Rogozin nhạo tàu thăm dò Sao Hỏa Mỹ

Nga buộc phải ngồi nhìn cuộc chiến giành không gian vũ trụ giữa Mỹ và Trung Quốc

Lời giới thiệu: Như các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin, ngày 19/2/2021, thiết bị (tàu) thăm dò Sao Hỏa “Perseverance” Mỹ đã đổ bộ thành công xuống Hành Tinh Đỏ.

Nhân sự kiện này, xin giới thiệu cùng bạn đọc bài phỏng vấn chuyên gia- “người trong cuộc” với tiêu đề và phụ đề trên của phóng viên Tở “Svobodnaia Pressa” Maria Bezchastnaia về vị trí “cao thấp” trong lĩnh vực vũ trụ của ba cường quốc Mỹ- Trung Quốc- Nga. Bài đăng trên bao này ngày 20/2/2021.

Trên ảnh: Thiết bị vũ trụ (tàu thăm dò Sao Hỏa) Mỹ Perseverance đổ bộ xuống Sao Hỏa (Ảnh: Zuma/TASS)

Trên ảnh: Thiết bị vũ trụ (tàu thăm dò Sao Hỏa) Mỹ Perseverance đổ bộ xuống Sao Hỏa (Ảnh: Zuma/TASS)

I. Phần giới thiệu của Maria Bezchastnaia

Dmitry Rogozin, Tổng giám đốc “Roscosmos” (Tập đoàn Vũ trụ Nhà nước Nga) đã phản ứng trước sự kiện tàu vũ trụ “Perseverance” của Mỹ đổ bộ thành công xuống Sao Hỏa bằng các post lên trang mạng xã hội của mình hai bức ảnh đại diện.

Đầu tiên là bức ảnh chụp chính Rogozin ngồi cạnh ô cửa sổ tàu vũ trụ với dòng chú thích phía dưới: "Cái đầu tiên mà người Mỹ nhìn thấy trên Sao Hỏa", và trong bức tranh thứ hai – một người ngoài hành tinh mang tấm áp phích "Yankee, hãy cút về nhà".

Sau đó, người đứng đầu Tập đoàn nhà nước đã xóa các bài đăng, tuy nhiên, bức ảnh đầu tiên vẫn có thể được tìm thấy trong “Telegram” của ông.

Phản ứng như vậy của Dmitry Rogozin trước những thành tựu tiếp theo của người Mỹ trên vũ trụ, nói một cách nhẹ nhàng nhất, là thật lạ lùng, đặc biệt là nếu tính tới bối cảnh chính bản thân ông với tư cách người đứng đầu “Roscosmos” chưa có thành tích gì nổi trội.

Ngày 20/2, chỉ đúng một ngày sau khi “Perseverance” Mỹ hạ cánh xuống Sao Hỏa, nhà lãnh đạo “Roscosmos” này đã đến gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin để liệt kê những thành công của chính ông.

Trong đó có việc đã hoàn thành 100% đơn đặt hàng quốc phòng và kế hoạch phóng tàu đổ bộ “Luna-25” (“Mặt Trăng-25”) lần đầu tiên sau 45 năm vào tháng 10 tới.

Tiếp theo sau “Luna-25”, theo Rogozin, Nga sẽ tăng cường nghiên cứu vệ tinh của Trái đất (tức Mặt Trăng) bằng các thiết bị, và sau nữa- một chương trình Mặt Trăng có người lái.

Nếu so với các thước đo hiện tại, thì những kế hoạch như vậy còn tệ hơn cả mức “khiêm tốn”. Lấy ví dụ, Trung Quốc đã cho thiết bị vũ trụ “Hằng Nga-4” hạ cánh xuống phần phía sau Mặt Trăng vào năm 2019.

