Rối loạn tiêu hóa - Những lưu ý và các biện pháp phòng ngừa

Rối loạn tiêu hóa là bệnh lý mà bất cứ lứa tuổi nào cũng có nguy cơ mắc phải.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), rối loạn tiêu hóa là nguyên nhân chính (chiếm đến 30%) gây nên tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em trên toàn thế giới. Ở người lớn, rối loạn tiêu hóa làm ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Những dạng biểu hiện rối loạn tiêu hóa thường gặp nhất như đau bụng, ợ chua, trớ đồ ăn, tiêu chảy, táo bón…

Để hiểu thêm về bệnh này vào lúc 14 giờ ngày 6.6, Thanh Niên Online kết hợp với Công ty Ipsen Pharma (Pháp) tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến với chủ đề: “Rối loạn tiêu hóa ở người lớn và trẻ em - Những lưu ý và các biện pháp phòng ngừa”.

Khách mời tham gia buổi tư vấn:

- Tiến sĩ, bác sĩ Quách Trọng Đức, Tổng thư ký Hội Khoa học tiêu hóa TP.HCM, Giảng viên Phân môn Tiêu hóa - Bộ Môn Nội - Đại học Y Dược TP.HCM.

- Bác sĩ Hoàng Lê Phúc - Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Ngay từ bây giờ, bạn đọc có thể tham gia gửi câu hỏi về cho chương trình theo hướng dẫn bên cạnh.

Đại diện Thanh Niên Online (trái) tặng hoa cho các khách mời

Thanh Niên Online
Ảnh: Thanh Hải

giao lưu trực tuyến

Lê Trung Gò Vấp

Tôi 70 tuổi, bị táo bón mãn tính đã hơn chục năm nay. Tôi rất mệt mỏi vì chứng bệnh này. Còn uống thuốc nhuận tràng thì còn đi tiêu được, hết uống thì khỏi đi luôn. Nhà thuốc bán cho con tôi 1 lọ Nutricleanse nói là trị táo bón. Tôi tuổi đã cao nên ngại uống vào có sao không và có hiệu quả cho căn bệnh của tôi không?

Tiến sĩ bác sĩ Quách Trọng Đức, Tổng thư ký Hội Khoa học tiêu hóa TP.HCM, Giảng viên Phân môn Tiêu hóa

Nhiều trường hợp táo bón mạn tính không cải thiện ngay cả sau khi người bệnh đã áp dụng chế độ ăn nhiều chất xơ và uống nhiều nước. Trong các trường hợp này việc sử dụng các thuốc nhuận trường là cần thiết. Tuy nhiên cần lưu ý một số thuốc có thể sử dụng lâu dài mà không tác động có hại trên ống tiêu hóa trong khi có một số thuốc nhuận trường khác có thể gây ra tình trạng lệ thuộc thuốc và làm cho tình trạng táo bón trầm trọng hơn khi ngưng các thuốc này. Các nhóm thuốc nhuận trường thông dụng có thể sử dụng trong trường hợp này là Macrogol, Lactulose ...

Thanh Phương 146/7 Vinh Vien, Q10

Trong tủ thuốc gia đình nhà tôi có Smecta để sử dụng cho các thành viên khi bị tiêu chảy. Việc sử dụng này về lâu dài có được không? Xin được hỏi ý kiến của BS?

Tiến sĩ bác sĩ Quách Trọng Đức, Tổng thư ký Hội Khoa học tiêu hóa TP.HCM, Giảng viên Phân môn Tiêu hóa

Smecta thật sự là một thuốc hiệu quả, có độ an toàn cao và có thể sử dụng rộng rãi cho nhiều đối tượng bệnh nhân kể cả người lớn tuổi, trẻ và phụ nữ có thai. Liều điều trị thông thường là một gói/ngày cho trẻ nhỏ 1 tuổi; 1-2 gói/ngày cho trẻ 1-2 tuổi; 2-3 gói/ngày cho trẻ lớn hơn 2 tuổi và ở người lớn là 3 gói/ngày.

Kinh nghiệm thực tế cho thấy vấn đề thường gặp nhất khi điều trị là bệnh nhân có khả năng bị bón nếu vẫn tiếp tục giữ nguyên liều như cũ khi nguyên nhân tiêu chảy đã được giải quyết. Do đó, nên cân nhắc giảm liều hoặc ngưng thuốc khi số lần đi tiêu còn 1-2 lần/ngày.

