Rời bàn giấy, kỹ sư 9X về quê lập hợp tác xã trồng lan

Tốt nghiệp Đại học Nông lâm TP.Hồ Chí Minh, từng làm việc tại Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhưng cuối cùng kỹ sư 9x Trần Minh Hiếu lại 'bén duyên' với nghề nông và đang thực hiện khát vọng làm giàu từ trồng hoa lan.

Thất bại không nản

Năm 2013, sau khi tốt nghiệp Đại học Nông lâm TP.HCM, kỹ sư trẻ Trần Minh Hiếu về công tác tại Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nhưng vì nhiều lý do, trong đó có điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, Hiếu đã bỏ việc ra ngoài làm… Trong thời gian đó, Hiếu vẫn mày mò, chăm bẵm những chậu hoa lan tại gia đình. Và một ngày, chàng kỹ sư trẻ chợt nghĩ, tại sao không phát triển kinh tế gia đình từ việc nhân trồng hoa lan, bởi đây là một trong những sản phẩm có nhu cầu cao trên thị trường.

Hiếu đã bắt tay ngay vào công việc mở rộng mô hình trồng hoa lan tại quê nhà (ấp An Lạc, xã An Nhứt, huyện Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu), tập trung vào dòng lan Denrobium thuần chủng. Để có vốn, Trần Minh Hiếu đã liên hệ và đề xuất với Hội Nông dân địa phương và được vay 20 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Anh còn mượn thêm 80 triệu đồng từ cha mẹ, bạn bè, người thân để đầu tư trồng lan.

Trần Minh Hiếu chăm sóc vườn lan. ảnh: HỮU THUẬN

Trần Minh Hiếu cho biết: “Thời điểm làm thử nghiệm, tôi gặp không ít khó khăn, thậm chí thua lỗ nặng do chưa tìm hiểu sâu về kỹ thuật chọn giống, cách chăm sóc hoa lan. Có năm nhiều chậu lan trong vườn bị bệnh chết khi chưa kịp ra hoa, lỗ hơn 50 triệu đồng. Chán nản, tôi ngừng trồng, phải đi làm tiếp thị sơn nước và máy nước nóng. Nhưng nhiều đêm nghĩ lại, tôi vẫn muốn trồng lan, bởi đó là đam mê. Vì vậy, đi làm tích cóp vốn được chút tiền tôi lại để dành, vừa đi học kỹ thuật trồng lan, vừa mở rộng quan hệ tìm kiếm thị trường. Cũng từ đó, tôi dần khôi phục vườn lan”.

Qua thời gian khảo sát thị trường, Hiếu đã chuyển sang làm mô hình gia công chăm sóc vườn lan, nhận chăm sóc những cây lan không bán được từ các cửa hàng. Sau 1 năm chăm sóc, anh Hiếu giao lại cho khách hàng với thỏa thuận ăn chia 6/4 (nghĩa là anh trả cho chủ 6 cây, giữ lại 4 cây để chăm và kinh doanh tiếp). Trong quá trình gia công chăm sóc hoa lan, anh Hiếu còn có thu nhập từ việc cắt cành hoa bán cho các cửa hàng. Hiếu cũng nhận kết những chậu hoa lan lớn đẹp mắt bán trong những dịp lễ, tết.

“Có công mài sắt, có ngày nên kim”

Qua thời gian khảo sát thị trường, Hiếu đã chuyển sang làm mô hình gia công chăm sóc vườn lan, nhận chăm sóc những cây lan không bán được từ các cửa hàng. Sau 1 năm chăm sóc, anh Hiếu giao lại cho khách hàng với thỏa thuận ăn chia 6/4 (nghĩa là anh trả cho chủ 6 cây, giữ lại 4 cây để kinh doanh tiếp)

Hiện, Trần Minh Hiếu đang trồng 70.000 chậu hoa lan thuần chủng Denrobium, phân phối khắp thị trường phía Nam. Từ trồng hoa lan, mỗi năm Hiếu có thu nhập khoảng 250-300 triệu đồng. Anh cũng vừa thuê 3ha đất mở rộng vườn lan thành trang trại tổng hợp, trồng các loại hoa, cây ăn quả bên cạnh hoa lan. Với mô hình trồng hoa phong lan, Hiếu đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho một số người dân địa phương, đặc biệt là các hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Ngoài 3 lao động làm việc cố định tại vườn lan với mức lương 4,5-5 triệu đồng/người/tháng, anh Hiếu nhận thêm 20-30 người làm việc thời vụ với thu nhập 250.000 đồng/người/ngày. Tháng 9.2017, Trần Minh Hiếu đã thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao xã An Nhứt do anh làm giám đốc, với 9 thành viên…

Trần Minh Hiếu còn là một trong những mạnh thường quân luôn nhiệt tình, sát cánh cùng địa phương trong việc chăm lo cho những người nghèo và trẻ em, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đây là việc làm có ý nghĩa góp phần cùng xã An Nhứt duy trì, nâng cao và giữ vững 19 tiêu chí nông thôn mới.

Hữu Thuận

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/roi-ban-giay-ky-su-9x-ve-que-lap-hop-tac-xa-trong-lan-869144.html