Ronaldo 'béo' và cú hat-trick làm rung chuyển Old Trafford

Khán giả tại Old Trafford từng không ít lần đứng dậy vỗ tay tán dương cầu thủ đối phương, nhưng 'Người ngoài hành tinh' Ronaldo là trường hợp đặc biệt hơn tất cả.

Cristiano Ronaldo là cầu thủ hay nhất Manchester United kể từ đầu thế kỷ 21, với đỉnh cao là Quả bóng vàng châu Âu 2008. Tuy nhiên, anh không phải Ronaldo đầu tiên với Quả bóng vàng xuất hiện tại sân Old Trafford.

Ngày 22/4/2003 - bốn tháng trước ngày CR7 lần đầu đặt chân tới "Nhà hát của những giấc mơ" - một Ronaldo khác đã khiến cả thế giới bóng đá thán phục với cú hat-trick vào chính mành lưới Manchester United.

Anh là Ronaldo Nazario, huyền thoại người Brazil với biệt danh “Người ngoài hành tinh”.

 Ronaldo chinh phục hoàn toàn Old Trafford tại Champions Leauge 2003. Ảnh: Getty.

Ronaldo chinh phục hoàn toàn Old Trafford tại Champions Leauge 2003. Ảnh: Getty.

Cuộc chạm trán kinh điển

Khi những lá thăm sắp đặt để nhánh đấu của Real Madrid và Manchester United sớm phải gặp nhau, nhiều cổ động viên trung lập đã thầm tiếc nuối. Mọi yếu tố từ lực lượng, danh tiếng, bề dày lịch sử cho tới phong độ đều chỉ ra đây là trận chung kết sớm.

Một bên là dàn “Galaticos 1.0” được dẫn dắt bởi “ngài râu kẽm” Vicente del Bosque và đang là đương kim vô địch Champions League, trong khi bên còn lại là đội quân "Quỷ đỏ" với nòng cốt vẫn là "thế hệ vàng 1992" cùng huấn luyện viên huyền thoại Alex Ferguson.

Trận tứ kết lượt đi diễn ra tại sân Bernabeu đúng với những kỳ vọng của người hâm mộ, khi hai bên đều triển khai thứ bóng đá tấn công đẹp mắt. Luis Figo mở tỷ số với cú cứa lòng kiểu “lá vàng rơi” tuyệt đẹp, trước khi Raul Gonzalez ghi thêm 2 bàn thắng với cái chân trái ma thuật để đưa Real Madrid vượt lên dẫn trước 3-0.

Hy vọng mong manh cho Manchester United được nhen nhóm ở phút 52 khi Ruud van Nistelrooy có mặt đúng lúc để đánh đầu cận thành, mang về bàn thắng trên sân khách cho "Quỷ đỏ".

MU sở hữu đội hình mạnh ngày đó. Ảnh: Getty.

Tỷ số thua 1-3 trên sân khách đồng nghĩa với việc Manchester United có thể tự quyết số phận nếu thắng 2-0 trong trận lượt về sau đó 2 tuần tại sân Old Trafford. Tuy nhiên, ngoài việc đối thủ là Real Madrid hùng mạnh, "Quỷ đỏ" còn những vấn đề của riêng mình.

Scandal phòng thay đồ mang tên “chiếc giày bay” giữa Sir Alex và ngôi sao David Beckham diễn ra 2 tháng trước và vẫn còn những dư chấn âm ỉ. Dù đang là một trong những ngôi sao nổi tiếng nhất hành tinh, Beckham vẫn bắt đầu trận đấu lượt về trên băng ghế dự bị.

Hai ngôi sao khác của Manchester United là hậu vệ phải Gary Neville cùng tiền vệ trung tâm Paul Scholes đều không thể góp mặt trong trận lượt về do đã nhận đủ thẻ vàng ở lượt đi. Về phía Real Madrid, chấn thương là lý do khiến cầu thủ nổi bật nhất ở lượt đi là Raul phải ngồi ngoài.

HLV Del Bosque đưa ra quyết định bất ngờ khi đưa tiền vệ thất sủng Steve McManaman vào đội hình xuất phát thay cho Flavio Conceicao, cũng như sử dụng tiền vệ Guti cho sơ đồ 4-2-3-1, thay vì để Fernando Morientes thế chỗ Raul bị chấn thương.