Như Quỳnh

Bé nhà tôi gần 3 tuổi, bé ăn có vẻ không ngon miệng (nhai rất lâu hoặc ngậm, từ chối các thức ăn mới) thỉnh thoảng bé bị nôn ói, đi phân hơi lỏng và có mùi hôi tanh, bé cân nặng 13,5 kg, có phải bé bị suy dinh dưỡng? Theo bác sĩ có phương pháp nào cải thiện các tình trạng trên?

Bác sĩ Hoàng Lê Phúc

Với cân nặng hiện tại thì bé không bị suy dinh dưỡng. Tuy nhiên, nếu bé bị sụt cân hoặc không tăng cân trong vòng 2 tháng gần đây thì bạn cần phải lo ngại về tình trạng dinh dưỡng của bé. Nếu ngoài việc ăn uống "có bất thường" như bạn kể, bé vẫn chơi, giỡn như bình thường, ngủ ngon thì không có gì đáng ngại.

Bạn cần kiên nhẫn đổi món ăn cho bé hoặc dời bữa ăn khoảng 1 giờ để bé đói hơn, tạm thời cho bé ăn những thức ăn bé thích rồi điều chỉnh phần thiếu sau (tham khảo khẩu phần ăn của bé ở trung tâm dinh dưỡng TP.HCM).

Chú ý làm vệ sinh mũi, đàm nhớt ở miệng nếu có trước bữa ăn. Không cho bé uống nước trái cây quá nhiều. Nếu tình trạng phân xấu hơn (lỏng nhiều, có máu) hoặc không bớt sau 3 ngày thì bạn nên đem bé đến bệnh viện.

Khánh Hoàng TP.HCM

Chào bác sĩ, tôi năm nay 24 tuổi, cao 1,7 mét nhưng cân nặng chỉ 49 kg, tôi muốn uống sữa để gia tăng trọng lượng của mình. Tuy nhiên, cứ sau mỗi lần uống sữa là tôi lại bị tiêu chảy khoảng 1 ngày thì khỏi. Xin bác sĩ cho biết triệu chứng như vậy có phải là rối loạn tiêu hóa không? Và làm cách nào để khắc phục tình trạng trên? Cám ơn bác sĩ.

Tiến sĩ bác sĩ Quách Trọng Đức, Tổng thư ký Hội Khoa học tiêu hóa TP.HCM, Giảng viên Phân môn Tiêu hóa

Tình trạng tiêu chảy sau khi uống sữa thường là do cơ thể thiếu men Lactose để tiêu hóa sữa. Sữa không được hấp thu sẽ kéo theo nước vào phân gây ra tình trạng tiêu chảy. Bạn có thể thử khắc phục tình trạng tiêu chảy bằng cách chia nhỏ lượng sữa uống mỗi lần hiện tại thành 2 lần trong ngày. Nhiều trường hợp như bạn có thể khắc phục hoàn toàn tình trạng tiêu chảy chỉ với biện pháp đơn giản này.

Thùy Linh Vũng Tàu

Tôi nghe nói thức ăn qua cơ thể người mẹ thì đã được lọc và nếu trẻ đang trong giai đoạn bú mẹ hoàn toàn sẽ không bị các bệnh về tiêu hóa như rối loạn tiếu hóa? Điều này có đúng không?

Bác sĩ Hoàng Lê Phúc

Thức ăn qua đường tiêu hóa (không riêng chỉ ở bà mẹ cho con bú) sẽ được tiêu hóa thành các chất cơ bản như glucose, acid amin, các acid béo để được hấp thu vào cơ thể để tạo ra dưỡng chất và năng lượng nuôi sống và kiến tạo cơ thể, trong đó có việc tạo sữa. Vì vậy, sữa mẹ là hoàn toàn khác với thức ăn của mẹ ăn vào. Ngoài các đặc điểm ưu việt về dinh dưỡng, sữa mẹ còn chứa kháng thể giúp trẻ chống lại bệnh tật, cho nên trẻ bú mẹ hoàn toàn ít bị tiêu chảy hơn các trẻ dùng sữa khác. Tuy nhiên, nếu bạn không bảo đảm vệ sinh cho trẻ (vệ sinh đầu vú, dụng cụ đựng sữa nếu như vắt sữa mẹ) hoặc để trẻ ngậm tay, ngậm đồ chơi bị nhiễm bẩn thì trẻ vẫn có thể bị tiêu chảy.

