Reo hò, cổ vũ bạn đánh nhau: Đáng buồn bệnh vô cảm

Bệnh vô cảm xuất hiện ở nhiều lứa tuổi khác nhau nhưng thường gặp nhất là ở một bộ phận giới trẻ, nhất là trong học đường.

Thời gian gần đây, báo chí liên tục đưa thông tin về các vụ nữ sinh bị đánh hội đồng, nhiều bạn cùng lớp đứng ngoài cổ vũ, reo hò bởi nhiều bạn quan niệm đó không phải là việc của mình. Dư luận giật mình vì thói quen vô cảm đang có quá nhiều đất sống.

Mới đây, nhiều người chia sẻ đoạn clip ghi lại cảnh hai nữ sinh của Trường THCS N.Đ.T., thuộc phường Hương An, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế có hành vi đánh nhau, xung quanh có rất nhiều học sinh khác đứng xem, reo hò và cổ súy cho hành vi bạo lực. Không những thế, trong đoạn clip có sự xuất hiện của một nam sinh liên tục văng tục rồi xông vào đánh nữ sinh.

Trên báo chí, ông Vĩnh Cương, Hiệu trưởng Trường THCS N.ĐT. đã bày tỏ sự đau lòng nhưng liệu biện pháp xử lý của nhà trường đạt được như mong muốn của vị thầy giáo 'vừa mang tính răn đe vừa mang tính giáo dục'.

Cách vụ việc trên ít hôm, tại Bình Dương cũng xảy ra vụ việc tương tự. Cụ thể, chiều 20/10, nhiều người chia sẻ đoạn clip 2 nữ sinh túm tóc, đấm đá tới tấp một nữ sinh khác.

Hình ảnh sự việc. Ảnh cắt từ clip.

Thời điểm trên có nhiều học sinh nam, nữ nhưng không can ngăn mà còn cỗ vũ, quay clip tung lên mạng xã hội.

Điều đáng nói, không chỉ học sinh đứng ngoài cổ vũ, reo hò, quay clip tung lên mạng mà ngay cả một số người lớn nhìn thấy sự việc cũng dửng dưng đứng nhìn, mặc cho các học sinh đánh nhau.

Sự việc xảy ra ngay tại cổng Trường THCS Hoàng Văn Thụ (Quận 10, TPHCM) vào khoảng giữa tháng 10/2019.

Đoạn clip 4 giây được nhiều người chia sẻ cho thấy cảnh hai nữ sinh mặc đồng phục Trường THCS Hoàng Văn Thụ đang túm tóc, ẩu đả. Những học sinh khác đứng trước cổng trường thậm chí còn hò reo, cười cợt. Chỉ khi phát hiện có người quay clip, một nữ sinh chạy lại hỏi: “Chú quay gì đấy chú?”.

Một số phụ huynh đang đứng chờ con trước cổng trường cũng đứng nhìn, mặc cho hai học sinh đánh nhau.

Xã hội đã quá nhiều lần phải lên tiếng về bệnh vô cảm nhưng xem ra, căn bệnh này chưa có thuốc đặc hiệu để chữa trị. Còn nhớ, theo kết quả điều tra của Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam trong 2 năm 2017-2018, vô cảm chính là một trong những vấn đề trầm trọng nhất hiện nay (57,8%), trên cả bạo lực trong gia đình (56,5%), bất hiếu (48,2%) hay sống không chung thủy (46,3%).

Mai Thùy

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/doi-song/gia-dinh/reo-ho-co-vu-ban-danh-nhau-dang-buon-benh-vo-cam-3390799/