Dù Raul, Scholes vắng mặt, trận lượt về giữa Man United và Real Madrid vẫn là cuộc chạm trán giữa những vì tinh tú. Đội chủ nhà sở hữu vua phá lưới Champions League mùa giải đó Nistelrooy, cùng một loạt những tên tuổi như Roy Keane, Juan Veron, Ryan Giggs, Ole Solskjaer, Rio Ferdinand hay Fabien Barthez.

Đối thủ của họ thậm chí nhiều sao hơn, với đội hình ra sân là tập hợp của những cầu thủ hàng đầu Tây Ban Nha (Casillas, Hierro, Salgado, Guti) cùng những siêu sao ngoại quốc (Zinedine Zidane, Luis Figo, Claude Makelele, Roberto Carlos). Ngay cả trọng tài cho trận thư hùng này cũng là ông Pierluigi Collina - trọng tài số một thế giới lúc đó.

Tuy nhiên, trong cả một dàn những ngôi sao kể trên, vẫn có một ngôi sao sáng hơn tất cả. Đó là đương kim Quả bóng vàng 2002 Ronaldo.

Sân khấu của Ronaldo

Ở trận lượt đi, Real Madrid đã bị từ chối quả penalty khi Wes Brown phạm lỗi trái phép với Ronaldo trong vòng cấm. Trong trận lượt về, món nợ đó được siêu sao người Brazil đòi lại đủ cả vốn lẫn lãi.

Ngay từ phút thứ 12, Guti nhận bóng từ chân Zidane và tung ra đường chọc khe hiểm hóc từ vòng tròn giữa sân. Theo kèm Ronaldo là trung vệ đắt giá nhất thế giới thời điểm bấy giờ Ferdinand, song cầu thủ người Anh không thể theo kịp đường bóng lẫn tốc độ của "tiền đạo răng thỏ". Ronaldo bứt tốc, dứt điểm một chạm ngay từ rìa vòng 16,5 m và không cho thủ thành Barthez cơ hội để cản phá.

Tỷ số là 1-0 cho đội khách, và nhiệm vụ của Manchester United trở nên khó khăn gấp bội, khi họ cần ghi thêm 3 bàn thắng để ít nhất có thể đưa trận đấu sang hiệp phụ. Ở tuyến trên, Real Madrid có Ronaldo thì ở tuyến dưới, họ cũng sở hữu siêu thủ môn là Iker Casillas.

Thủ thành người Tây Ban Nha liên tục làm nản lòng những chân sút đối phương. Từ những pha dứt điểm cận thành của Nistelrooy, Solskjaer cho tới những cú sút xa từ Veron, Giggs đều bị Casillas cản phá thành công.

Mãi tới phút thứ 43, đội chủ nhà mới cân bằng được tỷ số theo đúng kịch bản ở lượt đi: Nistelrooy băng lên đệm bóng cận thành. Hai đội bước vào giờ nghỉ với lợi thế nghiêng về Real Madrid. Hiệp hai tiếp tục chứng kiến sự bùng nổ của những ngôi sao.

Ronaldo khiến Old Trafford sốc với cú hat-trick siêu đẳng.

Phút thứ 52, Zidane một lần nữa châm ngòi cho bàn thắng của “Los Blancos” bằng pha đập nhả mẫu mực với Carlos, giúp Ronaldo có bàn thắng thứ hai từ đường căng ngang của người đồng hương.

Hai phút sau, Manhchester United có bàn gỡ hòa. Từ đường căng ngang của Veron, trung vệ Ivan Helguera lóng ngóng đưa bóng vào lưới nhà. Tuy nhiên, bàn thắng này chỉ giúp "Quỷ đỏ" níu kéo chút hy vọng mong manh sau khi đã thủng lưới tới hai bàn trên sân nhà và tổng tỷ số đang là 3-5 nghiêng về phía Real Madrid.

Cánh cửa vào tứ kết chính thức đóng sập với Manchester United ở phút 59, khi Ronaldo hoàn tất một ngày thi đấu xuất sắc bằng bàn thắng thứ ba. Nhận bóng từ Guti, “El Fenomeno” dẫn bóng vài nhịp trước khi bất ngờ tung cú sút xa ở cự ly gần 30 m.

