Rơi nước mắt với ước nguyện của chàng trai mắc bệnh hiểm nghèo

Người con trai của núi rừng Tây Bắc luôn đau đáu với nỗi niềm có thể mở được một phòng thu âm lưu giữ lại kho tàng âm nhạc dân tộc của cha.

“Tự hào khi được làm con trai của bố”

Vượt hơn 300km men theo quốc lộ 70, chúng tôi tìm đến tư gia của nghệ nhân dân gian Hoàng Nừng tại tổ 7, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Trước mắt chúng tôi là căn nhà cấp 4 hiện ra cùng những bản nhạc đậm âm hưởng dân tộc phát ra trong ngôi nhà ấy.

Tiếp chuyện với PV Báo Người Đưa Tin là anh Hoàng Ngọc Chấn và cụ Hoàng Nừng. Cụ Nừng cho biết cụ sinh ra và lớn lên ở mảnh đất xã Phan Thanh, Huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái là người dân tộc Nùng.

Thuở nhỏ cụ Hoàng Nừng thường được nghe những làn điệu âm nhạc dân tộc trong tiếng ru ầu ơ của mẹ, của dì và trong tiếng sáo trên lưng trâu mỗi chiều về. Cứ thế âm nhạc đến với cụ Hoàng Nừng như một cái duyên đã được định sẵn.

Vì tuổi cao nên chỉ ngồi được một lúc là cụ Nừng xin phép vào phòng nghỉ ngơi. Nói về người cha của mình, trong đôi mắt của anh Ngọc Chấn luôn ánh lên một niềm vui khó tả.

Anh Chấn kể tiếp, năm 1952 cha anh đi bộ đội, với vốn âm nhạc có sẵn cùng biệt tài hát dân ca Tày, Nùng, thổi sáo, thổi tiêu cụ Nừng được cử đi học trung cấp âm nhạc 3 năm tại Hà Nội khoa Violon. Kết thúc khóa học, cụ trở về đơn vị và phục vụ đời sống văn hóa tinh thần cho những người lính tại Đoàn văn công quân khu Tây Bắc.

Anh Ngọc Chấn và cụ Hoàng Nừng đang cùng nhau thể hiện những điệu tính quê hương.

Trong quãng thời gian công tác tại Đoàn văn công quân khu Tây Bắc đã giúp cho người cha của anh tự học và chơi được nhiều loại nhạc cụ dân tộc khác nhau có thể kể đến như: Khèn bè, pí pắp, đàn tính, đàn môi...

Mãi cho đến năm 1969, cụ Hoàng Nừng chuyển về Đoàn ca múa Yên Bái, công tác tại Sở văn hóa thông tin tỉnh nhà và tại đây cụ bắt đầu tham gia sưu tầm, nghiên cứu những làn điệu dân ca của dân tộc Tày, Nùng, Xa Phó.

Trải qua gần một thế kỷ có thể nói kho tàng sáng tác và sưu tầm của cụ Nừng cứ dày lên theo năm tháng với hàng trăm bài hát then, hát khắp và hàng chục các ca khúc sáng tác ca ngợi về cảnh đẹp, con người, quê hương Lục Yên.

Với những cống hiến đó, vào tháng 4/2016, cụ Hoàng Nừng vừa vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Đây là món quà ý nghĩa dành cho những cống hiến không ngừng nghỉ của người đã dành trọn một đời cho niềm đam mê âm nhạc dân tộc.

Cuộc sống có lẽ sẽ trọn vẹn hơn nếu như người con trai út của cụ Nừng không mắc phải căn bệnh hiểm nghèo – Thiếu máu huyết tán từ khi mới sinh ra.

Nói về căn bệnh của mình, anh Hoàng Ngọc Chấn cho biết: “Tôi bị bệnh thiếu máu huyết tán từ lúc lọt lòng mẹ. 12 tuổi tôi đã được cắt lách và cứ như thế hàng năm tôi xuống bệnh viện Huyết học Truyền máu Trung ương điều trị theo phác đồ của bác sĩ. Bệnh của tôi không được phép làm việc nặng chính vì thế tôi không giúp được gì nhiều cho cha mẹ”.

Quên đi nỗi đau con bệnh tật, hàng ngày cụ Nừng thường đàn hát cho đứa con trai bé bỏng thiệt thòi của mình nghe những làn điệu dân ca của dân tộc. Chính từ những câu hát trong những lời ru ầu ơ từ thời thơ ấu đó đã tiếp tục ngấm vào con người Hoàng Ngọc Chấn tự bao giờ. Để rồi, sau những ngày cùng cha đi bệnh viện điều trị cứ về đến nhà là anh lại lao vào cây đàn tính của cha học gảy.

Ở tuổi 18, anh xin phép cha mẹ cho theo học trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc. Dù bệnh tật dày vò anh hàng ngày, hàng giờ thế nhưng trải qua nỗi mặc cảm đó anh đã cố gắng học tập đạt thành tích khá và luôn được bạn bè, thầy cô trong trường bày tỏ sự nể trọng.

