Rolls-Royce và Boeing bắt tay cải tiến pháo đài bay B-52

Quân đội Mỹ đang lên kế hoạch lắp đặt động cơ mới cho máy bay ném bom chiến lược B-52, với mục tiêu kéo dài tuổi thọ của 'pháo đài bay' lên đến một thế kỷ.

"Pháo đài bay" B-52 đã hoạt động trong quân đội Mỹ gần 70 năm. Ảnh: Không quân Mỹ.

Tháng 12/2022, Không quân Mỹ đã ra mắt mẫu máy bay ném bom tàng hình B-21 Raider, với mục tiêu nâng cấp phi đội oanh tạc cơ chiến lược của Mỹ, và dần thay thế những mẫu B-1 và B-2 tốn kém.

Song, đây chỉ là một mảnh ghép trong kế hoạch tạo ra hạm đội oanh tạc cơ của Washington. Thay đổi lớn nhất vẫn chưa xuất hiện, và nó nằm ở những “pháo đài bay” B-52 Stratofortress, có tuổi thọ gần 70 năm.

Hãng Rolls-Royce và Boeing đang cùng nhau mang lại đợt nâng cấp lớn cho phi đội gồm 76 chiếc B-52. Rolls-Royce đã giành được hợp đồng cải tiến động cơ cho B-52, và đợt nâng cấp này nhằm giúp nó hoạt động đến năm 2050, song song cùng khoảng 100 máy bay ném bom B-21.

Đến những năm 2030, khi phi đội kết hợp giữa B-52 Stratofortress và B-21 Raider có thể sẵn sàng, Mỹ sẽ bắt đầu để những chiếc máy bay ném bom B-1 và B-2 “nghỉ hưu”.

Cải tiến lớn về động cơ

Giới quan sát quốc phòng cho biết động cơ F130 mà Rolls-Royce dự kiến lắp đặt cho B-52 sẽ tiết kiệm nhiên liệu và dễ bảo trì hơn so với động cơ TF33, của công ty Pratt & Whitney, đã duy trì trên những chiếc B52 kể từ khi hoạt động vào năm 1955, theo Drive.

Với hợp đồng hơn 500 triệu USD, có thể lên đến 2,6 tỷ USD nếu áp dụng toàn bộ lựa chọn nâng cấp, Rolls-Royce sẽ cung cấp cho Boeing hơn 600 động cơ thương mại, cùng động cơ dự phòng, thiết bị hỗ trợ và công nghệ liên quan, nhằm áp dụng lên phi đội B-52, theo báo cáo của Lầu Năm Góc.

Chuẩn tướng William Rogers, sĩ quan chương trình máy bay ném bom tại căn cứ không quân ở Wright - Patterson, là người chịu trách nhiệm theo sát phần lớn sự thay đổi cho những chiếc B-52.

Máy bay C-37A của Không quân Mỹ sử dụng 2 động cơ phản lực BR700 do Rolls-Royce chế tạo. Ảnh: Không quân Mỹ.

Ông Rogers nói rằng việc lắp đặt động cơ mới cho B-52 sẽ gắn liền với lịch trình bảo trì máy bay tại các nhà chứa của không quân Mỹ. Song, Bộ Quốc phòng vẫn có thể nhờ các nhà thầu lắp đặt riêng động cơ, nếu các khu bảo trì không có đủ trang thiết bị, theo Defense News.

"Với B-52, ngoài thay đổi động cơ, vẫn còn đó một quy trình hiện đại hóa radar, sửa đổi và thêm vào những nâng cấp khác", ông Rogers nói.

Mục đích của Không quân Mỹ

Trải qua tuổi đời gần 70 năm, B-52 vẫn thuộc nhóm máy bay ném bom chiến lược quan trọng, và là một trong những loại máy bay đã có hơn 60 năm phục vụ quân đội Mỹ.