Vào cuối năm ngoái, một tàu thăm dò của Trung Quốc lần đầu tiên sau 44 năm đã đưa được đá và bụi từ Vệ tinh (Mặt Trăng) về Trái Đất. Còn nước Mỹ cùng các dự án vũ trụ nhà nước và tư nhân của mình - thì đã không có gì để bàn nữa.

II. Phần phỏng vấn

Giám đốc khoa học Viện Chính sách Vũ trụ Nga Ivan Moiseev

Ivan Moiseev cho rằng hiện nay không một quốc gia nào trên thế giới có cơ hội đuổi kịp Hoa Kỳ trong lĩnh vực vũ trụ. Nhưng nếu như Trung Quốc đang từng bước thu hẹp dần khoảng cách với người Mỹ, thì Nga lại đang tụt hậu ngày càng xa.

— Để bắt đầu, tôi muốn nói ngay rằng bức tranh "Yankee, Go Home" (của D.Rogozin như đã nói ở trên) , tuy có thể hơi gây cười thật đấy, nhưng nó đã xuất hiện lần đầu tiên cách đây hơn 15 năm rồi, khi thiết bị “Spirit” của Mỹ hạ cánh xuống Sao Hỏa.

Bây giờ mà lặp lại một trò đùa ai cũng biết như vậy thì có phần kỳ quặc. Dù sao thì đó cũng là việc mà những nhà lãnh đạo ở những vị trí như vậy không nên làm, đặc biệt là nếu như họ còn muốn hợp tác với nhau.

Còn về những gì liên quan đến vị trí của từng nước trong ngành công nghiệp vũ trụ toàn cầu hiện nay, thì nó khá đơn giản và rõ ràng, đã và đang được khẳng định qua tất cả các biểu đồ và bảng thống kê, bằng số lượng và hiệu quả của các lần phóng, độ phức tạp và tinh vi của thiết bị, chất lượng, độ tin cậy, v.v...

Nếu chúng ta tạm để sang một bên phần lý thuyết dài dòng, thì thực tế là như thế này- đứng ở vị trị hàng đầu là Mỹ, vì người Mỹ đã làm được trong không gian vũ trụ nhiều hơn tất cả những gì mà tất cả các quốc gia còn lại khác làm được.

Châu Âu và Trung Quốc đang tranh giành nhau vị trí thứ hai, Trung Quốc có vẻ như đang dẫn trước. Châu Âu phát triển chương trình vũ trụ của mình một cách ổn định, tuy phóng (thiết bị vũ trụ) không nhiều, nhưng đấy là những thiết bị có tải trọng lớn và chất lượng rất cao.

Còn Nga- đang cách xa tốp ba nói trên, hơn nữa- đang “phát triển” theo chiều ngược lại- ngày càng xa.

Nếu tất cả những quốc gia trên, và hầu hết các nước còn lại của thế giới, kể cả những nước Châu Phi, đang tăng mạnh những nỗ lực của họ trong lĩnh vực vũ trụ, thì Nga lại đang giảm mạnh những nỗ lực đó.

Năm ngoái, chúng ta đã lập một “phản kỷ lục” về số lần phóng. Chúng ta chỉ phóng được đúng số lần mà Liên Xô đã thực hiện từ thời Gagarin cách đây hơn nửa thế kỷ. Rất đáng buồn, nhưng thực tế là như vậy đấy.

"SP": - Ngày hôm nay Dmitry Rogozin đã gặp Vladimir Putin và nói về những thành công cùng kế hoạch của "Roscosmos", chẳng hạn như về chương trình Mặt Trăng. Không nhẽ mọi việc của chúng ta (Nga) lại tệ đến thế?

— Chúng ta có hai cách tiếp cận - trên lý thuyết và căn cứ vào các văn bản- tài liệu. Theo các tài liệu, thì lần đầu tiên sau gần nửa thế kỷ, chúng ta sẽ phải phóng một trạm lên Mặt trăng.

