'Rối mắt' với băng rôn tuyên truyền

Nhiều năm qua, bao vây phía trước cổng và hai bên hông Trường THCS Trương Công Định (phường 3, quận Bình Thạnh, TP HCM) là hàng chục áp phích, panô, băng rôn với đủ kích cỡ và nội dung tuyên truyền khác nhau (ảnh).

Nhẩm tính sơ có đến trên dưới 30 áp phích, băng rôn, panô đủ loại kích cỡ, màu sắc như: "Nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ an toàn giao thông", "Vì sức khỏe người tiêu dùng, không sử dụng hóa chất, phụ gia độc hại", "Một ý thức giao thông, triệu nụ cười hạnh phúc", "3 phải, 3 không khi điều khiển xe gắn máy", "Phụ huynh vui lòng đậu xe trên lề", "Thay đổi giao thông bắt đầu từ chính bạn", "Đội mũ bảo hiểm cho trẻ từ 6 tuổi trở lên"...

Vì có quá nhiều áp phích, panô, băng rôn bao quanh cổng trường không theo một trật tự nào khiến phụ huynh, học sinh và nhiều người đi đường nhìn vào thấy… "hoa mắt" chứ chưa nói đến việc có đọc hết các nội dung tuyên truyền đó hay không.

Quan sát trên nhiều tuyến đường của TP HCM, tại nhiều nơi công cộng, người đi đường cũng thường xuyên nhìn thấy nội dung các khẩu hiệu tuyên truyền được thể hiện trên nhiều áp phích, panô, băng rôn… về an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, xả rác bừa bãi… Tại một chỗ, một vị trí nhưng có quá nhiều nội dung tuyên truyền với màu sắc, kiểu chữ, kích cỡ khác nhau khiến người đọc "rối mắt", làm giảm đáng kể tác dụng tuyên truyền.

Thiết nghĩ, việc phổ biến, tuyên truyền những quy định của pháp luật cũng như nâng cao ý thức người dân qua nội dung các câu khẩu hiệu là cần thiết nhưng đến lúc cần thay đổi để việc tuyên truyền đạt hiệu quả như mong muốn chứ không chỉ dừng lại ở việc hô hào khẩu hiệu, tuyên truyền cho có lệ.

Tại một chỗ, một vị trí hay một địa điểm công cộng đông người qua lại không nên bố trí quá nhiều khẩu hiệu, nội dung tuyên truyền có nội dung tương tự nhau. Ngoài ra, cần chú ý đến kích cỡ, kiểu chữ, màu sắc của từng nội dung, từng loại áp phích, panô, băng rôn. Với các nội dung giáo dục, phổ biến về trật tự an toàn giao thông, xả rác nơi công cộng… chỉ cần ít chữ, kèm hình ảnh minh họa, nhìn vào hình ảnh có thể suy đoán hành vi chứ không nên chỉ là những dòng chữ dài dòng, khô cứng.

Nguyễn Đước

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/roi-mat-voi-bang-ron-tuyen-truyen-20191029214258348.htm