Minh Nguyên Hà Nội

Xin hỏi em bị táo bón thường xuyên, mặc dù em ăn rau xanh, đu đủ, khoai lang thường xuyên nhưng em vẫn bị táo bón, mỗi khi đau bụng đi cầu là em rất sợ vì khi nào vô đó cũng không đi được, có khi em ngồi cả tiếng đồng hồ và rặng mới tí được 1 chút, em đi phân như phân mèo vậy (nhiều cục nhỏ đóng thành cục lớn). Em cũng từng đi nội soi trực tràng nhưng BS nói không bị gì cả chỉ bị chứng táo bón. Vậy xin hỏi BS em nên đi khám ở đâu và phải uống thuốc gì để cải thiện tình hình trên, xin cảm ơn BS.

Tiến sĩ bác sĩ Quách Trọng Đức, Tổng thư ký Hội Khoa học tiêu hóa TP.HCM, Giảng viên Phân môn Tiêu hóa

Nhiều khả năng bạn mắc chứng táo bón mạn tính và có tình trạng chậm vận chuyển phân dọc khung đại tràng. Một số bệnh nhân có biểu hiện này do hậu quả của một quá trình lâu dài có thói quen nín đi đại tiện khi đã có phản xạ mắc đi tiêu. Điều này lâu dài dẫn đến cơ thể mất cảm nhận phản xạ mót đi tiêu ngay cả khi phân đã xuống rất nhiều ở vùng bóng trực tràng (đoạn đại tràng gần sát với hậu môn).

Cách tốt nhất để tập lại thói quen đi tiêu là dành một khoảng thời gian nhất định trong ngày để tập lại phản xạ này (ngồi thư giãn trong toilet khoảng 30 phút mỗi ngày, khoảng thời gian nhất định và tập trung vào việc đi tiêu). Hiệu quả tập tốt nhất nếu thực hiện sau bữa ăn và thường mất vài tháng mới có tác dụng rõ rệt. Trong thời gian tập có thể uống thêm các nhóm thuốc có tác dụng làm tăng thành phần nước trong phân và làm mềm phân như Macrogol hay Lactulose.

ngocmai thu duc, tp.hcm

Con toi 3 tuoi thuong xuyen bi oi, dau bung xung quanh ron, di kham o Nhi dong rat nhieu lan, chi cho thuoc chong oi va tang vi sinh, xet nghiem o co vi khuan Hp, toi muon noi soi xem tinh trang be the nao co duoc khong?

Bác sĩ Hoàng Lê Phúc

Ở lứa tuổi của con bạn, thường khó xác định được là bé đau bụng là thật hay giả. Một số điểm gợi ý cơn đau bụng của bé là thật (tức là cần phải tìm nguyên nhân bằng nhiều phương pháp, trong đó có nội soi) như sau: đau làm thức giấc về đêm, đau làm gián đoạn sinh hoạt của trẻ, đau kèm ói, no ngang, chướng bụng, đầy hơi, ợ hơi hoặc ảnh hưởng tới cân nặng của trẻ. Thường thì bác sĩ sẽ làm một số xét nghiệm ban đầu như: soi phân, thử nước tiểu, siêu âm bụng, xét nghiệm máu và điều trị thử một thời gian trước khi quyết định cho bé nội soi.

Tuyen TP.HCM

Thưa bác sĩ, con tôi được 1 tháng tuổi, bé đi cầu phân có nhiều nước, nhiều lúc chỉ có nước, đi khám bác sĩ cho soi phân và kết luận phân cháu có bạch cầu + và bảo bị nhiễm trùng đường ruột, vậy bác sĩ cho hỏi cách điều trị cho bé, xin cảm ơn!

Bác sĩ Hoàng Lê Phúc

Bé nên được điều trị tại bệnh viện.

Thanh Loan

Tôi được BS khám và chẩn đoán là bị viêm đại tràng. Nghe nói Smecta có thể sử dụng để điều trị chứng đau đại tràng. Vậy tôi có thể sử dụng được không? Sử dụng liều lượng như thế nào?

