Rèn tâm chí, giữ vững khí tiết người cộng sản

Mỗi dịp kỷ niệm Ngày Quốc khánh (2-9), ông Đỗ Hằng, 95 tuổi, cán bộ tiền khởi nghĩa, ở phường Vĩnh Trung (Thanh Khê, Đà Nẵng) lại nhớ về khoảng thời gian gần 20 năm bị giam cầm tại Côn Đảo. Ký ức về cuộc đấu tranh biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng vẫn luôn nóng hổi trong ông.

Ông Hằng nguyên là học sinh Trường Quốc học Quy Nhơn, tham gia cách mạng năm 1945 và đã trải qua nhiều cương vị lãnh đạo. Khi Hiệp định Geneva được ký kết, ông Hằng là Tỉnh ủy viên tỉnh Gia Lai-Kon Tum và được phân công ở lại miền Nam, hoạt động trong lòng địch. Ông bị địch bắt ngày 4-9-1957, tại thị xã Buôn Ma Thuột và đã chịu bao cực hình tra tấn tàn khốc của kẻ thù. Chúng tra tấn, đày ải ông qua nhiều nhà lao trong đất liền, rồi đưa ra Côn Đảo, khép vào diện tù chính trị câu lưu (bị giam vô thời hạn).

 Ông Hằng đọc tập sách “Tù chính trị câu lưu Côn Đảo 1957-1975 từ thực tiễn nhìn lại”, do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phát hành.

Ông Hằng đọc tập sách “Tù chính trị câu lưu Côn Đảo 1957-1975 từ thực tiễn nhìn lại”, do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phát hành.

Ở nơi "địa ngục trần gian", ông Hằng hăng hái tham gia các hoạt động đấu tranh đòi thực hiện công ước quốc tế đối với tù chính trị và kiên quyết chống chào cờ địch. “Tù chính trị câu lưu chủ yếu là cán bộ, ai nấy đều xác định chỉ có một lá cờ Tổ quốc, đó là cờ đỏ sao vàng-lá cờ đã tung bay từ cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 và tại Quảng trường Ba Đình trong ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập (2-9-1945), đã trở thành máu thịt của chúng tôi, nên chúng tôi quyết không chào cờ của bọn tay sai bán nước”, ông Hằng chia sẻ.

Bọn cai ngục tra tấn bằng nhiều thủ đoạn man rợ, như: Đổ nước xà phòng vào miệng cho căng bụng và đạp vào bụng người tù; bỏ tù nhân vào thùng phi nước, dùng búa gõ vào thùng; rồi tra điện, đốt ngón tay, lấy kìm bấm vào chỗ kín… Vậy nhưng những con người trong tay không một tấc sắt vẫn một lòng kiên trung, son sắt với lý tưởng cách mạng. Tuần nào cũng có tù nhân chết do bị tra tấn, nhưng tổ chức đảng và từng đảng viên luôn xác định đó là điều không thể tránh khỏi. Ông Hằng còn nhớ rõ, mọi người đều thuộc lòng câu hát “Chốn lao tù là nơi ta rèn tâm chí” và ai cũng sẵn sàng hy sinh, giữ vững khí tiết người cộng sản.

Ký ức sâu sắc nhất của ông Hằng tại Côn Đảo là việc thành lập và hoạt động của Chi bộ Lê Hồng Phong. Ông là một trong 7 đảng viên ở trại IV, tổ chức thành lập Chi bộ Lê Hồng Phong vào ngày 1-5-1963 và bầu đồng chí Lương Thạnh làm Bí thư chi bộ. Chi bộ đã xây dựng bảng mật mã để trao đổi thống nhất chủ trương giữa các phòng giam, đẩy mạnh đấu tranh, đòi dân sinh, dân chủ. Tuy bị quân thù thẳng tay đàn áp nhưng anh em tù nhân và các đảng viên trong chi bộ không sờn lòng, sẵn sàng đổ máu để tô thắm màu cờ Tổ quốc.

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/ren-tam-chi-giu-vung-khi-tiet-nguoi-cong-san-590939