RCEP: Động lực mới của ASEAN

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) khi được ký kết, thực thi sẽ tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, đồng thời tạo động lực mới cho sự phát triển. Đây là chia sẻ của các học giả và quan chức châu Á tại diễn đàn các nhà nghiên cứu được tổ chức tại Campuchia mới đây.

RCEP do Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khởi xướng năm 2012, là hiệp định thương mại tự do được đề xuất giữa 10 quốc gia thành viên ASEAN (Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam) và các đối tác FTA là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Ấn Độ. Trong Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36, được tổ chức thông qua hình thức trực tuyến vào tháng 6 vừa qua, các nhà lãnh đạo ASEAN đã hoan nghênh tiến trình đạt được để tiến tới hoàn tất đầy đủ các cuộc đàm phán của RCEP, và dự kiến ký hiệp định vào cuối năm 2020.

 Các nhà lãnh đạo ASEAN nỗ lực tiến tới hoàn tất đàm phán Hiệp định RCEP

Các nhà lãnh đạo ASEAN nỗ lực tiến tới hoàn tất đàm phán Hiệp định RCEP

Khi hiệp định được ký kết, niềm tin vào khuôn khổ khu vực được củng cố hơn nữa về kinh tế và chính trị, cũng như trong các lĩnh vực khác. Đây sẽ là động lực để tăng tốc khối lượng thương mại giữa các quốc gia tham gia, giúp xây dựng lại các nền kinh tế trong khu vực thời kỳ hậu Covid - 19. RCEP sẽ cung cấp cho các quốc gia tham gia tiếp cận thị trường lớn hơn, và thông qua đó, các mối quan hệ trong nền kinh tế, thương mại, đầu tư giữa ASEAN với đối tác FTA sẽ được mở rộng hơn nữa. Một khi được ký kết, RCEP sẽ là FTA lớn nhất thế giới về quy mô dân số. Tất cả các quốc gia được hưởng lợi và hiệp định sẽ thúc đẩy tự do hóa thương mại trong khu vực. RCEP chiếm 45% dân số thế giới, 40% thương mại toàn cầu và khoảng 1/3 tổng sản phẩm quốc nội của thế giới. Chematng Vannarith - Chủ tịch Viện Tầm nhìn châu Á, một cơ quan nghiên cứu ở Phnom Penh - cho biết: RCEP sẽ mang lại động lực kinh tế cho các nước trong khu vực, để cùng nhau hồi phục sau suy thoái kinh tế do đại dịch Covid - 19 gây ra. RCEP sẽ gửi một tín hiệu rõ ràng, hội nhập kinh tế khu vực ở châu Á vẫn mạnh mẽ, sôi động, mặc dù chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa đơn phương đang gia tăng ở Mỹ và các khu vực khác. Những thách thức nằm ở phía trước bao gồm cách thuyết phục mọi người về lợi ích thu được từ RCEP và cách trao quyền, cho phép người dân, các doanh nghiệp vừa và nhỏ địa phương hưởng lợi khá nhiều từ hiệp định thương mại khu vực này.

Học giả Vannarith nói thêm, điều quan trọng là phải xây dựng sức mạnh tổng hợp giữa RCEP và các sáng kiến khu vực khác, để đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường phát triển, kết nối cơ sở hạ tầng khu vực - những yếu tố chính để hỗ trợ thương mại và thu hút đầu tư.

Học giả Mey Kalyan - cố vấn cao cấp của Hội đồng Kinh tế Quốc gia Tối cao Campuchia - cho hay, RCEP chắc chắn sẽ có tầm quan trọng lớn tại thời điểm nền kinh tế toàn cầu đang mất thăng bằng do đại dịch, chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương. Trong bối cảnh hiện tại, RCEP cực kỳ quan trọng đối với các quốc gia trong khu vực châu Á. Các quốc gia châu Á phải cùng nhau tồn tại và thịnh vượng. Đó là một tình huống có lợi để duy trì, nâng cấp hệ thống RCEP vì lợi ích lâu dài cho tất cả các nước tham gia.

Còn học giả Joseph Matthews - giáo sư cao cấp tại Đại học Quốc tế BELTEI ở Phnom Penh - nói rằng, không có nghi ngờ gì về việc RCEP sẽ là một trong những hiệp định thương mại tự do khu vực quan trọng nhất trên thế giới. RCEP chắc chắn sẽ được mở rộng, vì có tiềm năng và đóng vai trò là động lực thúc đẩy khối lượng thương mại trong khối ASEAN và hơn thế nữa. Các nước đối tác RCEP cần đóng vai trò là những cảnh báo của chủ nghĩa khu vực cởi mở, toàn diện. Các nhà lãnh đạo ASEAN đã có lập trường rõ ràng, thống nhất chống lại chính sách bảo hộ bằng cách tiến lên phía trước, với sự hội nhập kinh tế khu vực ngày càng sâu rộng.