Tiến sĩ bác sĩ Quách Trọng Đức, Tổng thư ký Hội Khoa học tiêu hóa TP.HCM, Giảng viên Phân môn Tiêu hóa

Smecta (Diosmectite) là thuốc điều trị rất hiệu quả các tình trạng tiêu chảy cấp và mạn tính. Tuy nhiên thuốc lại không có tác động trên triệu chứng đau do bệnh lý đại tràng. Trong trường hợp viêm đại tràng có kèm biểu hiện tiêu chảy, bạn có thể sử dụng Smecta, liều trung bình là 3 gói/ngày theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Tuy nhiên trên thực tế bạn có thể tự điều chỉnh liều từ 1-3 gói/ngày sao cho số lần đi tiêu từ 1-2 lần/ngày là được.

Nguyên Thị Hồng Vân 204,A4,cc An Sương,Q.12

Con em 5 tuổi bé thường ợ chua và đau bụng, em có đến BV Nhi đồng 2 khám và xét nghiệm cho bé thì bé bị bệnh bao tử nhiễm HP, bs có cho thuốc uống nhưng bé vẫn còn ợ chua nhiều, đau bụng thì thỉnh thoảng thôi, xin bác sĩ tư vấn cho em, em có nên nội soi để trị cho bé, phương pháp nội soi cho bé phải gây mê vậy có an toàn và ảnh hưởng gì nhiều cho bé không? Bé cũng hay bị bón, nên cho bé ăn uống thế nào có kiêng cử gì không? Em xin cám ơn.

Bác sĩ Hoàng Lê Phúc

Bé nên được nội soi để tìm nguyên nhân gây bệnh (gồm nhiều nguyên nhân trong đó có HP). Gây mê để làm nội soi thường an toàn nếu làm ở những cơ sở có kinh nghiệm và trang thiết bị tốt. Một số trường hợp trẻ táo bón nặng cũng bị đau bụng, đầy hơi nên bạn cần điều trị táo bón cho bé trong khi chờ tới ngày nội soi. Điều trị táo bón mãn tính cần thời gian lâu dài (thường dùng thuốc ít nhất 6-12 tháng), kết hợp chế độ ăn với điều chỉnh hành vi của bé (tìm và khắc phục các lý do làm bé không chịu đi tiêu như sợ chỗ lạ, nhà vệ sinh dơ, ham chơi, đau khi đi tiêu do nứt hậu môn, phải ngồi học lâu).

Minh Tín Cần Thơ

Khó tiêu là rối loạn tiêu hóa thường gặp, nhất là trong thời "ăn nhanh, uống vội" hiện nay. Bác sĩ có thể chia sẻ một số giải pháp khắc phục tình trạng trên. Xin cảm ơn BS.

Tiến sĩ bác sĩ Quách Trọng Đức, Tổng thư ký Hội Khoa học tiêu hóa TP.HCM, Giảng viên Phân môn Tiêu hóa

Biểu hiện của tình trạng khó tiêu thường hay gặp nhất tại các phòng khám tiêu hóa là chứng đầy bụng sau khi ăn, hoặc là ăn nhanh no (bữa ăn ít hơn bình thường đã cảm thấy đầy bụng, một số trường hợp người bệnh còn có cảm giác hụt hơi khó thở).

Cơ chế gây khó tiêu khá phức tạp, tuy nhiên trên thực tế thường hay gặp ở các bệnh nhân trong giai đoạn bị stress tâm lý, có thói quen ăn vội và không đúng giờ giấc. Chúng ta biết là theo chu kỳ, đến thời điểm của bữa ăn là lúc hoạt động co bóp và bài tiết dịch vị của dạ dày cao nhất. Việc ăn uống không đúng giờ giấc, lệch quá nhiều so với giờ ăn thường ngày làm cho thức ăn được đưa vào ống tiêu hóa lệch với thời điểm hoạt động tối ưu của ống tiêu hóa, nếu lập lại thường xuyên sẽ dễ hình thành chứng khó tiêu.

Trong các giai đoạn stress, hoạt động của ống tiêu hóa cũng bị rối loạn góp phần làm trầm trọng thêm triệu chứng này. Do đó cách tốt nhất để phòng tránh chứng khó tiêu là có một chế độ làm việc vừa phải tránh stress và ăn uống đúng giờ.

Trong trường hợp đã bị khó tiêu một số các thuốc có thể hỗ trợ cho hoạt động tiêu hóa có thể dùng như: Domperidone (tăng cường vận động đường tiêu hóa trên), Simethicone (hấp thu bớt bọt khí trong ống tiêu hóa). Bạn cũng nên tránh uống các nước có ga.