Pha bay người của Barthez chỉ mang tính tô điểm cho bàn thắng của Ronaldo, khi cú sút của cầu thủ số 11 đơn giản là không thể cản phá. Ronaldo có sự trả thù ngọt ngào cho trận chung kết World Cup 1998, khi anh như bóng ma vật vờ do sự cố động kinh trước trận và hoàn toàn vô hại trước khung thành tuyển Pháp do Barthez trấn giữ.

Trong cú hat-trick của Ronaldo hôm ấy, không bàn thắng nào được thực hiện theo phong cách đặc trưng của anh: Dốc bóng tốc độ trước khi đảo chân, lừa bóng qua thủ môn và ghi bàn vào lưới trống.

Ronaldo của năm 2003 đã bắt đầu có dấu hiệu thừa cân và không còn là siêu cầu thủ với tốc độ xé gió và kỹ thuật như mùa giải 1996/97 sau những chấn thương đầu gối thời còn khoác áo Inter Milan. Tuy nhiên, Ronaldo ở 75% phong độ so với thời đỉnh cao vẫn là nỗi khiếp đảm với hàng thủ đối phương.

Cơn ác mộng của Manchester United rời sân ở phút 67 để nhường chỗ cho Santiago Solari. Gần như toàn bộ 66.500 khán giả có mặt ngày hôm đó đã đứng dậy để vỗ tay tán dương tiền đạo người Brazil, dù anh đã “giết chết giấc mơ của Manchester United” như cách tờ The Guardian giật tít ngày hôm sau.

Trọng tài Collina hồi tưởng lại năm 2013 trên tờ Guardian: “Khi Ronaldo ghi bàn thắng thứ 3, ngay cả cổ động viên Manchester United cũng biết chắc rằng cuộc chơi đã dừng lại. Tuy nhiên, họ vẫn đứng dậy vỗ tay khi cậu ấy rời sân, bởi Ronaldo ngày hôm ấy đã làm một điều đặc biệt”. Họ tiếc nuối khi đội nhà không thể đi tiếp, nhưng không thể không ngợi khen màn trình diễn của một trong những cầu thủ hay nhất lịch sử bóng đá.

Năm 2016, Ronaldo đã chia sẻ trên Sky Sport rằng đó là khoảnh khắc tuyệt vời nhất sự nghiệp. Anh cho biết: “Trận đấu với Manchester United tại Old Trafford là trận đấu mở tuyệt diệu. Tôi ghi được 3 bàn thắng và điều tuyệt vời nhất đã xảy ra khi tôi rời sân. Cả sân vận động đã đứng dậy tạm biệt tôi với những tràng vỗ tay như sấm rền. Tất cả đều đứng lên là một viễn cảnh tôi chưa bao giờ tưởng tượng nổi. Tôi thực sự ngạc nhiên bởi phản ứng của các cổ động viên United, bởi rốt cuộc tôi vẫn là đối thủ của họ”.

“Đó thực sự là một khoảnh khắc kỳ diệu và là một trong những giây phút đáng nhớ nhất cuộc đời tôi. Với tôi, bóng đá là tất cả”.

Trận đấu lịch sử

Sau khi Ronaldo rời sân, sân khấu được nhường lại cho một cầu thủ vào sân thay người là David Beckham. Chàng tiền vệ điển trai với mái tóc để bờm vào thay Veron từ phút 63 và nhanh chóng để lại dấu ấn với cú sút phạt thương hiệu ở phút 71.

Trên chấm đá phạt, Beckham cứa một đường bóng hoàn hảo vào góc cao khung thành và khiến Casillas không kịp phản ứng. 14 phút sau, anh có mặt đúng lúc để đệm bóng vào lưới trống sau một nỗ lực của Nistelrooy, ấn định tỷ số 4-3 cho Manchester United.

"Quỷ đỏ" giành thắng lợi lượt về, nhưng "Kền kền trắng" đi tiếp với tổng tỷ số 6-5 sau hai lượt trận. Mọi việc đã an bài từ bàn thắng thứ 3 của Ronaldo, và ngay cả các cầu thủ Manchester United cũng hiểu điều đó.

