RMIT Việt Nam ra mắt Trung tâm Ngoại ngữ mới tại Đà Nẵng

Trung tâm Ngoại ngữ mới của Đại học RMIT Việt Nam được đặt tại Văn phòng V.Startup, Tòa nhà FHome, số 16 Lý Thường Kiệt, Q. Hải Châu, TP. Đà Nẵng. Đây là cơ sở thứ tư của Đại học RMIT Việt Nam.

Ông Lâm Quang Minh, Giám đốc Sở Ngoại vụ TP.Đà Nẵng; bà Karen Lanyon, Tổng lãnh sự Úc tại TP.HCM; ông Craig Chittick, Đại sứ Úc tại Việt Nam và ông Sánchez-Barroso González José, Phó Lãnh sự Danh Dự Vương quốc Tây Ban Nha (từ trái sang) trong lễ ra mắt Trung tâm ngoại ngữ tại Đà Nẵng của Đại học RMIT.

Ông Lâm Quang Minh, Giám đốc Sở Ngoại vụ TP.Đà Nẵng; bà Karen Lanyon, Tổng lãnh sự Úc tại TP.HCM; ông Craig Chittick, Đại sứ Úc tại Việt Nam và ông Sánchez-Barroso González José, Phó Lãnh sự Danh Dự Vương quốc Tây Ban Nha (từ trái sang) trong lễ ra mắt Trung tâm ngoại ngữ tại Đà Nẵng của Đại học RMIT.

Đại học RMIT Việt Nam vừa chính thức cho ra mắt Trung tâm Ngoại ngữ tại Đà Nẵng. Lễ ra mắt có sự tham dự của ông Craig Chittick, Đại sứ Úc tại Việt Nam; bà Karen Lanyon, Tổng lãnh sự Úc tại TP.HCM và ông Lâm Quang Minh, Giám đốc Sở Ngoại vụ TP.Đà Nẵng.

Được đặt ở Văn phòng V.Startup, Tòa nhà FHome, số 16 Lý Thường Kiệt, Q. Hải Châu, Trung tâm Ngoại ngữ tại Đà Nẵng là cơ sở thứ tư của Đại học RMIT Việt Nam, giúp trường hiện diện trên khắp mọi miền đất nước. Ba cơ sở ngoại ngữ đã được RMIT Việt Nam đưa vào hoạt động thời gian trước gồm 1 Trung tâm tại cơ sở đào tạo Hà Nội, 1 Trung tâm tại cơ sở đào tạo Nam Sài Gòn (TP.HCM) của RMIT và 1 Trung tâm nằm trên đường Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM.

Cũng như các Trung tâm Ngoại ngữ khác của RMIT Việt Nam, Trung tâm Ngoại ngữ tại Đà Nẵng cũng được đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, có đội ngũ giảng viên đều là người bản xứ với bằng cấp quốc tế về giảng dạy Anh ngữ, sẽ giúp người học phát triển các kỹ năng học tập trực tuyến và có điều kiện tiếp cận hàng ngàn đầu sách từ thư viện RMIT.

Cũng như các Trung tâm Ngoại ngữ khác của RMIT Việt Nam, Trung tâm Ngoại ngữ tại Đà Nẵng cũng được đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, theo chuẩn quốc tế.

Theo đại diện RMIT Việt Nam, trong thời gian đầu hoạt động, Trung tâm Ngoại ngữ Đà Nẵng của trường sẽ tập trung cung cấp 3 nhóm chương trình tiếng Anh cho các đối tượng người học, bao gồm: chương trình tiếng Anh cho Teens - Đây là chương trình được thiết kế để chuẩn bị kỹ năng tiếng Anh và học thuật cho học sinh THCS và THPT từ 12 đến 17 tuổi, với trình độ tiếng Anh đầu ra tương đương IELTS 6.5; chương trình luyện thi IELTS; các khóa học tiếng Anh được thiết kế riêng cho doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước theo nhu cầu của các cơ quan, doanh nghiệp.