Thu Phương Cà Mau

Tôi đọc báo thấy trong trường hợp bị tiêu chảy cấp, có thể sử dụng thuốc theo liều lượng để điều trị, trong đó có smecta, vậy tôi có thể sử dụng thuốc này như thế nào?

Bác sĩ Hoàng Lê Phúc

Theo Hiệp hội Tiêu hóa - Gan Mật - Dinh Dưỡng Nhi khoa Bắc Mỹ và châu Âu thì Diosmectite (biệt dược Smecta) có thể dùng trong những ngày đầu của tiêu chảy vì nó có thể làm giảm thời gian tiêu chảy so với nhóm không dùng Smecta khoảng 18 giờ. Tuy nhiên cần lưu ý để đạt được hiệu quả này thì cần dùng liều theo như khuyến cáo là trẻ dưới 1 tuổi (2 gói/ngày), trên 1 tuổi (4 gói/ngày) trong 3 ngày đầu. Sau đó, giảm còn nửa liều trong những ngày kế. Bạn cũng cần lưu ý cho trẻ ăn nhiều hơn để có sức mà mau lành bệnh, uống nhiều nước hơn để ngừa mất nước và cần phải đem trẻ đến bệnh viện ngay nếu trẻ không khỏe hơn sau 2 ngày, hoặc mệt đừ, tiêu phân có máu, sốt cao, thở mệt, li bì khó đánh thức, co giật.

Thanh Khôi TP.HCM

Tôi hay bị tiêu chảy vào mỗi buổi sáng sau khi ăn sáng xong. Ngày nào có uống bia tiếp khách thì bị nhiều hơn. Tôi uống gói Smecta vào sáng sớm thấy rất đỡ. Xin hỏi bệnh của tôi có điều trị được không?

Tiến sĩ bác sĩ Quách Trọng Đức, Tổng thư ký Hội Khoa học tiêu hóa TP.HCM, Giảng viên Phân môn Tiêu hóa

Triệu chứng tiêu chảy vào buổi sáng đặc biệt là sau khi uống rượu bia nếu xảy ra ở người dưới 40 tuổi thường do Hội chứng ruột kích thích. Cần lưu ý và cảnh giác với các dấu hiệu nguy hiểm cảnh báo ung thư đại trực tràng như sụt cân, thiếu máu, tiêu máu, buốt mót (cảm giác mắc cầu thường xuyên, đi tiêu xong vẫn không hết cảm giác sạch phân) và tiền sử gia đình bị ung thư đại trực tràng. Trong trường hợp có các triệu chứng báo động kể trên cần khẩn trương đi khám tại chuyên khoa tiêu hóa.

Trong trường hợp không có các triệu chứng báo động này, có thể tránh tình trạng tiêu chảy vào buổi sáng bằng cách hạn chế rượu bia và uống nước đá lạnh vào buổi sáng. Trong trường hợp không tránh được việc giao tiếp cần uống rượu bia, có thể phong ngừa và làm giảm nhẹ biểu hiện tiêu chảy bằng cách uống một liều Loperamide hoặc Diosmectite trước khi uống rượu bia khoảng 30 - 60 phút.

Bảo Trân Bình Dương

Xin hỏi BS, em nghe người ta nói khi bị tiêu chảy thì nên ăn sữa chua thì sẽ giảm tiêu chảy, vậy điều này có đúng không?

Bác sĩ Hoàng Lê Phúc

Các nhà khoa học cho rằng để giảm được thời gian tiêu chảy ở trẻ em thì cần phải uống ít nhất 1 lít sữa chua mỗi ngày. Vì vậy, khó có thể dùng sữa chua để làm giảm tiêu chảy. Tuy nhiên, bạn có thể dùng sữa chua cho bé bị tiêu chảy vì đây là một thực phẩm dễ tiêu, nhiều dưỡng chất với lưu ý không dùng loại có đường quá ngọt hoặc còn đông lạnh và lưu ý phù hợp lứa tuổi.