Chương trình này bắt đầu được triển khai từ năm 2006, và sau nhiều lần trì hoãn, dự kiến sẽ được thực hiện trong năm nay. Nhưng trạm này sẽ chỉ càng cho thấy rõ ràng hơn sự tụt hậu quá xa của chúng ta so với Trung Quốc, vì Bắc Kinh đã làm được tất cả những chuyện này từ lâu.

Ngoài ra, Trung Quốc đã phóng một tàu thám hiểm lên mặt tối của Mặt Trăng, lấy đất đá từ đó, có nghĩa là Trung Quốc đã làm được những gì mà chúng ta lên kế hoạch thực hiện đến trước năm 2030.

Trong các văn bản, chúng ta chỉ có duy nhất trạm Mặt Trăng này, và đến thế là hết. Còn lại- mọi những đầu việc khác được "Roskosmos" liệt kê- đó là những gì thường được gọi là khả thi về mặt lý thuyết, nhưng không có tiền, cũng như không có kế hoạch để làm những việc đó.

Không có tiền cho một chuyến bay có người lái lên Mặt trăng, không có tiền để lên lấy đất đá từ Sao Kim- một ý tưởng mà về nguyên tắc rõ ràng là không thể, hoặc cũng không có tiền cho các chuyến bay lên Sao Hỏa.

Nhưng chính sách của “Roscosmos” chỉ gói gọn trong việc kể lể những gì có thể (làm) về mặt lý thuyết. Nếu nói về mặt lý thuyết, chúng ta có thể đưa con người lên Sao Hỏa, đặt một thứ gì đó lên sao Mộc và bay tới cả Sao Diêm Vương.

Nhưng trên thực tế, đó là những chuyện không thể thực hiện được, vì không có tiền và không có các kế hoạch tương ứng. Trong khi đó, ban lãnh đạo của “Roscosmos” lại quên hẳn đi những vấn đề đang ngày càng tích tụ trong ngành vũ trụ của chúng ta như một quả cầu tuyết có thể đổ sụp bất cứ lúc nào.

"SP": - Đó là những vấn đề gì vậy?

— Trước hết, đó là chất lượng giảm. Chỉ mới gần đây, đã không thể lắp ghép tàu “Tiến Bộ” với Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) ở chế độ tự động. Mới nhìn thì có vẻ như không có vấn đề gì, nhưng thiết bị dù sao cũng đã thực hiện tới khoảng 170 chuyến bay.

Và sau một số lượng lần bay như vậy, việc không thể lắp ghép được ở chế độ tự động là không thể chấp nhận được, nhất là trong một trăm chuyến bay đầu tiên đã không hề xảy ra một trục trặc nhỏ nào.

Nhưng thực tế bây giờ - tên lửa phóng thì rơi, việc lắp ghép tự động không thực hiện được, và các vết rạn xuất hiện khắp nơi.

Chính vì thế nên trong khi ai đó có quyền tự hào khoe về việc cho tàu của mình hạ cánh xuống Sao Hỏa, chúng ta (Nga) lại chỉ có có thể tự hào về những vết nứt trong phần khoang ISS của chúng ta.

"SP": - Hợp tác với Trung Quốc có thể giúp thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp vũ trụ của chúng ta không, lấy ví dụ, gần đây có thông tin là Matxcova và Bắc Kinh đang có kế hoạch ký một bản ghi nhớ về một trạm Mặt Trăng chung ...

— Bản ghi nhớ mà hai bên sắp ký chỉ là một thỏa thuận về các dự định. Trong bối cảnh (Trung Quốc hợp tác) với các quốc gia khác, chuyện này thực sự không gây ấn tượng lắm.

Lấy ví dụ, Ucraine có chương trình hợp tác 5 năm với Trung Quốc trong lĩnh vực vũ trụ, tôi muốn nhấn mạnh đó là kế hoạch làm việc chung trong 5 năm, chứ không đơn thuần chỉ là một bản ghi nhớ.