Phát biểu tại buổi lễ Trung tâm, Đại sứ Úc tại Việt Nam Craig Chittick đánh giá cao việc Đại học RMIT mở rộng hoạt động ra Đà Nẵng và những đóng góp của nhà trường trường vào mối dây liên kết song phương trong lĩnh vực giáo dục giữa Úc và Việt Nam. "Sự hiện diện của RMIT thể hiện rõ những ích lợi mà việc đầu tư của Úc vào lĩnh vực giáo dục đã đem đến, từ phát triển đội ngũ lãnh đạo tương lai của Việt Nam đến thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước”, ông Craig Chittick nhận định.

Hiệu trưởng Đại học Việt Nam, Giáo sư Gael McDonald cho biết nhà trường muốn đóng góp cho đất nước bằng giáo dục chất lượng, và giúp Đà Nẵng cũng như khu vực thay đổi. “Đà Nẵng và miền Trung từ lâu đã nổi tiếng về vẻ đẹp phong phú được thiên nhiên ban tặng, với những bãi biển trải dài, và các di sản quốc gia và quốc tế. Hiện khu vực này đang trải qua quá trình phát triển kinh tế vũ bão. Là nơi tụ hội của các ngành quản trị du lịch và khách sạn, sản xuất, công nghệ thông tin và thương mại, miền Trung hiện đang khẳng định vị thế vững chắc trong vai trò tác nhân tăng trưởng kinh tế cho đất nước”, Giáo sư Gael McDonald nói.

Giáo sư Gael McDonald cũng cho biết, trong quá trình tìm kiếm cơ hội đóng góp cho Việt Nam cũng như ảnh hưởng tích cực lên đời sống của người dân các vùng miền thông qua giáo dục chất lượng cao, khu vực miền Trung, đặc biệt là Đà Nẵng, là nơi Đại học RMIT Việt Nam nhận thấy có rất nhiều tiềm năng trong việc phát triển thế hệ lãnh đạo kế tiếp của Việt Nam.

Bình luận thêm về đóng góp của RMIT Việt Nam với Đà Nẵng, Giáo sư Gael McDonald khẳng định: “Chất lượng giáo dục chuẩn quốc tế, tính quốc tế của các chương trình học và mối liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, sẽ giúp RMIT bổ sung thêm vào câu chuyện thành công của Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung".

Liên quan đến việc đào tạo, nâng cao trình độ ngoại ngữ, trong Chỉ thị được Bộ GD&ĐT ban hành trung tuần tháng 8/2018, Bộ này đã xác định một trong những nhiệm vụ chủ yếu của ngành giáo dục trong năm học 2018 - 2019 là năng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo. Chỉ thị của Bộ GD&ĐT nêu rõ, trong năm học mới 2018 - 2019, sẽ tiếp tục hoàn thiện, ban hành và triển khai các chương trình, sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu, học liệu ngoại ngữ, ưu tiên Chương trình giáo dục phổ thông mới. Tiếp tục hoàn thiện, xây dựng chương trình ngoại ngữ theo chuẩn đầu ra và ngành, nghề đào tạo; khuyến khích dạy các môn học khác bằng ngoại ngữ và dạy ngoại ngữ thông qua các môn học.

Đồng thời, xây dựng, triển khai kế hoạch bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường quản lý nâng cao chất lượng dạy học của các trung tâm ngoại ngữ; tiếp tục đổi mới hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên theo chuẩn đầu ra ngay trong quá trình và theo kết quả từng giai đoạn giáo dục, đào tạo; tiếp tục xây dựng các định dạng đề thi theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, từng bước hoàn thiện, phát triển ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, đề thi đánh giá năng lực ngoại ngữ; chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc gia bảo đảm khách quan, trung thực; tăng cường các điều kiện dạy và học ngoại ngữ theo hướng ứng dụng CNTT, xây dựng hệ thống hỗ trợ dạy và học ngoại ngữ trực tuyến cho các cấp học và các trang thiết bị tối thiểu để triển khai hoạt động dạy và học ngoại ngữ đáp ứng mục tiêu đào tạo chung....

Vân Anh

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep/rmit-viet-nam-ra-mat-trung-tam-ngoai-ngu-moi-tai-da-nang-171630.ict