Thanh Hương Bình Thuận

Hiện em đang có thai ở tuần thứ 14. Khoảng 5 ngày hôm nay em bị rối loạn tiêu hóa, đau bụng đi ngoài. Vậy em xin hỏi chuyên gia là em nên sử dụng loại thuốc nào để chữa chứng rối loạn này, liệu có ảnh hưởng gì đến em bé không nếu hiện tượng này kéo dài. Em rất mong nhận được lời tư vấn từ chuyên gia, chân thành cảm ơn!

Tiến sĩ bác sĩ Quách Trọng Đức, Tổng thư ký Hội Khoa học tiêu hóa TP.HCM, Giảng viên Phân môn Tiêu hóa

Ở phụ nữ có thai việc sử dụng thuốc cần hết sức thận trọng. Trong các trường hợp tiêu chảy trong vòng 24 giờ không kèm theo các triệu chứng báo động như: sốt, tiêu đàm máu,... có thể sử dụng các thuốc có tác động làm vón phân, bám dính và trung hòa độc tố.

Ở phụ nữ có thai việc sử dụng thuốc cần hết sức thận trọng, thuốc có thể sử dụng an toàn trong trường hợp này là các nhóm thuốc có tác động tại chỗ và không hấp thu như diosmectite. Liều sử dụng thông thường là một gói/lần x 3 lần/ngày. Có thể phối hợp thêm với các dung dịch muối đường (Oresol). Trong các trường hợp có các triệu chứng báo động nêu trên hoặc tình trạng tiêu chảy kéo dài trên 24 giờ thì nên đi khám tại các trung tâm y tế.

Minh Thu Nha Trang

Xin chào BS, cháu ăn uống bình thường, nhưng 4-7 ngày cháu mới đi cầu 1 lần, và đi rất ít, vậy cháu có phải bị rối loạn tiêu hóa không? Nếu phải thì cháu phải làm gì để cải thiện tình trạng trên.

Bác sĩ Hoàng Lê Phúc

Chào bạn, nếu bé đi tiêu phân kích thước thật lớn hoặc rớt thành từng viên nhỏ khô, cứng, phải rặn nhiều thì bé đã bị táo bón. Bạn cần cho bé uống nhiều nước hơn, ăn đủ 4 nhóm thực phẩm và cân bằng, dùng thuốc nhuận trường theo chỉ định của bác sĩ (thường là khá lâu). Nếu bé còn nhỏ, đang còn bú mẹ hoàn toàn thì khoảng 4-7 ngày mới đi cầu 1 lần, khi tiêu phân vẫn mềm thì vẫn còn bình thường vì sữa mẹ quá tốt nên đã hấp thu hết.

Thanh Phương Bình Phước

Bé nhà tôi đi ngoài cũng khá lâu rồi, cho đi khám thì bác sĩ bảo cháu kém hấp thu. Bác sĩ kê cho thuốc uống nhưng tôi thấy bé không đỡ. Cho tôi hỏi bé đi ngoài như vậy thì có phải là bé bị rối loạn tiêu hóa không? Nếu phải thì tôi phải điều trị cho bé như thế nào? Xin BS tư vấn giúp, cảm ơn BS.

Bác sĩ Hoàng Lê Phúc

Nếu bé chậm tăng cân, đứng cân hoặc sụt cân bạn cần đưa bé đến bệnh viện khám để được làm xét nghiệm thêm, tìm nguyên nhân tiêu chảy.

Thanh Nhàn Bình Dương

Bé nhà tôi có biểu hiện rối loạn tiêu hóa, ngày đi ngoài 3-4 lần. Tôi thấy cháu ăn uống bình thường, không quấy khóc, nôn ói. Tôi có cần đưa con đi khám hay mua men tiêu hóa cho cháu uống không? Con tôi 9 tháng, nặng 9 kg. Xin BS tư vấn cho, cảm ơn BS.

Bác sĩ Hoàng Lê Phúc

Theo như bạn mô tả thì có thể con bạn bị tiêu chảy cấp (nếu bé đi tiêu phân lỏng). Bạn cần cho bé kiêng ngọt, uống nhiều nước, ăn thức ăn nấu mềm, dễ tiêu từng ít một và nhiều cữ trong ngày. Thường thì tình trạng này sẽ thoáng qua và tự khỏi trong 3-5 ngày. Tuy nhiên, bạn cần đưa bé đến bệnh viện khám ngay nếu bé tiêu lỏng nhiều hơn, sốt cao, mệt lừ, đi tiêu phân có máu hoặc kèm nôn ói.