Không giúp được gì đâu, chúng ta đã có một số hình thức hợp tác nào đó với Trung Quốc trong ngành công nghiệp vũ trụ, nhưng chúng ta cũng hợp tác cả với Brazil và một số quốc gia khác.

SP: - Điều gì có thể sẽ giúp ích cho sự phát triển của ngành công nghiệp vũ trụ Nga? Bây giờ nhiều người nói về sáng kiến tư nhân và lấy Elon Musk làm tấm gương, liệu một cái gì đó tương tự có khả thi ở nước ta không?

— Musk đúng là đã chứng minh được trên thực tế là có thể đạt được những gì trong lĩnh vực không gian vũ trụ nếu thực sự muốn. Cách đây không lâu, chúng ta là quốc gia dẫn đầu trong việc đưa các tải trọng hữu ích (hàng) lên vũ trụ, và bây giờ chúng ta đã không còn đưa hàng lên nữa, bởi vì mọi người đều tìm đến Musk.

Còn về việc liệu chúng ta có cần một sáng kiến tư nhân hay không ... Kể từ năm 2015, chúng ta đã không còn ngành vũ trụ nhà nước nữa (Cơ quan Vũ trụ Quóc gia Nga bị giải thể ngày 1/1/2016-ND).

“Roscosmos” là một tập đoàn nhà nước. Tất nhiên, trong các văn kiện của nó thì có rất nhiều chữ, nhưng đây là doanh nghiệp tư nhân, mà đúng theo luật thì doanh nghiệp chỉ quan tâm đến việc tạo ra lợi nhuận. Tính từ "nhà nước" (trong cụm từ tập đoàn nhà nước) trong trường hợp này chẳng có ý nghĩa gì cả.

Nhưng tuy là một doanh nghiệp tư nhân, tập đoàn nhà nước này lại không cho phép bất kỳ ai thâm nhập vào thị trường của mình. Tại sao nó lại cần đối thủ cạnh tranh? Nếu như các vị muốn khám phá vũ trụ, các vị phải đến gặp“Roscosmos” và xin giấy phép. Nhưng các vị sẽ không bao giờ được cấp một giấy phép nào như vậy, và thế là xong.

Nói cho đúng, “Roscosmos” không có lợi nhuận. Như bất kỳ doanh nghiệp nào khác, lẽ nó phải tự nuôi được mình, nếu không sẽ bị phá sản. Nhưng các tổng công ty nhà nước của chúng ta đang ở cái vị thế được cấp vốn từ ngân sách. Thành thử, chúng có thể làm bất kỳ điều ngu ngốc nào, nhưng ngân sách sẽ tài trợ cho chúng, và vì thế nên chúng tồn tại.

Các khoản thu của "Roscosmos" không những không tăng mà còn giảm mạnh trong những năm gần đây. Chúng ta đã từng nhận tiền mua ghế trên “Soyuz” từ người Mỹ - giờ thì sẽ không còn khoản tiền này nữa.

Chúng ta đã từng nhận tiền để chở hàng lên vũ trụ - giờ khoản này cũng sẽ hết. Chúng ta đã từng bán động cơ cho người Mỹ, nhưng chuyện này cũng đã kết thúc, chỉ còn lại một lô các động cơ cỡ nhỏ, hoàn toàn không còn được như trước đây.

Trong khi đó, trong cả bộ máy chính phủ, trong văn phòng tổng thống, thậm chí ngay cả trong quốc hội cũng không có một cơ quan hoặc nhóm nào, phòng nào, ban nào, hay chí ít là một người nào được phân công chịu trách nhiệm về các hoạt động trên vũ trụ của đất nước.

Chính vì thế, nên “Roscosmos” mới hoàn toàn tự tung tự tác. Nó tự lập các kế hoạch cho mình, chạy thẳng lên “trên” để duyệt, bởi vì không một ai có thể kiểm soát được nó, và nó thường xuyên làm hỏng chính những kế hoạch đó.