Hồi tháng 3/2022, hai mẫu thử động cơ F130 đã được chế tạo và kiểm tra. Không quân Mỹ dự kiến đến cuối năm 2025, hai chiếc B-52 được lắp động cơ mới sẽ được bay thử. Mỹ kỳ vọng toàn bộ phi đội B-52 sẽ được cải tiến cho đến năm 2035.

Việc tăng tốc nâng cấp B-52 và ra đời mẫu B-21 được cho là những thay thế cho các mẫu máy bay ném bom B-1 và B-2.

Dù là những mẫu oanh tạc cơ đời mới, B-1 và B-2 có chi phí vận hành đắt đỏ, cần nhiều thời gian bảo trì hơn B-52. Không quân Mỹ cho biết khả năng sẵn sàng chiến đầu của B-52 cũng vượt trội so với hai thế hệ kế nhiệm.

Theo Popular Mechanics, chi phí cho mỗi giờ bay của B-52H rơi vào khoảng 88.000 USD/giờ, trong khi B-2 Spirit và B-1B Lancer lần lượt là 150.000/giờ và 173.000 USD/giờ.

Hai mẫu máy bay ném bom B-52 (trái) và B-2 của không quân Mỹ. Ảnh: Military.

Việc nâng cấp pháo đài bay B-52 giúp quân đội Mỹ đảm bảo số lượng máy bay ném bom sẵn sàng tác chiến, mà không khiến chúng bị tụt hậu quá nhiều so với công nghệ thời hiện đại. Điều này còn giúp tăng tốc thời gian loại biên các mẫu B-1 và B-2 để thay bằng phi đội B-21.

Ông Rogers cho biết các cơ quan không quân Mỹ sẽ phối hợp chặt chẽ để để sớm đưa các mẫu B-52 cải tiến hoạt động, đồng thời đảm bảo đủ số lượng phi đội ném bom cần thiết.

“Chúng tôi cố gắng đạt tỷ lệ 1:1, khi một chiếc bị loại biên, một chiếc mới sẽ được thêm vào”, ông nói.

Những rào cản

Tuy vậy, việc giữ cho đội bay B-52 hoạt động khi chúng đã có vòng đời hơn nửa thế kỷ không phải điều dễ dàng. Động cơ TF33 trên các chiếc B-52 đều gần như quá tuổi thọ, do đó cần làm rất nhiều việc cho quá trình thay đổi ngoài động cơ.

Trước khi Chương trình Thay thế Động cơ Thương mại B-52 được công bố, đã có những đề xuất trong nhiều thập niên về việc thay mới động cơ của “pháo đài bay”, bao gồm chọn động cơ cánh quạt lớn hơn, có vòng tua cao.

Ý tưởng cải tiến B-52 từ 8 động cơ thành 4 động cơ phản lực có vòng tua lớn đã được đề xuất trong nhiều năm. Ảnh: Không quân Mỹ.

Tuy vậy, những đề xuất trước đây đều bị bác bỏ, do sự phức tạp trong việc lắp động cơ mới vào thiết kế cánh nguyên bản của B-52.

Nguyên mẫu B-52 ban đầu sử dụng 8 động cơ, và ý tưởng giảm số động cơ xuống còn 4 đòi hỏi về lực đẩy lớn, cũng như khả năng vận hành trong trường hợp có động cơ không hoạt động.

Ngoài ra, Aviationist cho hay lịch trình cải tiến những thiết bị khác trên B-52 như radar APG-79 có thể làm chậm tiến độ lắp đặt động cơ mới.

Quá trình loại biên máy bay ném bom B-2 cũng cần xem xét những yếu tố kỹ thuật, như việc quản lý công nghệ tàng hình và những công nghệ tiên tiến khác, tác động môi trường, hay việc tái chế hoặc cất giữ những bộ phận trên máy bay.

Trần Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/rolls-royce-va-boeing-bat-tay-cai-tien-phao-dai-bay-b-52-post1392609.html