Các học giả cho biết thêm, RCEP khi được hiện thực hóa sẽ đóng góp đáng kể vào dòng chảy hàng hóa và dịch vụ trong khu vực, nhưng thách thức lớn nhất là phát triển cơ sở hạ tầng ở các quốc gia như Campuchia, Lào, Việt Nam, Myanmar.

Cho đến thời điểm này, RCEP gần như chắc chắn sẽ được ký kết tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 vào tháng 11 năm nay. Những lo ngại về sự chậm trễ hơn nữa, do hiệu ứng gợn lên từ sự cạnh tranh chiến lược mạnh mẽ giữa Mỹ và Trung Quốc đã đạt đến mức độ chưa từng thấy, cũng như những lo ngại về sự vắng mặt của Ấn Độ hiện đã được khắc phục. Sau khi được ký kết, RCEP sẽ đóng vai trò là động lực phục hồi kinh tế trong thế giới hậu Covid - 19. Các nhà đàm phán ASEAN có phần lo ngại các thành viên RCEP cũng là đồng minh của Mỹ như Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc, có thể tìm cách trì hoãn hiệp định, do Mỹ có khuynh hướng thực thi quyền lực và ảnh hưởng của mình trong thời gian xung đột. Nhưng trong thời điểm hiện tại, Australia và Nhật Bản đều hy vọng kết thúc các cuộc đàm phán RCEP vào tháng 11. Một số nhà lãnh đạo Australia đã nhiều lần tái khẳng định, tranh chấp song phương với Trung Quốc sẽ không làm gián đoạn tiến trình của RCEP. Với việc hoãn Thế vận hội mùa hè cho đến tháng 7 năm sau và nền kinh tế trì trệ do đại dịch, Nhật Bản vẫn rất "háo hức" ký RCEP dù có hoặc không có Ấn Độ.

Tại Hội nghị Bộ trưởng RCEP giữa kỳ lần thứ 10 vào ngày 23/6 vừa qua, 15 đối tác đàm phán đã cố gắng thuyết phục Ấn Độ xem xét lại quyết định của mình. Các nước đã gửi một thông điệp chung tới New Delhi thể hiện sự chào đón Ấn Độ trở lại bất cứ lúc nào. Có lẽ nếu không có Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai thế giới với 1,3 tỷ dân, RCEP sẽ không giống với tầm nhìn mà ASEAN đã đưa ra vào năm 2012 - không liên kết tất cả các nền kinh tế Đông Á với nhau thông qua hiệp định thương mại tự do toàn diện.

Hiện nay, các quan chức của RCEP-15 đang chuẩn bị kết thúc rà soát pháp lý trước khi hoàn tất hiệp định. Các quan chức tự tin, hiệp định thương mại tự do này sẽ tăng tốc độ phục hồi kinh tế của toàn khu vực Đông Á. Các nước đã đối phó với sự bùng phát Covid - 19 một cách hiệu quả so với phần còn lại của thế giới. Với việc nới lỏng các biện pháp đóng cửa và hạn chế đi lại ở hầu hết các khu vực, sự phục hồi kinh tế của Đông Á đã có một khởi đầu sớm hơn. Ngay cả có sự chậm trễ trong ba năm, hiệp định đang đến vào thời điểm quan trọng. RCEP sẽ thể hiện năng lực của ASEAN trong vai trò lãnh đạo vào thời điểm quan trọng nhất, vì nhấn mạnh cam kết của nhóm đối với thương mại tự do, chủ nghĩa đa phương tại thời điểm nhiều nước khác đang ngày càng hướng nội và nâng cao thuế quan, các rào cản thương mại khác.

RCEP sẽ đóng góp vào khuôn khổ phục hồi toàn diện ASEAN, giúp mở rộng thương mại nội khối ASEAN với các cường quốc kinh tế Đông Á, bằng cách thúc đẩy kết nối chuỗi cung ứng trong kỷ nguyên "bình thường mới". Hy vọng, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 năm nay, các nhà lãnh đạo RCEP thể hiện sự đoàn kết, ủng hộ thương mại tự do và chủ nghĩa đa phương thông qua ký kết hiệp định được mong đợi sau nhiều năm lỡ hẹn.

Duy Hưng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/rcep-dong-luc-moi-cua-asean-140815.html