Rèn con tự lập thông qua 'du học tại chỗ'

Du học tại chỗ, học sinh vừa nhận bằng quốc tế, vừa được trang bị kỹ năng tự lập để bắt nhịp với cuộc sống mới.

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM tham quan doanh nghiệp. Ảnh: Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM tham quan doanh nghiệp. Ảnh: Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM

Môi trường tự lập

Chị Nguyễn Thị Thu (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, chứng kiến con vấp ngã, con thất bại khiến cha mẹ nào cũng đau lòng. Nhưng nếu làm thay con, không để con tự tay trải nghiệm sẽ khiến con ỷ lại, chính là làm hại con.

Từ khi con gái đăng ký học ngành Truyền thông tại Trường Đại học RMIT, cơ sở TPHCM, chị Thu nhận thấy con thay đổi rất nhiều khi trở về nhà. “Con chủ động làm việc nhà thay mẹ, biết tự chăm sóc bản thân, cởi mở hơn. Khi gia đình thảo luận, con mạnh dạn cho ý kiến, không còn “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy” như trước đây. Điều này làm tôi bất ngờ nhưng quyết định cho con học trường nước ngoài tại Việt Nam là đúng đắn”.

Thạc sĩ Lý Thiên Trang, Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho rằng: “Bên cạnh sở hữu bằng quốc tế, sinh viên theo học chương trình liên kết quốc tế được trau dồi và rèn luyện khả năng tự lập cùng nhiều kỹ năng mềm. Các em được làm quen với phương pháp giảng dạy theo hình thức tích hợp giữa trực tiếp và trực tuyến thông qua hệ thống quản lý học tập trực tuyến (LMS) do Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM triển khai từ năm 2014. Hình thức đào tạo này giúp người học thích nghi nhanh chóng với việc chuyển đổi số một cách có hệ thống. Khi tham gia các hoạt động của trường, cuộc thi học thuật từ lĩnh vực Kỹ thuật đến Kinh tế,các em cũng phát triển các kỹ năng như tư duy độc lập, sáng tạo, làm việc nhóm”.

Bà Trang cho biết thêm phương pháp dạy học của các trường quốc tế là học theo dự án. Giảng viên sẽ đưa ra bài toán từ thực tế cuộc sống. Để giải quyết bài tập này, người học phải ứng dụng kiến thức lý thuyết đã học vào tình huống thật, giúp hình thành kỹ năng tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, quản lý thời gian… Những kỹ năng mềm này góp phần xây dựng khả năng tự lập cho các em ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường và hình thành tư duy làm việc trong tương lai.

Ngoài ra, việc học dựa trên tình huống thật đòi hỏi sinh viên không chỉ nhớ, hiểu, mà phải vận dụng, phân tích, tổng hợp và đánh giá được thông tin, vấn đề.

Người học sẽ là trung tâm của việc giảng dạy. Như vậy, các em phải giữ tâm thế làm chủ trong việc học, không được xao nhãng hoặc hời hợt trước bài giảng, bài tập do giảng viên đưa ra.

Phụ huynh “thoát nợ”, con hết “ỷ lại”

Bước vào môi trường học tập theo hướng quốc tế, bên cạnh sự giúp đỡ của nhà trường, phụ huynh phải giúp con biết tự lập hơn. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng việc học là ưu tiên hàng đầu nên thay con làm hết mọi việc. Còn có người muốn con có thành tích học tốt nên làm bài tập hộ con. Nhưng không hay biết rằng những hành động này sẽ khiến con sinh ra tâm lý ỷ lại, dựa dẫm vào cha mẹ mà không thể tự chuẩn bị cho cuộc sống cá nhân. Vì thế, phụ huynh hãy dạy từ nhỏ, kiên định với mục tiêu xây dựng tính tự lập cho con.

PGS.TS Trần Thành Nam, Chuyên gia Tâm lý – Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận định giáo dục trong thời đại công nghiệp 4.0 không bị giới hạn bởi không gian, học sinh có thể học tập mọi lúc mọi nơi nên việc du học tại chỗ hay du học nước ngoài không có nhiều điểm khác biệt. Điều quan trọng là xây dựng khả năng tự học, tự lập cho trẻ.

Để giúp con xây dựng kỹ năng tự lập ngay từ nhỏ, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, trong các bài tập, nhiệm vụ được giao, cha mẹ không nên hướng dẫn mà hãy đặt câu hỏi để trẻ suy nghĩ. Từ đó, các em phải tìm cách tự thực hiện, đồng thời thúc đẩy khả năng tư duy phản biện, tính sáng tạo. Thay vì tư duy “học để lấy kiến thức”, phụ huynh hãy khuyến khích trẻ làm nhiệm vụ, dự án thực tế liên quan đến bài học để nhớ sâu và có thể áp dụng những gì đã học vào cuộc sống.

“Ngay từ nhỏ, cha mẹ hãy giúp con nhận ra sở thích, mối quan tâm cá nhân. Sau khi trẻ đã xác định được, hãy để các em chủ động nói lên quan điểm và hành động để đạt được mục tiêu. Bạn cũng hãy ủng hộ các ý tưởng của con và bạn bè. Thậm chí, dù dự án có thất bại, trẻ cũng sẽ học được kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề. Thất bại nên được nhìn nhận là cơ hội để thành công trong tương lai”, PGS. TS Trần Thành Nam đưa ra lời khuyên.

Một trong những yếu tố cần có để tự lập là kỹ năng quản lý sức khỏe cá nhân vì “sức khỏe là vốn quý nhất”. Nếu không đủ sức khỏe, trẻ khó có thể bắt nhịp với phương pháp giảng dạy lấy người học làm chủ. Cha mẹ nên khuyến khích con chơi thể thao, hướng dẫn con những bài tập rèn luyện sức khỏe thể chất và cùng con luyện tập. Để trau dồi năng lực quản lý sức khỏe tinh thần, cha mẹ hãy cùng con làm các động tác thư giãn, bố trí thời gian học và nghỉ ngơi hợp lý.

Đặc biệt, việc học tập hiện nay gắn liền với công nghệ thông tin. Trẻ dễ dàng nắm bắt và điều khiển các thiết bị công nghệ nhưng có thể sử dụng không đúng cách. Vì vậy, để trẻ có thể tự chủ khi sử dụng công nghệ, trước hết, cha mẹ phải cải thiện trình độ, kỹ năng của mình. Phụ huynh được khuyến khích thảo luận với trẻ về vấn đề an toàn an ninh mạng từ khi cho phép con sử dụng thiết bị di động, iPad.

Khi trẻ cần tra cứu tài liệu học tập trên Internet cũng là lúc cha mẹ dạy con cách xác định từ khóa, lựa chọn công cụ tìm kiếm thông tin an toàn, chính xác, phù hợp với mục đích học tập. Kỹ năng này có thể giúp trẻ tự chủ tìm kiếm thông tin, đánh giá mức độ an toàn, tính đúng đắn của thông tin.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/du-hoc/ren-con-tu-lap-thong-qua-du-hoc-tai-cho-eOT92lUMR.html