổ chức chứng nhận VietGAP và hoạt động tổ chức chứng nhận VietGAP có làm đúng hay không, sản phẩm đưa ra thị trường có đúng chuẩn là VietGAP hay không thì chúng ta chưa làm tốt khâu này. “Cục sẽ có chương trình làm điểm trong ba chợ lớn nhất là Tân Xuân, Bình Điền, Hóc Môn để kiểm soát hàng đưa vào chợ, bằng cách lấy mẫu giám sát, xử lý trường hợp vi phạm”, ông Tiệp cho biết thêm.

Hiện nay, cả nước có trên 40 đơn vị có đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận VietGAP, trong đó có 12 đơn vị thuộc Cục Trồng trọt quản lý và hơn 30 đơn vị do Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) hoặc Bộ Khoa học - Công nghệ cấp.

Trước sự việc báo chí phản ánh, Cục Trồng trọt đã có văn bản gửi 12 đơn vị do Cục quản lý và yêu cầu trong vòng 7 ngày phải báo cáo lại quá trình hoạt động cấp phép của mình. Theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Cục sẽ thành lập đoàn thanh tra, tiến hành thanh tra đột xuất. Nếu có sai phạm và đúng như báo chí phản ánh, Cục Trồng trọt sẽ xử lý theo quy định của Nghị định 119/2017/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường.

Dưới góc độ góc độ nhà bán lẻ, bà Vũ Thị Hậu - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam nhận định, khi ký hợp đồng với một nhà sản xuất, siêu thị phải kiểm tra kiểm soát chặt chẽ, trước hết về mặt giấy tờ. Nếu siêu thị làm bài bản còn có quy chuẩn riêng kèm theo sự giám sát tại cơ sở sản xuất. Cùng với đó là việc hạn chế mua của các nhà cung cấp trung gian vì khó quản lý đầu vào. Các siêu thị cần mua trực tiếp của các nhà sản xuất, hợp tác xã.

Góp ý với các cơ quan quản lý, đại diện Hiệp hội các Nhà bán lẻ Việt Nam kiến nghị cần tìm biện pháp để kiểm tra, kiểm soát trên quy mô rộng hơn; nâng cao vai trò của các địa phương trong quản lý chất lượng nông sản trên địa bàn. Đồng thời, đề nghị cơ quan quản lý nhà nước tăng cường kiểm soát, có chế tài xử lý xử phạt nghiêm minh, để không bị ảnh hưởng tới các cơ sở sản xuất làm ăn chân chính.

Bà Vũ Thị Hậu cũng thông tin thị trường thường thiếu các sản phẩm trái vụ, nên các địa phương có thể sản xuất được loại sản phẩm này cần tăng cường như cà rốt, hành tây, khoai tây… Bởi, đây là những sản phẩm rất dễ bị gian dối, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Các tỉnh có thế mạnh có thể phát triển các sản phẩm trái vụ, nhất là các địa phương vùng cao.

Theo số liệu của Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản, số cơ sở trồng trọt áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, VietGAHP và tương đương tăng nhanh. Nếu năm 2018 có 1.845 cơ sở áp dụng VietGAP, VietGAHP, diện tích 20.000 ha thì năm 2019 tăng lên 1.950 cơ sở, với diện tích 38,6 nghìn ha; năm 2020 là 6.045 cơ sở, với 430.000 ha; năm 2021 là 6.211 cơ sở, 463.000 ha. Trong 9 tháng năm 2022 là 8.304 cơ sở, với diện tích 480.000 ha.

Lan Anh

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/rau-vietgap-rom-vao-sieu-thi-bo-nnptnt-vao-cuoc-71521.html