Rộn ràng không khí Tết Bun Pi May giữa lòng Hà Nội

Giữa tháng 4 là thời điểm diễn ra Tết cổ truyền Bun Pi May, hay còn gọi là lễ hội té nước của các bộ tộc Lào (lễ hội năm mới).

Người Lào tin rằng nước sẽ giúp gột rửa điều xấu xa, bệnh tật và cầu chúc năm mới sống lâu, sạch sẽ và mạnh khỏe.

Tuy không thể về quê đón Tết cùng gia đình và người thân nhưng ngay giữa lòng Hà Nội, gần 50 du học sinh Lào hiện đang học tập tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền vẫn cùng nhau quây quần, hát ca và tổ chức những bữa tiệc vừa sôi động, vừa truyền thống ngay tại khuôn viên ký túc xá (đường Nguyễn Phong Sắc, Hà Nội).

Theo truyền thống và nghi thức cổ truyền, ngày 14/4 hằng năm là ngày mở hội Bun Pi May - làm phúc trong năm mới. Trong những ngày này, người ta té nước cho nhau thay lời chúc năm mới tốt lành, bình an và gặp nhiều may mắn. Người người cầu mong năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ, đất nước thanh bình, thịnh vượng.

Kéo dài từ 12 giờ trưa đến khi chiều tối, những du học sinh Lào vui vẻ hát ca, nhảy múa trong giai điệu quê hương vui tươi rộn ràng. Những món ăn truyền thống, những chậu nước thơm được những bạn sinh viên xa nhà chuẩn bị thật chu đáo, kĩ lưỡng. Niềm vui, niềm hạnh phúc cùng những lời chúc mừng năm mới tốt đẹp được các bạn du học sinh Lào trao cho nhau qua những gáo nước chứa đầy “may mắn”.

Tô son lên mặt giúp năm mới ngập tràn những điều may mắn.

Bạn Pepsi Vongphakdy - sinh viên năm 3 Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: “Người Lào cho rằng, té nước lên người là để tẩy sạch bụi bẩn, son đỏ giúp chúng ta may mắn cả năm còn rắc phấn thơm để có nhiều tiếng tốt.” Vì thế càng ướt nhiều, càng gặp nhiều may mắn trong năm, đồng thời cũng là sự minh chứng cho việc mình được nhiều bạn bè yêu mến.

Được biết, tục té nước ngày Tết cổ truyền Bun Pi May của Lào có nét đặc trưng là không kể lạ hay quen, dù có hay không có địa vị trong xã hội, mọi người đi ngang qua đều được gia chủ tiếp đón ân cần như nhau. Họ thể hiện sự quý trọng bằng những "gầu" nước dội lên khắp người. Vì thế có rất nhiều bạn sinh viên Việt Nam đi qua đây đều được những bạn du học sinh thân thiện kéo lại, dội nước lên người... ướt sũng.

Các bạn du học sinh Lào tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Được các bạn du học sinh trìu mến gọi bằng mẹ, cô Đỗ Mai Hương - Phó trưởng phòng hợp tác quốc tế, chuyên trách du học sinh Lào tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, cô đã tham gia lễ hội té nước rất nhiều lần: “Trong lễ hội này, mọi người, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo đều cùng hưởng niềm vui, niềm hạnh phúc của một ngày hội thực thụ.
Dù mới sang học ở Việt Nam năm đầu hay một vài năm thì cũng như sinh viên Việt, mỗi dịp lễ, Tết là thời điểm các bạn lưu học sinh luôn hướng về những người thân yêu nơi quê nhà. Buổi lễ ở Việt Nam tuy không đầm ấm bằng Bun Pi May nơi quê hương xứ sở, những cũng giúp các bạn du học sinh vơi bớt phần nào nỗi nhớ gia đình, người thân, yên tâm học hành, công tác”.

Cô Đỗ Mai Hương (giữa) trao tặng các bạn sinh viên Lào lẵng hoa chúc mừng năm mới.

Một điểm độc đáo của buổi lễ là có rất nhiều các bạn sinh viên Việt Nam hào hứng tham gia, chung vui cùng những người bạn Lào dễ mến. Mọi người cùng hòa mình vào những giai điệu vui tươi, vừa té nước, vừa cười nói vui vẻ.
Sonethi Vongbounkham - du học sinh năm 3 hào hứng cho biết đây là cái Tết Bun Pi May thứ 3 của bạn ở Việt Nam: “Xa nhà nhưng em không thấy buồn bởi ở đây có các thầy cô và rất nhiều bạn bè Việt Nam chung vui, quan tâm đến chúng em. Rất mong trong những ngày tới sẽ có thật nhiều các bạn sinh viên Việt Nam qua tham gia để chúng em vui mừng”.

Quang Hùng

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/ron-rang-khong-khi-tet-bun-pi-may-giua-long-ha-noi-314217.html