Rét đậm, rét hại còn kéo dài, nông dân chủ động ứng phó

Thời gian tới, thành phố Hà Nội còn xảy ra nhiều đợt rét đậm, rét hại. Để giảm thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp, nông dân Thủ đô lưu ý thực hiện các biện pháp phòng, tránh...

Trang trại của ông Nguyễn Văn Lâm ở xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai) sử dụng hệ thống đèn sưởi ấm cho gà khi thời tiết rét đậm, rét hại.

Rét đậm, rét hại còn kéo dài...

Trưởng phòng Dự báo khí tượng thủy văn (Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ) Đinh Hữu Dương cho biết, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường nên từ đêm nay (11-1) đến sớm mai (12-1), thành phố Hà Nội ít mây, không mưa; thời tiết rét hại, nhiệt độ thấp nhất khu vực trung tâm và phía Nam thành phố 9-11 độ C, khu vực phía Bắc và phía Tây thành phố 8-10 độ C. Đến trưa và chiều mai, thành phố Hà Nội giảm mây, xuất hiện nắng hanh, nhiệt độ tăng thêm khoảng 8 độ C, phổ biến ở mức 16-18 độ C.

Từ nay đến ngày 16-1, thời tiết tại thành phố Hà Nội có xu hướng ấm lên khi buổi trưa và chiều xuất hiện nắng hanh, nhiệt độ tăng dần, mức cao nhất 23 độ C. Tuy nhiên, đêm và sáng sớm những ngày nêu trên, nền nhiệt tại thành phố Hà Nội tiếp tục duy trì ở ngưỡng rét hại (dưới 13 độ C) và rét đậm (dưới 15 độ C).

Từ đêm 16-1, thành phố Hà Nội tiếp tục chịu ảnh hưởng của đợt không khí lạnh tăng cường. Những ngày sau đó, thời tiết tại thành phố tiếp tục rét đậm, rét hại về đêm và sáng sớm; trưa và chiều nắng hanh, ấm dần...

Nông dân Hà Nội chủ động ứng phó rét đậm, rét hại

Trên diện tích 5.000m2, gia đình ông Hoàng Văn Trào, ở xã Tích Giang (huyện Phúc Thọ) trồng 70 nghìn chậu hoa cây cảnh các loại. Để bảo vệ cây trước tác động của rét đậm, rét hại, gia đình ông Hoàng Văn Trào đã đưa toàn bộ chậu hoa vào trong lán trại có mái che sương, quây nilon che gió.

Còn đối với diện tích hoa cắt cành như cúc, hồng và đồng tiền, gia đình ông Hoàng Văn Trào sử dụng ni lông để bọc xung quanh cây và sử dụng đèn để sưởi ấm. “Đèn thắp sáng không chỉ giúp cây chống rét mà còn giúp cây quang hợp tốt hơn và điều chỉnh thời gian ra hoa cho cây theo ý muốn...”, ông Hoàng Văn Trào chia sẻ.

Nông dân Thủ đô nuôi nhốt để chống rét cho đàn bò trong ngày rét đậm, rét hại.

Phần lớn người trồng trọt Hà Nội sử dụng cách làm tương tự để chống rét cho cây trồng. Còn đối với người chăn nuôi thì sao?

Trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới, ông Nguyễn Bá Lợi, người chăn nuôi bò lấy thịt ở xã Minh Châu (huyện Ba Vì) cho biết: “Gia đình tôi đang nuôi 10 con bò lấy thịt. Khi thời tiết chuyển rét đậm, rét hại, gia đình tôi đều nuôi nhốt ở trong chuồng và được che chắn kín, không chăn thả ngoài đồng. Để tăng sức đề kháng cho đàn bò, ngoài thức ăn thô xanh, gia đình tôi còn bổ sung các loại thức ăn tinh như: Cám ngô, cám gạo và các loại vitamin, khoáng chất...

Về công tác phòng, chống rét trong lĩnh vực chăn nuôi, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, hiện nay, chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố chủ yếu trong chuồng trại khép kín.

Tuy nhiên, để phòng, chống rét cho đàn vật nuôi, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn để người chăn nuôi áp dụng các biện pháp sưởi ấm cho trâu, bò vào ban đêm như: Trải chất độn chuồng, ủ trấu, đốt lửa (lưu ý tránh gây cháy hoặc khói quá nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe đàn trâu, bò); bổ sung các loại thức ăn tinh cho trâu, bò, như: Cám gạo, vitamin và khoáng chất trong khẩu phần ăn của đàn vật nuôi.

Những ngày giá rét, người dân nên cho đàn nuôi uống nước ấm có hòa muối với lượng khoảng 9-10g/lít nước. Khi nhiệt độ xuống dưới 13 độ C, người dân không chăn trâu, bò ra ngoài đồng. Đối với gia súc, gia cầm non, gia súc gầy yếu, người dân cần cho ăn đủ dinh dưỡng, tăng cường thức ăn năng lượng cao, che chắn chuồng trại, tránh gió lùa, sưởi ấm cho vật nuôi...

Đối với cây trồng, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương khuyến cáo, khi xảy ra rét đậm, rét hại, nhiệt độ dưới 15 độ C, người dân Thủ đô tuyệt đối không cấy. Đối với mạ đã gieo, người dân phải che phủ kín bằng ni lông trắng cho 100% diện tích, bón bổ sung tro bếp trên mặt luống để giữ ấm cho mạ. Đối với mạ sân cần tưới ẩm, người dân tuyệt đối không để mạ bị khô hạn.

Với diện tích mạ đã gieo, khi nhiệt độ lên trên 15 độ C, người dân có thể mở 2 đầu luống cho thoáng nhưng không được mở hoàn toàn, tránh sốc nhiệt. Bên cạnh đó, cấp bổ sung dinh dưỡng bằng bón phân qua lá như các chế phẩm kích thích sinh trưởng, phân vi lượng...

Đối với rau màu, người dân cần tập trung thu hoạch những diện tích đã đến hoặc gần đến kỳ thu hoạch để bảo đảm năng suất, chất lượng và không gieo trồng các cây rau màu khi thời tiết còn rét đậm, rét hại.

Bên cạnh đó, người dân cần tưới đủ ẩm, bón thêm phân kali, phân lân kết hợp ủ gốc bằng mùn, rơm, rạ... để giữ ấm, giữ ẩm cho cây. Đối với nhóm rau ăn lá, nên che bằng ni lông trắng. Ở những nơi có sương muối, băng giá, có thể dùng thùng ô doa hay vòi bơm tưới, phun nước trên mặt lá làm rụng, tan hạt sương, tránh hiện tượng cháy lá khi có ánh nắng...

Nhóm phóng viên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nong-nghiep/988395/ret-dam-ret-hai-con-keo-dai-nong-dan-chu-dong-ung-pho