Rồng 17 – cuộc tập trận 'nghênh chiến' của NATO với Nga

Hàng ngàn binh lính và thiết bị quân sự đã tập trung tại Ba Lan để tham gia cuộc tập trận mang tên Dragon-17 (Rồng - 17) trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây vẫn đang dâng cao sau cuộc tập trận chung Zapad 2017 của Moscow và Belarus.

Ăn miếng trả miếng

New York Times cho hay, cuộc tập trận Dragon-17 kéo dài 5 ngày với sự tham gia của 17.500 binh sĩ cùng 3.500 phương tiện quân sự vừa được khởi động tại Ba Lan.

Dragon-17 là cuộc diễn tập quân sự chung giữa Ba Lan và các quốc gia đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) gồm Mỹ, Litva, Latvia, Anh, Đức, Slovakia, Italy, Bulgaria, Romania cùng các nước đối tác Georgia và Ukraine, kéo dài tới ngày 29/9.

Máy bay Mi-17 của Ba Lan trong cuộc tập trận Dragon-17.

Dragon-17 diễn ra chỉ vài ngày, sau khi Nga và Belarus tiến hành cuộc tập trận quân sự quy mô Zapad 2017 mà giới chức Ba Lan và truyền thông các quốc gia phương Tây mô tả là “sự chuẩn bị cho một cuộc xâm lược nhằm vào châu Âu”.

Thậm chí, người phụ trách quốc phòng của NATO còn gọi Zapad là “sự chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh lớn”. Bên cạnh đó, phương Tây cho rằng, dù Nga công bố có khoảng 13.000 binh sĩ tham gia Zapad 2017 nhưng thực tế con số đó có thể lên tới 100.000.

Trước khi Dragon-17 diễn ra, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan San Antonio Macierewicz phát biểu cuộc tập trận sẽ mang tính chất “tích cực” và huy động tới 122.000 quân chứ không phải 17.500 binh sĩ như trên. Một quan chức quốc phòng Ba Lan khác cũng khẳng định, Dragon-17 là cuộc tập trận “phòng thủ tự nhiên”, có bản chất hoàn toàn đối lập với Zapad, cuộc diễn tập mang “tính chất xâm lược rõ ràng”.

Đây là lần đầu tiên cuộc tập trận 2 năm một lần có sự tham gia của lực lượng bảo vệ lãnh thổ, một đơn vị quốc phòng mới của Ba Lan. Lực lượng này chuyên đào tạo các tình nguyện viên dân sự nhằm hỗ trợ cho quân đội chính quy.

Thứ trưởng Quốc phòng Ba Lan Michal Dworczyk đã tới thăm địa điểm diễn ra cuộc tập trận. Ông cho biết, kịch bản của Dragon-17 là đối phó với “nỗ lực (của đối thủ) nhằm kiểm soát vùng lãnh thổ đang tranh chấp”. Ông cũng lưu ý, kịch bản này được xây dựng dựa vào vụ Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014.

Thứ trưởng Dworczyk cũng lưu ý, các chuyên gia quân sự Ba Lan và trong khu vực lo ngại Nga có thể vẫn duy trì một số đơn vị quân sự ở Belarus sau cuộc tập trận Zapad 2017 vừa kết thúc.

Chiến lược của NATO

Trong khi đó, bình luận trên tờ Sputnik, nhà quan sát chính trị người Ba Lan Konrad Rekas nói tính chất của cuộc tập trận Zapad và Dragon-17 hoàn toàn không có sự khác biệt.

“Nguyên nhân dẫn tới sự “cuồng loạn” của truyền thông phương Tây về Zapad-2017 đang dần trở nên rõ ràng. Đơn giản đó là một cách khai thác truyền thống của truyền thông phương Tây, đặc biệt là NATO. Họ đang biện minh cho hành động gây hấn của NATO bằng cách cáo buộc những quốc gia khác xâm lăng”, ông Rekas nói.

Xe tăng Belarus tại cuộc tập trận Zapad.

“Đây là một chiến lược cũ của NATO”, quan sát viên nhấn mạnh. “Cần nhớ lại rằng Adolf Hitler cũng luôn tìm cách giải thích sự xâm lăng của phát xít Đức là một hành động tự vệ NATO cũng hoạt động tương tự. Trước những hành động gây hấn của họ thường là những chiến dịch tuyên truyền về các cuộc tập trận và giải thích về việc các nước nghèo phải làm thế nào để tự bảo vệ mình khỏi sự xâm lăng của các nước khác”, Konrad Rekas nói.

Thêm vào đó, Rekas lưu ý, cuộc tập trận Dragon-17 của NATO có quy mô lớn hơn Zapad-2017 (vốn chỉ huy động 12.700 binh sĩ). Trước khi diễn ra tập trận, các chính trị gia NATO và truyền thông phương Tây khẳng định sẽ có khoảng 60.000 đến 100.000 binh sĩ tham gia.

Theo Rekas, bản chất “không minh bạch” đó là một mối đe dọa cho châu Âu.

“Zapad 2017 được (NATO) coi như một lời tuyên chiến. Nhưng các nhà phân tích an ninh phương Tây lại không hề coi việc đưa hàng ngàn binh lính cùng số lượng khổng lồ khí tài quân sự của NATO tới đất nước chúng tôi (Ba Lan) là một hành động gây hấn”, Rekas nhấn mạnh.

Khi được yêu cầu bình luận về tuyên bố cuộc tập trận sẽ bao gồm 120.000 binh sĩ của Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan và một phần lực lượng NATO sẽ đóng lại lãnh thổ Ba Lan sau khi Dragon-17 kết thúc, Rekas bình luận sự leo thang ở biên giới phía Đông NATO với Nga là một cuộc chiến tuyên truyền.

“Những đội quân hùng hậu tới Ba Lan, theo một cách nào đó, mang ý nghĩa tuyên truyền nhiều hơn. Thực tế 25 năm trở lại đây, quân đội Ba Lan hầu như hoạt động không hiệu quả, khi kho vũ khí của họ hầu như là những hệ thống đã qua sử dụng của Mỹ và Đức”, Rekas nói.

Việc tuyên bố 120.000 binh sĩ tham gia Dragon-17 là phù hợp với ý tưởng của Mỹ, “nhưng hoàn toàn vô ích nhìn từ quan điểm chiến lược của Ba Lan”, ông Rekas nhận xét.

Cuối cùng, Konrad Rekas lưu ý Dragon-17 không phải cuộc diễn tập quy mô lớn đầu tiên ở khu vực trong những tuần gần đây. “Họ đang tiến hành (tập trận) ở bất cứ nơi nào có thể, nó sẽ gây ra phản ứng từ phía Nga”, nhà quan phân tích. Ông cảnh báo nguy cơ một cuộc chiến thực sự sẽ xảy ra nếu hai bên tiếp tục so kè và thử thách mức độ kiên nhẫn của nhau, bởi những cuộc tập trận.

Chuyên gia nhấn mạnh, điều cần thiết để chấm dứt tình thế hiện tại là chấm dứt “cuộc chiến trừng phạt” và tìm cách quay trở lại mối quan hệ dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau.

“Ba Lan phải là quốc gia đứng ra xoa dịu căng thẳng giữa Đông và Tây, chứ không phải nơi châm ngòi cho ngọn lửa chiến tranh”, ông Rekas kết luận.

D.T

Danh Tuyên

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/rong-17-cuoc-tap-tran-nghenh-chien-cua-nato-voi-nga-a340315.html