Roadshow BMP, NTP: Biên lợi nhuận gộp ngành nhựa khó cao như trước

Biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp lớn trên thế giới khoảng 3 - 5%, con số này ở Việt Nam vẫn còn tương đối cao và sau này sẽ bị điều chỉnh nhiều, Tổng Giám đốc BMP nói.

Tại buổi giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phiếu của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (Mã: BMP) và Công ty cổ phần Nhựa Tiền Phong (Mã: NTP) nhận được nhiều sự quan tâm về hiệu quả kinh doanh và hoạt động của cổ đông lớn nước ngoài. Thương vụ chào bán BMP và NTP đều do CTCP Chứng khoán Sài Gòn SSI tư vấn.

Biên lợi nhuận gộp ngành nhựa sẽ bị điều chỉnh

Ông Nguyễn Hoàng Ngân, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc BMP cho biết để gia tăng thị phần, các doanh nghiệp đều có chiến lược riêng. Năm 2017, BMP lần đầu tiên sau 12 năm điều chỉnh tăng nhẹ chiết khấu nhằm tăng khả năng cạnh tranh và giữ thị phần. Tuy nhiên, ông Ngân cũng đánh giá tương lai cạnh tranh của thị trường nhựa chắc chắn sẽ gay gắt hơn, đòi hỏi các doanh nghiệp phải nỗ lực và có chiến lược phù hợp.

Đặc biệt, ông Ngân cho rằng biên lợi nhuận gộp của ngành nhựa khó có thể cao như trước đây. Biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp lớn trên thế giới vào khoảng 3 - 5%, ở Việt Nam vẫn còn tương đối cao và sau này sẽ còn bị điều chỉnh nhiều. Trong 9 tháng đầu năm, biên lợi nhuận gộp của BMP đạt 24,4%, giảm 10,3% so với cùng kỳ năm trước còn NTP là 33,7%, giảm 2,5%.

Nhà đầu tư đặt câu hỏi biên lợi nhuận gộp năm 2017 của NTP và BMP đều giảm, nhưng mức giảm của BMP lại cao hơn. Ngoài ra, giá hạt nhựa đầu vào của NTP và BMP trong năm nay đã ảnh hưởng ra sao tới biên lợi nhuận gộp? Ông Ngân nói không chỉ trong năm 2017 mà từ các năm về trước, biên LN gộp giữa hai doanh nghiệp đều khác nhau và phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Giá nguyên liệu không phải được mua vào giống nhau, tương tự các chi phí cũng không thể như nhau. Về giá nguyên liệu, vào cuối năm 2017 tăng khoảng 8 - 9% so với giá bình quân năm 2016 và tăng khoảng 13% so với cùng kỳ năm trước.

Ở một góc độ khác, ông Trần Bá Phúc, Chủ tịch HĐQT NTP nói công ty có dự trữ nguyên liệu, thời gian dự trữ tùy theo dự đoán về diễn biến giá, có thời điểm NTP dự trữ nguyên liệu tới 5 tháng. Ông Phúc cho rằng NTP có dự trữ hợp lý và có loại trừ biến động giá trong sản xuất.

ĐHCĐ bất thường NTP là cơ hội cho Sekisui Chemical nâng sở hữu

SCIC đang sở hữu 29,52% vốn BMP và tỷ lệ room còn lại của doanh nghiệp là 56,2%. Trong đó, cổ đông Thái Lan NawaPlastic Industries hiện nắm 20,4% cổ phần BMP, tương đương 16,7 triệu cổ phiếu.

Tại NTP, SCIC sở hữu 37,15% vốn và Sekisui Chemical sở hữu 15%. Lượng cổ phần này Sekisui Chemical mua từ Nawaplastic. Room còn lại của NTP chỉ là 25,09% và doanh nghiệp này dự kiến sẽ họp ĐHCĐ bất thường vào ngày 30/11 để nới room 100%.

Ông Phúc thừa nhận khi còn là cổ đông lớn của NTP, Nawaplastic đã hỗ trợ công ty khá nhiều trong việc nâng cao công nghệ, năng lực quản trị.... Không những vậy, Nawaplastic ngoài việc là nhà sản xuất nhựa còn cung cấp nguyên liệu, vì thế Nawaplastic cũng chính là nhà cung cấp của NTP, giúp NTP kết nối được một số nhà cung cấp nguyên liệu khác. Sau khi Nawaplastic thoái vốn, Sekisui Chemical không phải là nhà cung cấp nguyên liệu nhưng lại sản xuất tất cả các loại sản phẩm, NTP đang từng bước làm việc và học hỏi lẫn nhau.

Chủ tịch HĐQT NTP cũng cho biết tới đây công ty sẽ họp bàn việc nới room 100% như BMP đã làm. Việc Sekisui Chemical có gia tăng sở hữu tại NTP hay không còn phải phụ thuộc vào quyết định của ĐHCĐ bất thường trong việc nới room và tùy thuộc vào ý định của cổ đông này.

NTP dự kiến doanh thu năm 2017 là 4.562 tỷ đồng, hoàn thành 93% kế hoạch năm và tăng 5% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 430 tỷ đồng, hoàn thành 95% kế hoạch năm và tăng 1% năm trước. Năm 2018, NTP đặt mục tiêu doanh thu 5.430 tỷ đồng, lãi trước thuế 486 tỷ đồng, tăng lần lượt 11% và 7% so với chỉ tiêu năm trước.

Đơn vị: tỷ đồng

Anh Thư

Nguồn NDH: http://ndh.vn/roadshow-bmp-ntp-bien-loi-nhuan-gop-nganh-nhua-kho-cao-nhu-truoc-20171117100053188p4c147.news