Rầy nâu - đối tượng cần phải tiêu diệt!

Đối với cây trồng, vật nuôi và ngay cả con người thì nguyên tắc cơ bản là phòng bệnh.

Doanh nhân Lê Quốc Phong, Tổng GĐ Công ty CP Phân bón Bình Điền.

Trong trồng trọt, phòng bệnh bao gồm sử dụng giống kháng theo các mức độ, dùng giống xác nhận, xử lý môi trường trong sạch, bao gồm xử lý nguồn bệnh vụ trước trong đất, trong nước. Trong đó, làm đất vụ trước phải cày bừa kỹ, khử trùng đất, phơi đất khô, hay cho ngâm nước kỹ, diệt sạch cỏ và tàn dư thực vật, quản lý nước thích hợp, bón phân cân đối và gieo sạ đồng loạt... Bà con làm tốt điều này thì khi có rầy, rầy phân tán rộng trên nhiều đám ruộng nên sức phá hoại sẽ bị giảm.

Bà con cũng cần biết quy luật phát sinh và diễn biến bệnh cũng như nguyên nhân gây bệnh. Bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá lúa là loại bệnh virus, hiện chưa có thuốc đặc trị. Là bệnh virus thì tự nó không lây lan từ cây này qua cây khác, chỉ khi có môi giới truyền bệnh thì mới lây lan, rầy nâu được xác định là môi giới truyền bệnh từ cây bệnh sang cây khỏe thông qua chích hút nhựa cây bệnh rồi chuyển sang cây khỏe làm cây khỏe bị bệnh. Vì vậy, khi trên đồng ruộng có một số cây lúa bị bệnh mà bà con phát hiện thấy mật số rầy nâu cao thì phải diệt rầy để cắt nguồn môi giới gây bệnh. Các thí nghiệm đã chứng minh rằng: Ruộng lúa làm đúng kỹ thuật, cây khỏe thì có khả năng kháng bệnh rất tốt, mức độ bị lây bệnh chậm và thường nhẹ hơn ruộng lúa không khỏe. Cây lúa không khỏe phần lớn là ruộng gieo sạ mật độ dày, cây nhỏ, bón thừa đạm, làm cây mềm yếu, bộ lá dày thì mật số rầy tập trung cao và thời gian nhiễm bệnh sớm, nhanh và thiệt hại cũng lớn. Làm đất không kỹ, đất còn nhiều độc tố cũng là nguyên nhân làm cây lúa phát triển kém dễ nhiễm bệnh, gieo sạ không đồng loạt cũng dễ bị rầy tập trung tấn công.

Trước tình hình hiện tại, khi có rầy với mật số cao, nhất thiết bà con phải tập trung diệt rầy. Tuy nhiên, không phun thuốc liên tục hoặc phun bất cứ lúc nào, mà chỉ phun đến khi mật số rầy giảm ở mức không gây thiệt hại, những đồng ruộng bị nhẹ, nếu chăm sóc tốt vẫn cho năng suất bình thường, những ruộng bị nặng thì nhất thiết phải loại bỏ, nếu ít thì nhổ bỏ, nếu cả đám ruộng thì phá hủy, khử trùng đất rồi cấy dặm lại nếu lúa còn non. Khi phun thuốc, bà con lưu ý cho nước vào ruộng cao hơn để rầy chuyển lên phần lá thì phun mới đạt hiệu quả cao, bao vây khu vực có bệnh, phun kỹ sau đó bón thêm phân khoáng có tỷ lệ đạm (N) thấp, chú ý bón lân, kali, trung vi lượng để cây lúa phục hồi nhanh. Dùng phân Đầu trâu TE-A1 và TE-A2 để bón cho lúa cũng sẽ làm tỷ lệ rầy giảm và cây lúa khỏe nên kháng bệnh tốt, năng suất vẫn cao dù ruộng lúa đã bị bệnh.

Bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá là nỗi lo của nhà nông khi bước vào vụ lúa mới, nhưng nếu bà con thực hiện sản xuất kỹ càng, đúng quy trình kỹ thuật và chăm sóc bón phân cân đối thì không những an tâm về sâu bệnh mà còn có một mùa lúa đạt năng suất cao.

Lê Quốc Phong

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/ray-nau--doi-tuong-can-phai-tieu-diet-d59922.html