Nguyễn Vân Bình Sơn - Quảng Ngãi

Tôi đã cắt túi mật, hay rối loạn tiêu hóa. Bây giờ phải ăn uống thế nào để hạn chế các rối loạn đó?

Tiến sĩ bác sĩ Quách Trọng Đức, Tổng thư ký Hội Khoa học tiêu hóa TP.HCM, Giảng viên Phân môn Tiêu hóa

Túi mật đóng vai trò quan trọng trong việc dự trữ mật và giúp tiêu hóa các loại thức ăn nhiều dầu mỡ và trứng. Sau khi cắt túi mật cơ thể không còn khả năng tiêu hóa cùng lúc một bữa ăn có quá nhiều dầu mỡ. Các chất béo này sẽ nằm trong ống tiêu hóa, không được hấp thu, kéo theo nước từ lòng mạch máu vào lòng ruột gây cho bệnh nhân tình trạng tiêu chảy, đầy bụng trướng hơi. Do vậy, cách tốt nhất để tránh tình trạng này là hạn chế các bữa ăn có quá nhiều chất béo. Tuy nhiên cũng không có nghĩa là hoàn toàn phải kiêng cữ các loại thức ăn này. Chúng ta có thể tự đánh giá và điều chỉnh tùy theo khả năng thích nghi của từng người: Ăn ở mức độ vừa phải mà không bị các triệu chứng kể trên là hợp lý.

Tiến sĩ, bác sĩ Quách Trọng Đức (phải) trả lời tư vấn trực tuyến - Ảnh: Thanh Hải

Như Lan TP.HCM

Nếu cháu bị rối loạn tiêu hóa thì nên cho cháu ăn uống thế nào? Có nên ăn cháo không hoặc có chút thịt nạc. Đi khám ở Nhi đồng thì thường thấy bác sĩ ghi ăn uống bình thường. Vậy bác sĩ cho biết những lưu ý đặc biệt cho bé bị rối loạn tiêu hóa (bé 3 tuổi).

Bác sĩ Hoàng Lê Phúc

Rối loạn tiêu hóa là một từ dùng để chỉ tình trạng đường tiêu hóa không được khỏe mạnh, nhưng chưa xác định rõ nguyên nhân gây bệnh. Tình trạng này có thể thoáng qua hoặc trở nên rõ ràng hơn cùng với những triệu chứng khác của nguyên nhân gây bệnh. Lúc đó, bác sĩ sẽ có chẩn đoán khác rõ ràng hơn.

Thí dụ trẻ bị ói 1, 2 lần sau bữa ăn có thể do ăn quá nhiều, quá nhanh hoặc là giai đoạn đầu của tiêu chảy. Nếu bạn đưa bé đến bệnh viện khám sớm lúc bé mới ói 1 lần thì có thể không phân biệt được nguyên nhân nên tạm để chẩn đoán là rối loạn tiêu hóa. Tuy nhiên, khoảng vài giờ sau bé lại bị thêm tiêu chảy 3, 4 lần thì lúc đó chẩn đoán lại là viêm dạ dày ruột (hay còn gọi là tiêu chảy cấp). Vì vậy, khi nói bé bị rối loạn tiêu hóa, bạn nên nói rõ bé đang bị bất thường như thế nào thì mới có thể tư vấn kỹ được.

Rối loạn tiêu hóa ở trẻ em có thể là táo bón, tiêu chảy, nôn ói, đầy bụng, chướng bụng, khó tiêu. Và lại một lần nữa xin các bạn lưu ý rằng các tình trạng này có thể có rất nhiều nguyên nhân.

nguyen thanh tung 160a vo thi sau f8 q3

Thường hay đau bụng, ăn khó tiêu, mất ngủ, sụt 8 ký, nội soi bao tử và đại tràng bị viêm mãn tính. Uống rất nhiều loại thuốc đã một năm nay nhưng không hết.

