Robot “quản gia” bất cứ người già nào cũng muốn có

Khi có sự cố, một thiết bị điện tử gắn trên cơ thể của người già sẽ truyền tín hiệu trực tiếp đến robot. Ngay lập tức, robot sẽ phát cảnh báo và gọi điện cho người thân để xử lý.

Nguyễn Trung Hướng điều khiển robot dưới ánh mắt tò mò của các sinh viên ĐH sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Ảnh: Hà Thế An.

Robot này do một nhóm sinh viên trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM thực hiện.

Nguyễn Trung Hướng, sinh viên năm 4 ngành Cơ – điện tử cho hay, với những người già đặc biệt là những người gặp vấn đề về sức khỏe thì khả năng trượt ngã trong quá trình di chuyển là rất lớn.

“Điều này càng trở nên nguy hiểm hơn khi người già sống một mình, không có sự quan tâm chăm sóc từ người thân”- Hướng chia sẻ.

Khi người già bị trượt ngã, thiết bị gắn trên người sẽ truyền tín hiệu về robot, ngay lập tức robot sẽ phát ra tiếng động cảnh báo, đồng thời gọi điện cho người thân. Người thân sẽ sử dụng một thiết bị điều khiển để quan sát tình hình thông qua camera gắn trên robot, nhờ đó có thể biết tình trạng cũng như vị trí gặp tai nạn và đưa ra cách xử lý thích hợp.

Robot có 3 phần chính: đầu, thân và đế robot. Phần thân được thiết kế nhỏ gọn bên trong là các mạch điều khiển, bình ắc quy, động cơ điện…

Phần đế gồm 2 bánh xe điều hướng và một bánh tự lượn giúp robot di chuyển linh hoạt hơn trong mọi không gian.

Màn hình cảm ứng ở phần đầu robot hiển thị và tương tác người dùng với 2 trục quay ở cổ, giúp robot dễ dàng điều chỉnh khi giao tiếp với chủ nhân ở các vị trí và chiều cao khác nhau. Tốc độ di chuyển tối đa của robot là 0.9 km/h.

Chia sẻ về khó khăn trong quá trình thiết kế robot, Lương Thành Đạt, thành viên nhóm cho biết, nhóm đã mất rất nhiều thời gian nhằm tìm ra loại vật liệu phù hợp để làm vỏ cũng như tạo hình phần khung robot.

Với sự hướng dẫn của thầy Nguyễn Trường Thịnh, giảng viên ngành Cơ – điện tử, nhóm đã quyết định dùng nhôm để làm đế, còn phần thân robot sử dụng vật liệu Composite.

"Đây là những vật liệu có đặc tính nhẹ, bền, giảm được trọng lượng tối đa cho robot di chuyển" - Đạt cho hay.

Theo tiết lộ của bạn Lê Tấn Đức, thành viên nhóm, trong thời gian tới nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu một số thuật toán, phần cứng để robot có thể di chuyển linh hoạt như có khả năng leo lên cầu thang, bậc, thềm nhà… Và nếu có điều kiện, nhóm hy vọng sẽ nghiên cứu lâu dài để đưa ra một robot tối ưu hơn phục vụ trong gia đình.

Hà Thế An

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/robot-quan-gia-bat-cu-nguoi-gia-nao-cung-muon-co-c7a552160.html