Robot trị thoái hóa khớp gối: Đi lại được sau mổ chỉ 2 tiếng

Từ ngày 1/3, BV Bạch Mai (Hà Nội) triển khai hệ thống robot để phẫu thuật khớp và thần kinh. Đây được xem là phương pháp hiện đại nhất và rất hiệu quả trong điều trị các căn bệnh này.

Cách đây 2 năm, bà Lại Thị M., 50 tuổi, ở Hà Nội, từng thay khớp gối toàn phần tại khoa Chấn thương chỉnh hình và cột sống, BV Bạch Mai nhưng vẫn khó chịu khi đi lại. Lần này, bệnh nhân đã phẫu thuật thoái hóa khớp gối bằng hệ thống robot.

“Chỉ 2 tiếng sau khi mổ, tôi đã có thể tự đi lại được, cân bằng rất nhanh. Trước đây khó chịu 10 phần thì giờ chỉ 2 phần thôi”, bệnh nhân M. chia sẻ.

Các bác sĩ BV Bạch Mai thực hiện thay khớp gối cho bệnh nhân Lại Thị M. bằng robot

TS.BS Hoàng Gia Du, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình và cột sống, BV Bạch Mai, cho biết, bệnh nhân từng được phẫu thuật nhưng thời điểm đó phương pháp truyền thống chưa giải quyết dứt điểm bệnh tình. Hiện bệnh nhân được sử dụng hệ thống phẫu thuật robot hiện đại nên kết quả khả quan hơn.

Cũng theo TS Hoàng Gia Du, hệ thống phẫu thuật robot giúp các bác sĩ tiến hành phẫu thuật với sự xâm lấn tối thiểu và độ chính xác cao, hiệu quả, an toàn vượt trội, giúp bệnh nhân ít mất máu, ít đau, giảm nguy cơ tai biến và mau hồi phục.

TS Đào Xuân Thành, Phó trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình và cột sống, BV Bạch Mai, cho biết, điểm nổi bật nhất của hệ thống phẫu thuật robot là độ chính xác rất cao trong vị trí phẫu thuật, không gây tổn thương phần mềm xung quanh. Với đường mổ nhỏ, không cần đặt dẫn lưu nên bệnh nhân ít đau, ít mất máu, quan trọng hơn là khả năng phục hồi nhanh. Những trường hợp mắc bệnh được chỉ định áp dụng phẫu thuật thay khớp gối bán phần bằng robot gồm: Thoái hóa khớp gối tiên phát, khớp tổn thương phần sụn không thể hồi phuc, tổn thương một phần khớp gối. Hiện kỹ thuật mới này đang được BV Bạch Mai xem xét đề xuất bảo hiểm y tế thanh toán chi phí thực hiện.

Nữ dễ tổn thương khớp gối hơn nam

Từ tuổi ngoài 30, lượng xương của phụ nữ đã dần bị thoái hóa (mỗi năm giảm 0,25 - 1%). Đến thời điểm trước và sau khi mãn kinh, lượng estrogen giảm mạnh, nên tốc độ thoái hóa xương khá nhanh, mỗi năm giảm 1-5% với biểu hiện chủ yếu là xốp xương.

Thêm vào đó, quá trình lão hóa đã làm giảm công năng của tế bào xương, sự hấp thụ canxi và sự tổng hợp các vitamin kém đi, ảnh hưởng xấu đến cấu trúc của xương, sụn mỏng đi, mất tính đàn hồi… gây ra các triệu chứng đau nhức, khớp xương ở tay chân hay bị tê mỏi, sưng tấy...

Ngoài ra, phụ nữ dễ bị tổn thương khớp gối hơn nam giới do dây chằng trước của khớp gối yếu hơn, thêm nữa do đặc thù làm việc nhà, phụ nữ thường ngồi xổm, ngồi xuống đứng lên nhiều lần trong ngày, khi sụn yếu, với áp lực như vậy sẽ dễ bị tổn thương. Nếu không chữa trị kịp thời, các triệu chứng này sẽ dần phát triển thành bệnh thoái hóa xương khớp gối.

TS Đào Xuân Thành cho biết thêm, bệnh xương khớp còn liên quan chặt chẽ đến yếu tố thừa cân, các dị tật của trục khớp gối và các di chứng của bệnh lý tại khớp như viêm, chấn thương.

L.Hà

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/khoe/robot-tri-thoai-hoa-khop-goi-di-lai-duoc-sau-mo-chi-2-tieng-post23947.html