Bất chấp cú hat-trick của Ronaldo, MU vẫn giành chiến thắng 4-3 chung cuộc với cú đúp của Beckham vào cuối trận. Ảnh: Getty.

Beckham tâm sự trên tờ Guardian: “Khi tỷ số đang là 3-3, và tôi vừa ăn mừng bàn thắng đá phạt đẹp nhất từng ghi cho Manchester United, các cầu thủ Real Madrid bỗng tới gần và trò chuyện với tôi, dù một trận đấu tuyệt vời vẫn đang diễn ra. Ban đầu, Guti chạy tới gần và đề nghị tôi đổi áo khi hết trận, trước khi Roberto Carlos mời mọc: ‘Cậu có định tới Madrid chơi cùng chúng tớ không thế?’”.

“Khi trận đấu còn 10 phút, tới lượt Zidane hỏi tôi: ‘Đổi áo không David? Tôi vẫn đang cố để làm được điều gì đó, nhưng các cầu thủ Real Madrid thì không. Họ chẳng hề cố làm tôi phân tâm mà thực sự thoải mái bởi biết chắc mình sẽ là kẻ chiến thắng chung cuộc”.

Tuy nhiên, Real Madrid không thể chinh phục Champions League mùa giải năm đó khi bị Juventus đánh bại tại bán kết. Bản thân Ronaldo gặp chấn thương bắp đùi và không thể xuất phát từ đầu trong trận bán kết lượt về. Anh ngậm ngùi chứng kiến đội nhà thua 1-3 trên sân khách sau khi đã thắng 2-1 trên sân nhà.

Tại đấu trường quốc nội, cả Real Madrid lẫn Manchester United đều đăng quang ngôi vô địch. Tới mùa hè, David Beckham chính thức chuyển sang khoác áo Real Madrid sau khi từ chối lời mời gọi của Barcelona. Để chữa cháy, Barcelona đưa về một cầu thủ có ngoại hình thua xa Beckham nhưng lại giúp họ lên tới những đỉnh cao mới sau đó: Ronaldinho.

Trận tứ kết Champions League lượt về giữa Manchester United và Real Madrid mùa giải 2002/03 đi vào lịch sử không chỉ với tư cách một trong những trận hay nhất lịch sử giải đấu. Có mặt trên khán đài ngày hôm đó còn là Roman Abramovich.

Sự giải trí trên sân, sự cuồng nhiệt trên các khán đài đã thuyết phục tỷ phú người Nga này bỏ tiền ra mua lại Chelsea trong mùa hè 2003. Như vậy, trận tứ kết kể trên còn góp phần viết lịch sử của bóng đá Anh và châu Âu.

Ronaldo có mọi danh hiệu cao quý nhưng chưa từng chạm tay vào cúp bạc UEFA Champions League. Ảnh: Getty.

Về phần người hùng Ronaldo, vinh quang Champions League vẫn mãi lẩn tránh anh cho đến cuối sự nghiệp. Không thể giúp Real Madrid giành cú Decima, Ronaldo chuyển tới khoác áo AC Milan trong kỳ chuyển nhượng mùa đông 2007.

Trớ trêu thay, đó là năm nửa đỏ thành Milan đăng quang Champions League, nhưng Ronaldo không thể góp mặt do đã thi đấu cho Real Madrid tại vòng bảng. Nếu Champions League sửa luật và giúp Ronaldo có thể thi đấu cho Milan như cách Haaland và Minamino đã khoác áo những đội bóng mới tại vòng 16 đội mùa giải này, sự nghiệp của anh sẽ trọn vẹn hơn.

Danh hiệu Champions League là sự thiếu vắng lớn nhất trong sự nghiệp hiển hách của Ronaldo, bởi màn trình diễn siêu hạng trước Manchester United đã cho thấy anh có thể làm được những gì tại đấu trường danh giá nhất châu Âu.

Ronaldo 'béo' và pha solo trong màu áo Barca Mùa giải duy nhất của Ronaldo "béo" trong màu áo Barcelona chứng kiến "Người ngoài hành tinh" độc diễn ghi bàn từ giữa sân ở trận thắng SD Compostela 5-1 ngày 12/10/1996.

Thịnh Joey

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/ronaldo-beo-va-cu-hat-trick-lam-rung-chuyen-old-trafford-post1063835.html