Review phim 'Non-Fiction': Tác phẩm đang tranh giải Sư Tử Vàng do Lý Nhã Kỳ sản xuất

''Non-Fiction'' là một bộ phim hài châm biếm về những thay đổi của giới xuất bản sách trong thời đại công nghệ qua cái nhìn của hai cặp vợ chồng. Đặc biệt, Lý Nhã Kỳ chính là người đảm nhận vai trò nhà sản xuất cho bộ phim này.

Olivier Assayas là một đạo diễn luôn mang đến cho người xem những thước phim có chiều sâu nhân văn và những cảnh quay điện ảnh đậm chất nghệ thuật. Trong năm 2018, Assayas tiếp tục cho ra mắt bộ phim Non-Fiction với phong cách có phần khác biệt so với hai tác phẩm khá thành công trước đó là Clouds of Sils MariaPersonal Shopper. Non-Fiction mang diện mạo của một tác phẩm triết học cởi mở hơn với cốt truyện xoay quanh hai cặp đôi phải đối mặt với những thay đổi trong đời sống cá nhân và nghề nghiệp của họ.

Đầu phim, Assayas đưa khán giả đến với buổi gặp mặt giữa biên tập viên Alain Danielson (Guillaume Canet) và tiểu thuyết gia Léonard Spiegel (Vincent Macaigne). Xuyên suốt bữa trưa ấy, Alain là người dẫn dắt cuộc nói chuyện và cố gắng giải thích rằng ông sẽ không xuất bản quyển tiểu thuyết mới nhất của Léonard. Vấn đề ở đây không phải vì sách của Léonard không hay mà vì câu chuyện lãng mạn do ông viết nên đã không còn quá mới mẻ, độc giả vừa ngẫm qua vài trang đầu là đã phần nào hình dung mọi chuyện sẽ đi đến đâu.

Clip giới thiệu phim Non-fiction.

Bên cạnh đó, việc Léonard ‘’khai thác’’ triệt để những người tình có tiếng tăm của mình cũng khiến Alain không hài lòng. Mặc dù đã thay đổi tên họ, nhưng với phương châm “cứ viết những gì mình biết”, người đọc sẽ thừa biết danh tính thật sự của những nhân vật trong sách. Cũng vào buổi tối hôm đó, Alain và cô vợ Selena (Juliette Binoche)- một diễn viên truyền hình, cùng tổ chức một buổi tiệc với những cuộc tranh luận tới tấp, thậm chí có tần suất gây chóng mặt về những thay đổi của giới xuất bản sách: sách giấy và sách điện tử, văn chương trong thời đại của mạng xã hội, các blog và nguồn in, sự khác nhau giữa nghệ thuật và giải trí,…

Buổi tranh luận diễn ra vô cùng sôi nổi và chỉ kết thúc khi Alain chấp nhận phải thay đổi để đáp ứng với thời cuộc chung, nhưng ông cũng không thực sự buông bỏ những giá trị mà bản thân bám víu bấy lâu nay.

Alain thực sự không quá để tâm đến quan điểm ủng hộ của Selena trong việc xuất bản tiểu thuyết Léonard viết. Trong khi đó, trường hợp của vợ Léonard là Valérie (Nora Hamzawi)- một nhà tư vấn chính trị thì hoàn toàn ngược lại. Bà quyết định dành tâm trí cho buổi bầu cử sắp tới chứ không đi bợ đỡ cho tiểu thuyết mới của chồng. Một phần lý do tại sao Alain lại không đếm xỉa đến ý kiến của vợ mình có lẽ là vì ông đang ngoại tình với Laure (Christa Théret)- một người nữ trẻ vô cùng tự phụ đang làm việc trong nhà xuất bản của ông. Đồng thời, việc Selena dành sự ủng hộ cho Léonard cũng là vì cả hai đã lén lút qua lại với nhau được tận sáu năm rồi.

Assayas quả là một bậc thầy biên kịch trong việc đẩy cao độ hài hước của bộ phim. Người xem còn đang thắc mắc về khả năng bám trụ của sách thư viện trong thời đại công nghệ kỹ thuật số thì ở phút tiếp theo, ai cũng phải phì cười với ‘’giai thoại’’ không mấy lành lạnh về bộ phim The White Ribbon của Michael Haneke. Lối suy nghĩ chấp nhận những ý kiến trái chiều trong Non-Fiction không hề bắt nguồn từ thái độ dĩ hòa vi quý, mà là vì những quan điểm thông minh, mới lạ luôn cần được đón nhận hoặc ít nhất là tôn trọng. Tuy vậy, đối với Alain, mặc dù ông ý thức rõ ràng nhận định trên nhưng việc chấp nhận những thứ đi ngược với niềm tin của mình vốn không hề đơn giản.

Trong Non-Fiction có một cuộc tranh luận về câu nói nổi tiếng trong tiểu thuyết The Leopard, đó là “Nếu chúng ta muốn mọi thứ được giữ nguyên thì mọi thứ sẽ phải thay đổi.” Đây là câu nói của Tancredi Falconieri- một nhân vật được xem là giọng nói của thế hệ mới. Những nhân vật trong The Leopard và trong tác phẩm của Assayas đều phải đối mặt với những thay đổi cấp tiến trong thế giới của họ, và điều duy nhất chắc chắn ở đây đó là mọi thứ đều sẽ phải thay đổi.

Chỉ có những diễn viên nhạy cảm và thông minh như Guillaume CanetJuliette Binoche mới có thể truyền tải đến khán giả những màn đấu khẩu sôi nổi, thông minh, đầy mỉa mai một cách thành công đến vậy. Những đoạn hội thoại linh hoạt như khiến người xem cũng muốn tham gia vào buổi tranh luận để bắt kịp những gì đang xảy ra. Nhân vật của Vincent Macaigne không quá đột phá so với những vai diễn trước đây, nhưng Nora Hamzawi- một diễn viên hài lần đầu đóng vai chính trong một phim điện ảnh lại đem đến cho khán giả một màn trình diễn xuất sắc với sự chua ngoa, mỉa mai nhưng lại vô cùng thu hút.

Clip giới thiệu phim.

Về phần quay phim, DP Yorick Le Saux từng cộng tác với Assayas trong Clouds of Sils MariaPersonal Shopper tiếp tục trở lại với Non-Fiction. Kỹ thuật quay lần này khá linh hoạt với phần ánh sáng pha trộn, có ý thể hiện phong cách chủ nghĩa hiện thực, khác hẳn với hai phim trước. Nhan đề tiếng Pháp ‘’Doubles Vies’’ (hai cuộc đời) và tiếng Anh ‘’Non-Fiction’’ thể hiện rất hiệu quả hai chủ đề chính của bộ phim, khiến chúng ta phải đặt câu hỏi về sự xâm lấn của tiểu thuyết hư cấu vào cuộc sống hiện thực ngày nay.

Ngoài việc tham gia tranh giải Sư Tử Vàng tại Liên hoan phim Venice 2018 , Non-Fiction cũng sẽ có mặt tại Liên hoan phim quốc tế Toronto và Liên hoan phim New York trước khi được chính thức công chiếu rộng rãi vào năm sau.

Anh Anh

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/dien-anh/review-phim-non-fiction-tac-pham-dang-tranh-giai-su-tu-vang-do-ly-nha-ky-san-xuat-3609916.html