Rộn ràng Lễ hội Khai bút đầu xuân tại Hải Phòng

Sáng 15/2 (tức mùng 6 tháng Giêng năm Giáp Thìn ), tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc (xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng) và Khu Di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng) đã diễn ra Lễ hội Khai bút xuân Giáp Thìn 2024.

Lễ hội Khai bút đầu xuân tại Hải Phòng diễn ra ở 2 địa điểm trong không khí rộn ràng.

Lễ hội Khai bút đầu xuân là hoạt động văn hóa, giáo dục truyền thống của dân tộc, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc đối với mọi người dân Việt Nam. Tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc, Lễ hội Khai bút đầu xuân được tổ chức trong 3 ngày chính, từ 15/2 đến ngày 17/2 (tức mồng 6, 7 và mồng 8 Tết Nguyên đán Giáp Thìn) và kéo dài đến hết ngày 24/2 (tức ngày 15 tháng Giêng năm Giáp Thìn).

Bên cạnh Lễ Khai bút, tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc còn diễn ra các hoạt động, phần lễ như: Lễ Cáo yết, Lễ Giã đám, khai mạc Lễ hội, các trò chơi dân gian,… và phần hội gồm các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian, các gian hàng triển lãm.

Các em học sinh tham gia Lễ tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc.

Tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, các nghệ nhân thư pháp đã viết khai bút chữ “Học” bằng chữ Hán Nôm và chữ Quốc ngữ. Lãnh đạo huyện Vĩnh Bảo, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng 90 giáo viên tiêu biểu và 60 em học sinh đại diện cho các khối Tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn huyện thực hiện khai bút.

Việc khai bút đầu xuân tượng trưng cho sự khởi đầu tốt đẹp của mọi hoạt động, mọi chương trình, kế hoạch, với mục đích gửi gắm tâm tư, nguyện vọng về một năm mới hạnh phúc và thành công.

Các thầy, cô giáo tham gia Lễ hội Khai bút đầu xuân tại Di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Danh nhân văn hóa Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Hoạt động quảng bá các giá trị của Di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Danh nhân văn hóa Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và Khu tưởng niệm Vương triều Mạc cũng góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc; duy trì và phục vụ nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân, học sinh và du khách đối với các giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Bên cạnh đó, Lễ hội Khai bút còn thúc đẩy tiềm năng du lịch, tạo điểm nhấn về du lịch, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.

Khánh Quyên

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/goc-van-hoa/ron-rang-le-hoi-khai-but-dau-xuan-tai-hai-phong-153319.html