Rối loạn vì tự kỷ ám thị

Giadinh.net - Theo một nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Kent và Đại học Bufalo (Mỹ) thì những người luôn phải chịu sức ép về việc phải làm sao để trở nên hấp dẫn trước mặt mọi người thường sợ hãi việc bị từ chối và bị coi thường hơn những người khác. Nhưng quan trọng hơn hết, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, những người này rất dễ bị rối loạn phát triển.

Rối loạn vì tự kỷ ám thị Tiến sĩ Lora Park thuộc Trường đại học Bufalo và Tiến sĩ Rachel Calogero thuộc Trường đại học Kent đã phối hợp làm nghiên cứu này, nhằm xem xét phản ứng của con người qua cảm giác về ngoại hình của người khác và cách họ cảm nhận việc người khác nghĩ gì về ngoại hình của mình. Kết quả nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Tâm lý học Phụ nữ, một tạp chí của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ. Nghiên cứu được tiến hành với 220 người, gồm 106 phụ nữ và 114 người đàn ông thuộc các lứa tuổi từ 18-33. Những người tham gia phải trả lời một loạt các câu hỏi, bao gồm cả việc họ nhìn nhận thế nào về việc bạn bè và người thân nghĩ gì về ngoại hình, cách ăn mặc của họ. Kết quả cho thấy, phụ nữ lo lắng nhiều hơn việc bị từ chối và coi thường do ngoại hình. Điều này đặc biệt đúng với những phụ nữ luôn cảm thấy họ cần thiết phải trông hấp dẫn để được những người xung quanh đánh giá cao. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, những người phụ nữ và đàn ông có mối quan hệ mật thiết và có chung mối quan tâm đến việc thu hút sự chú ý của người khác thì cũng thường lo lắng hơn người khác về vẻ ngoài của mình. “Có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng những người có ngoại hình tốt hơn gặp nhiều thuận lợi về mặt giao tiếp xã hội hơn những người khác nhưng nghiên cứu của chúng tôi còn cho thấy, khi một người phải chịu sức ép nào đó buộc phải trở nên hấp dẫn, họ có thể phải trải qua những cảm giác khó chịu trong cuộc sống, điều dẫn đến việc hạn chế sự phát triển cũng như việc tận hưởng cuộc sống của họ bằng rất nhiều cách”, Tiến sĩ Park nói. Những nghiên cứu trước đây của TS Park cũng cho thấy mối liên hệ giữa cảm giác lo lắng này tới sức khỏe của con người. Những người này thường cảm thấy cô đơn, cảm thấy bị người khác coi thường và thường dẫn đến rối loạn trong thói quen ăn uống. Phần lớn trong số những người bị sức ép quá lớn này là do tự kỷ ám thị mà ra. Những lo lắng của họ nhiều khi không có cơ cở. Thực chất, nó đã trở thành một thứ ám ảnh và rồi ức chế sự phát triển hoặc làm rối loạn chiều đi lên của nó. Cảm giác của người khác lúc này không còn quan trọng nữa mà chính là cảm giác của chính người trong cuộc khiến họ khổ sở. Phát huy lợi thế khác để xóa bỏ mặc cảm ngoại hình Sự lo lắng của những người không có ngoại hình tốt không phải không có lý. Theo Th.s Tâm lý Phạm Đức Chuẩn (Trung tâm nghiên cứu Trẻ em và Thanh thiếu niên), trong tiếp xúc, một khuôn mặt đẹp thường mang lại cho người đối thoại cảm giác họ có phẩm chất tốt và từ đó thiện cảm dễ dàng nảy sinh. Đây là điều phi lý, gây bất lợi cho những người có ngoại hình không tốt, vì việc người ta không có ngoại hình tốt chẳng có liên hệ gì với tính cách con người cả. “Khi mới tiếp xúc thì ngoại hình lại là thứ trước tiên để người ta có thể đánh giá về người khác, nên khuôn mặt dễ thương, vóc dáng đẹp thì dễ chiếm được cảm tình của mọi người hơn. Đó là một thực tế xã hội mà người có ngoại hình kém nên biết để có thể tự giúp mình vượt qua mặc cảm”, Th.s Chuẩn nói. Tuy nhiên, những người như vậy cũng cần phải xem lại xem lo lắng đó có hợp lý hay là thái quá? Mặc dù thực tế xã hội cho thấy việc người không có ngoại hình tốt không gặp nhiều thuận lợi như những người khác. Thậm chí, khuôn mặt của họ tạo cho người đối diện cảm giác... gian gian hoặc là nhìn đã không muốn cộng tác rồi. “Có nhiều người đến với tôi nói rằng họ không làm gì nên tội nhưng người ta cứ nghi ngờ. Đó không phải là lo lắng viển vông đâu mà đó chính là thực tế, họ vấp phải hàng ngày hàng giờ nên có bảo người ta thôi không lo nữa cũng không được. Nhưng cũng có những trường hợp lo lắng thái quá đến mức trở nên rối loạn phát triển thì cũng nên điều chỉnh lại”, Th.s Chuẩn cho lời khuyên, “Khi những người đó đến với tôi thì việc đầu tiên tôi có thể làm là lắng nghe họ, chia sẻ với họ cảm xúc đó để những cảm xúc bị coi thường bớt dần đi”. Theo Th.s Chuẩn thì việc lo lắng thiếu thực tế thường gặp ở tuổi mới lớn: “Tuổi này các em thường để ý rất nhiều đến vóc dáng, một ngày có thể soi gương đến mấy chục lần và rồi nghĩ rằng “Ôi sao cái mũi mình to thế!” “Ôi sao mắt mình bé thế!”... và rồi chúng không tự kiểm soát được mình nữa. Có nhiều bậc phụ huynh tìm đến với tôi và cho biết họ phát bực vì thấy con mình một ngày soi gương đến mấy chục lần, tắm gội liên tục, làm đầu vuốt tóc... Khi tuổi này qua đi các em sẽ tự bình ổn lại, biết chung sống với ngoại hình của mình nhưng cũng có những người sẽ nuôi sự tiếc nuối ấy mãi, khiến cuộc sống trở nên ngột ngạt” Các nhà khoa học khuyên rằng, bản thân người có ngoại hình kém nên tìm một thế mạnh nào đó để bù trừ đi phần không được nổi trội của mình. Một cô gái không đẹp có thể cố gắng trong các lĩnh vực khác như học tập hoặc thể thao, nghệ thuật. Ngoại hình có thể là yếu tố ban đầu chi phối đến suy nghĩ của người khác về bạn nhưng tâm hồn và khả năng mới chính là thứ quyết định bạn là người thế nào trong mắt người khác. Phong Thiện

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/home/20091016095224909p0c1001/roi-loan-vi-tu-ky-am-thi.htm