"SP": - Tại sao lại đến nông nổi này?

— Khi Cơ quan Vũ trụ bị giải thể (như đã nói ở trên-ND), cơ chế quản lý nhà nước cũng ra đi cùng với nó. Tất nhiên, cơ chế này còn xa mới tới mức hoàn thiện, cần phải cải cách và giải quyết nhiều vấn đề, nhưng có vẻ như “cấp trên” đã quá chán ngán rồi, giải thể cơ quan này luôn, và từ bây giờ thì không cần phải cải cách cái gì nữa.

Chúng ta có Phó Thủ tướng Yuri Borisov, một người có năng lực, rất am hiểu lĩnh vực này. Nhưng ông ấy là phó thủ tướng phụ trách cả lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, cả vũ trụ và nhiều thứ khác nữa. Vì vậy, đơn giản là ông ấy không có điều kiện để quan tâm đến lĩnh vực vũ trụ.

Nếu không có một cuộc cải cách nghiêm túc trong ngành công nghiệp vũ trụ, khoảng cách tụt hậu của chúng ta so với các cường quốc vũ trụ khác sẽ chỉ ngày càng rộng ra.

Nhưng cuộc cải cách như vậy chưa được lên kế hoạch vào lúc này, và cho dù chúng ta có tiến hành nó, cũng sẽ phải mất ít nhất 10 năm mới có thể thấy được kết quả. Hiện giờ thì mọi thứ đều lao thẳng xuống dốc.

Trước tiên, cần phải chặn đứng được chuyển động đi xuống này, và chỉ sau đó mới có thể vươn lên được. Mặc dù xét về mặt khách quan, chúng ta có tất cả những khả năng cần thiết để làm việc này – cả nguồn lực, cả kinh nghiệm và cả chuyên gia. Nhưng tất cả phụ thuộc vào năng lực tổ chức lao động.

"SP": - Liệu Trung Quốc có cơ hội vượt qua Mỹ trong lĩnh vực vũ trụ, giả dụ , với sự giúp đỡ của chúng ta chẳng hạn?

— Trung Quốc đang rất tích cực mời chào hợp tác, nhưng với những điều kiện của họ, và theo những điều kiện này thì - Trung Quốc là chính, các đối tác khác chỉ là người giúp việc cho họ. Trung Quốc hoàn toàn tự cung tự cấp, Bắc Kinh không cần hợp tác hay nguồn tài chính từ nước ngoài.

Tất nhiên, Trung Quốc sẽ không từ chối nguồn tài chính từ nước ngoài, nhưng họ đang gặp khó khăn với việc này vì các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, Trung Quốc có thể xử lý được (những khó khăn trên).

Nhưng còn về những gì liên quan đến việc Trung Quốc có thể chiếm ưu thế trước Mỹ (trong lĩnh vực vũ trụ) không, thì hiện giờ đây là điều không thể. Về mặt lý thuyết thì sau 50 năm nữa, Trung Quốc có thể đuổi kịp người Mỹ trong ngành công nghiệp vũ trụ.

Nhưng vũ trụ- đó là kiến trúc thượng tầng xây dựng rên toàn bộ nền kinh tế và những tiến bộ khoa học- kỹ thuật. Để đua được với Mỹ trên vũ trụ, chỉ một nền kinh tế phát triển và dân số khổng lồ của Trung Quốc thôi là chưa đủ. Cần phải nâng cao trình độ công nghệ. Năng suất lao động của họ vẫn thua xa người Mỹ.

Giới lãnh đạo Trung Quốc cho đến giờ vẫn chưa chính thức đặt cho mình nhiệm vụ phải vượt Mỹ trong vũ trụ , vâng, và họ cũng không có những khả năng nào như vậy.

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (dịch)

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/khoa-hoc/cong-nghe/rogozin-nhao-tau-tham-do-sao-hoa-my-3427941/