Sau khi tốt nghiệp cao đẳng, Ngọc Chấn về công tác tại Đoàn nghệ thuật tỉnh Hà Giang. Một thời gian sau anh xin chuyển công tác về Văn hóa huyện Quang Bình (Hà Giang) để tiện đi lại cho bố mẹ an tâm vì lúc này hai cụ cũng chỉ có ở nhà một mình mà tuổi đã cao.

Trong tâm khảm của người con ấy luôn khắc sâu những lời chỉ dạy của cha. Anh Chấn nói rằng chính cha là người có ảnh sâu sắc nhất để anh tiếp bước theo đuổi con đường nghệ thuật dân tộc.

Anh Chấn bộc bạch: “Tôi chưa bao giờ nói hay thể hiện sự ngưỡng mộ của mình trước mặt cha. Nhưng những ngày gần đây khi ở bên cha nhiều hơn, thấy gương mặt của cha đã già đi quá nhiều ở tuổi 83 thì tôi lại muốn giữ cha ở lại bên mình lâu hơn. Tôi muốn nói với cha nhiều điều trong đó muốn cha hiểu trong tim tôi luôn tự hào vì được làm con của cha”.

Ước nguyện có được một phòng thu riêng

Gần một năm trước, vì lý do sức khỏe yếu nên anh Chấn đã xin nghỉ, về nhà dưỡng bệnh. Kể từ đó anh hay để ý đến cha mình nhiều hơn, nhìn thấy cha trầm ngâm suy nghĩ, trăn trở về những làn điệu không biết mai này sẽ đi về đâu là lòng của anh Chấn như thắt lại.

Anh Chấn vẫn ngày đêm dạy đàn tính cho trẻ em quanh vùng.

Những lúc đó, để an ủi cha, anh Chấn lại cùng cha mang những cuốn sách mà cụ Nừng dành cả đời để sưu tầm, sáng tác cùng nhau ôn lại. Nhìn cha cố gắng nhớ những ca khúc do mình dành tâm huyết cả đời để lưu giữ lại anh mới bày tỏ mong muốn mở một phòng thu âm lại các ca khúc của cha. Để thực hiện được ước mơ đó, anh Chấn cho biết rất cần đến sự hỗ trợ của mọi người.

“Cha tôi là một nghệ nhân dân gian và tôi đang được sống với một kho tàng dân tộc khổng lồ mà cha dành cả đời để nghiên cứu, sưu tầm.

Hiện giờ cha tôi đã ở tuổi 83, tôi nghĩ nếu cha qua đời thì tôi sẽ ân hận suốt đời vì đã không thể thu lại được những làn điệu dân tộc, dân gian mà ông biết. Vì thế, tôi ước mong mở một phòng thu âm riêng, thu lại các ca khúc mà cha biết nhằm lưu giữ lại bản sắc văn hóa dân tộc không bị mai một”, anh Ngọc Chấn cho biết thêm.

Dù sức khỏe không được tốt, nhưng khi trò chuyện với chúng tôi, anh Chấn chưa bao giờ tỏ ra chán nản hay có ý định từ bỏ nghiệp mà cha mình đã theo đuổi cả cuộc đời.

Giờ đây, anh đang ngày đêm thực hiện ước muốn của cha đó là mở lớp dạy nhạc, dạy đàn tính cho các cháu thiếu nhi quanh vùng tại nhà. Bên cạnh đó, anh Chấn kiêm thêm sáng tác các ca khúc ca ngợi con người, quê hương đất nước.

Anh Chấn cùng người vợ của mình.

Trong những lần đi biểu diễn văn nghệ quần chúng, anh Chấn gặp chị Thèn Thu Xuân. Biết anh bệnh tật nhưng vì say câu then điệu tính, say những bản nhạc lay động lòng người mà anh Chấn thể hiện, gửi gắm qua từng câu chữ đã khiến cô thiếu nữ 9X dân tộc La Chí, Hà Giang cảm mến và tình nguyện đến bên anh. Họ cùng chăm sóc nhau, hát cho nhau nghe những làn điệu khắp, cọi mỗi khi đêm về.

Căn nhà gồm hai thế hệ ấy cứ chiều đến là lại ngân lên những làn điệu dân ca thông qua các loại nhạc cụ dân tộc. Tiếng nhạc hòa quyện với khói sương mờ ảo của núi rừng đã khiến cho những người qua đường lòng rạo rực như thuở mới yêu.

Quý bạn đọc có tấm lòng hảo tâm muốn giúp đỡ ước nguyện của anh Hoàng Ngọc Chấn trở thành hiện thực xin gửi về:

Gia đình Hoàng Ngọc Chấn, tổ dân phố số 7, Thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.

Hoặc Báo điện tử Người Đưa Tin:

Tầng 4, tòa nhà Star Tower, đường Dương Đình Nghệ, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội

Số tài khoản: 19129185908996, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam, Chi nhánh Hoàn Kiếm, phòng giao dịch Lĩnh Nam; Chủ tài khoản: Báo Điện tử Người Đưa Tin.

Thanh Lam

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/roi-nuoc-mat-voi-uoc-nguyen-cua-chang-trai-mac-benh-hiem-ngheo-a304705.html