Robot bán hàng của SoftBank bị sa thải vì lỗi kỹ thuật

Pepper - dòng robot bán hàng được Softbank chế tạo - liên tục gặp trục trặc hệ thống khi thực hiện các công việc được giao.

Theo Wall Street Journal, công ty tang lễ Nissei Eco Co sử dụng robot Pepper thay vì con người cho việc đọc thánh thư tại các đám tang. Con robot được mặc lễ phục và lập trình để tụng các bài kinh dựa vào tôn giáo của người đã khuất.

Tuy nhiên, trên thực tế, Pepper liên tục gặp lỗi hệ thống khi đang thực hiện các bài tập thực hành. Lo ngại về mức độ hiệu quả, công ty đã kết thúc hợp đồng và sa thải Pepper.

Đây là một trong hàng loạt các trường hợp robot Pepper gặp trục trặc trên khắp Nhật Bản, dẫn đến việc nhiều người dân kêu gọi khai tử Pepper.

Takayuki Furuta, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Robot Tương lai nhận định: “Mọi người kỳ vọng robot sẽ sở hữu trí tuệ của con người. Tuy nhiên, trình độ của công nghệ chưa thể đạt được điều đó. Nó giống như việc so sánh ôtô đồ chơi với ôtô ngoài đời thực".

Robot Pepper được thiết lập để đọc các bài kinh thánh. Ảnh: Nissei Eco.

Trước đó, SoftBank tuyên bố đã chính thức ngừng sản xuất robot Pepper kể từ tháng 6/2020. Công ty này cũng lên kế hoạch tái thiết lại các đội ngũ phụ trách robot trên toàn cầu của mình. Dù vậy, SoftBank cho rằng Pepper vẫn đang hoàn thành tốt các công việc giáo dục và kiểm tra thân nhiệt tại các bệnh viện.

Pepper là mẫu robot được sản xuất bởi công ty đầu tư công nghệ SoftBank và tung ra thị trường vào năm 2015 với kỳ vọng mẫu robot này có thể giải quyết tình trạng thiếu lao động. Mức giá cho một con robot Pepper là 2.000 USD, chưa tính các chi phí dịch vụ hàng tháng. Giá thuê cho các doanh nghiệp là 550 USD một tháng. Bất chấp cái giá đắt đỏ, lô hàng đầu tiên gồm 1000 mẫu robot đã hết hàng nhanh chóng.

Pepper được lập trình sở hữu một vẻ ngoài vui nhộn và có khả năng thấu hiểu cảm xúc và nói chuyện với con người. Tuy vậy, robot này lại thiếu nhiều kỹ năng so với những gì SoftBank quảng cáo.

Vào năm 2016, một viện dưỡng lão ở Tokyo đưa vào sử dụng 3 con robot Pepper với chi phí khoảng 2.700 USD một tháng để hướng dẫn ca hát và tập thể dục cho người cao tuổi. Masataka Iida, giám đốc điều hành của công ty cho biết: “Ban đầu, người dùng rất hào hứng m vì sự mới mẻ của nó. Nhưng họ mất hứng thú sớm hơn dự kiến."

Ông Iida cho biết số lượng các động tác tập thể dục của Pepper là rất hạn chế và lỗi hệ thống khiến Pepper không kiểm soát được các khoảng thời gian nghỉ giữa ca tập. Sau 3 năm, cả 3 con robot đều bị tắt nguồn. Tsutsumu Ishikawa, một người từng ấn tượng với robot Pepper, cũng thể hiện sự thất vọng khi mẫu robot này không thể ghi nhớ khuôn mặt các thành viên trong gia đình anh theo như quảng cáo của SoftBank.

Pepper thực hiện động tác hướng dẫn cho người cao tuổi tại các viện dưỡng lão. Ảnh: Reuters.

Trên các trang web chợ trời, những mẫu robot Peppers cũ được bán với giá vài trăm USD và được dùng làm đồ chơi cho trẻ em hoặc trang trí nhà cửa. Theo các chuyên gia, độ hiệu quả của Pepper không hơn gì so với các trợ lý ảo trên điện thoại thông minh. Tuy vậy, ngoại hình giống con người của Pepper khiến công chúng kỳ vọng quá nhiều vào mẫu robot này.

Pepper cũng có khả năng xuất hiện tại Thế vận hội Olympic khai mạc vào cuối tháng này ở Tokyo. Trước đó, SoftBank đã cử 100 hoạt náo viên Pepper đến sân nhà của đội bóng chày chuyên nghiệp SoftBank Hawks Ở Fukuoka, miền nam Nhật Bản. Do đại dịch, khán giá không thể đến sân để cổ vũ các cầu thủ. Vì vậy, các robot Pepper có vai trò hoạt náo và nâng cao tinh thần cầu thủ đội nhà.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người cảm thấy Pepper không thể đảm nhận vai trò truyền cảm hứng như hoạt náo viên mà cổ vũ một cách không cảm xúc như một cuộc duyệt binh tại Triều Tiên.

Thiên Hải

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/robot-ban-hang-cua-softbank-bi-sa-thai-vi-loi-ky-thuat-post1238996.html