Tiến sĩ bác sĩ Quách Trọng Đức, Tổng thư ký Hội Khoa học tiêu hóa TP.HCM, Giảng viên Phân môn Tiêu hóa

Vấn đề mất ngủ và sụt cân nghiêm trọng trong khi kết quả nội soi dạ dày và đại tràng lại tương đối nhẹ nhàng gợi ý nguyên nhân thật sự gây bệnh chưa được đánh giá đúng. Trong trường hợp này cần kiểm tra thêm các xét nghiệm để loại trừ bệnh lý cường giáp đái tháo đường. Nếu kết quả xét nghiệm bình thường bạn nên đến khám và tư vấn tại chuyên khoa nội thần kinh.

huỳnh thị thanh tâm 524, nguyễn thái học, quy nhơn, bình định

Ba của tôi hiện nay 53 tuổi. Ông đã đi khám bệnh nhiều nơi và nội soi nhiều lần, bác sĩ kết luận ba tôi bị bệnh kích thích đường ruột. Ba tôi uống rất nhiều thuốc mà không bớt. Vừa rồi ba tôi đi khám bệnh ở Bệnh viện Bình Dân ở TP.HCM và bác sĩ kết luận ông bị rối loạn đường tiêu hóa và cho uống thuốc 15 ngày mà không hề thuyên giảm. Mấy lần nội soi và chụp hình bác sĩ đều kết luận đại tràng không bị tổn thương, mà rối loạn đường tiêu hóa và kích thích đường ruột. Triệu chứng: mỗi ngày đi tiêu chảy ít nhất từ 3 đến 7 lần ra bọt và phân sống có chất nhầy và chảy lỏng. Kính mong bác sĩ tư vấn ba tôi nên điều trị ở đâu và cách nào để bớt bệnh. Tôi xin chân thành cảm ơn!

Tiến sĩ bác sĩ Quách Trọng Đức, Tổng thư ký Hội Khoa học tiêu hóa TP.HCM, Giảng viên Phân môn Tiêu hóa

Triệu chứng tiêu chảy nhiều lần trong ngày là một trong những biểu hiện của bệnh lý đường tiêu hóa dưới (ruột non và đại tràng), tuy nhiên vẫn có thể gặp trong một số trường hợp bệnh lý nội tiết như: cường giáp, đái tháo đường...

Vấn đề quan trọng nhất cần phải loại trừ ngay khi có triệu chứng này ở người từ 40 tuổi trở lên là ung thư đại trực tràng.

Trong trường hợp này bệnh nhân nên được thực hiện nội soi đại tràng và một số xét nghiệm máu cần thiết để loại trừ các bệnh nội tiết kể trên. Trong trường hợp nội soi đại tràng và kết quả xét nghiệm bình thường, khả năng nhiều nhất là hội chứng ruột kích thích. Tình trạng không nguy hiểm nhưng dễ tái phát.

Cần lưu ý tránh các thức ăn dễ gây kích thích tình trạng tiêu chảy. Loperamide và diosmectite là các thuốc có thể giúp ích trong truờng hợp này. Nếu tình trạng không cải thiện thì nên đi khám ở chuyên khoa tiêu hóa.

Quỳnh Như TP.HCM

Tôi thường chọn mua thực phẩm rất kỹ để nấu cho bé, nhưng không hiểu sao bé vẫn hay bị các bệnh về tiêu hóa: nôn ói, đi phân lỏng sền sệt hoặc tiêu chảy. Có phải rối loạn tiêu hóa chủ yếu do đường ăn uống không hay còn các nguyên nhân nào khác.

Bác sĩ Hoàng Lê Phúc

Tiêu chảy có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân trong các khâu chế biến thực phẩm cho trẻ như: lựa chọn thực phẩm, bảo quản thực phẩm, cách chế biến thực phẩm, thời gian từ lúc chế biến đến lúc cho trẻ ăn, dụng cụ đựng thức ăn cho trẻ và cách cho trẻ ăn.

Ví dụ đã lựa chọn thực phẩm rất tốt, nấu kỹ nhưng không cho trẻ ăn ngay mà để lâu, bị ruồi bu, trẻ ăn bằng cách bốc tay hoặc muỗng đút bị dơ (rớt muỗng trong lúc ăn), hâm đi hâm lại thức ăn... cũng có thể làm cho trẻ bị tiêu chảy.

Ngoài ra, nếu cho trẻ ăn thức ăn không phù hợp với lứa tuổi, ăn quá nhanh, ép trẻ ăn quá nhiều cũng có thể làm trẻ rối loạn tiêu hóa.

Bác sĩ Hoàng Lê Phúc (trái) trả lời thắc mắc của bạn đọc - Ảnh: Thanh Hải

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/suc-khoe/roi-loan-tieu-hoa-nhung-luu-y-va-cac-bien-phap-phong-ngua-26772.html