Rộng cửa xuất ngoại lao động, người dân sớm đổi đời

Xuất khẩu lao động theo con đường chính ngạch được mở rộng, đơn giản hóa các thủ tục đã tạo điều kiện cho hàng nghìn người dân xứ Thanh đi khắp thế giới, làm thay đổi xóm nghèo. Không ít người đã mang cả nghề mình học được trở về tạo lập cuộc sống sau khi hết hạn lao động.

Làm giàu từ xuất khẩu lao động

Thanh Hóa là địa phương đất rộng, người đông, nhiều dân tộc sinh sống. Có 11 huyện miền núi nên khoảng cách giàu nghèo ngày một nới rộng. Xác định xuất khẩu lao động là một trong những giải pháp quan trọng để giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nghèo bền vững, nhất là khu vực miền núi, cơ quan chức năng đã tích cực tuyên truyền, giới thiệu các đơn vị, công ty được cấp phép đưa người lao động ra nước ngoài làm việc.

Xuất khẩu lao động, con đường làm giàu của nhiều người.

Chính quyền địa phương cùng với các công ty, doanh nghiệp tổ chức nhiều buổi hội thảo về giải quyết việc làm tại UBND xã và các thôn. Thông qua các tổ chức đoàn thể như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân,... những thông tin về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được tuyên truyền đến mọi đối tượng người dân, tạo cơ hội tiếp cận thuận lợi cho những người có nhu cầu.

Khảo sát tại xã Thanh Hòa (Như Xuân, Thanh Hóa) trong năm 2023 có trên 60 lao động đang làm việc tại các thị trường Hàn Quốc, Đài Loan, Arap, Rumani, Nga…, riêng 7 tháng đầu năm 2023 đã có 9 lao động tham gia xuất khẩu lao động nước ngoài. Hàng năm, số tiền mà các lao động gửi về cho gia đình đạt trên 14 tỷ đồng. Đây được xem là số tiền khủng với 1 xã miền núi chỉ trông chờ vào nông nghiệp manh mún, trồng cây dài ngày kém hiệu quả.

Anh Tuấn có vốn, kiến thức và khát vọng làm giàu sau khi xuất khẩu lao động.

Anh Mạc Văn Tuấn, thôn Tân Hiệp (Thanh Hòa) đăng ký tham gia xuất khẩu lao động tại thị trường Rumani, với mức lương từ 17 - 20 triệu đồng/tháng, trừ đi chi phí sinh hoạt, mỗi tháng anh tiết kiệm được khoảng 15 triệu đồng. Sau 3 năm về nước, với số tiền tích cóp được từ việc đi xuất khẩu nước ngoài anh đã xây dựng được ngôi nhà khang trang. Không chỉ có vốn, anh Tuấn còn có kiến thức, kinh nghiệm và khám phá thế giới để thay đổi tư duy, xóa được tư tưởng tự ti để tìm ra phương pháp làm giàu.

Những kinh nghiệm và số vốn thu được thông qua đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho gia đình của người lao động. Nhiều gia đình là hộ nghèo đã thoát nghèo bền vững và trở thành hộ khá, giàu.

Đông Khê là địa phương nổi tiếng trù phú từ phong trào xuất khẩu lao động.

Ở xứ Thanh không hiếm các làng quê tỷ phú nhờ xuất khẩu lao động. Một trong những địa phương điển hình trong phong trào này chính là xã Đông Kê (Đông Sơn). Toàn xã có 621 người lao động đang có việc làm, thu nhập ổn định tại các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…

Chỉ trong khoảng 10-15 năm, Đông Khê đã chuyển mình ngoạn mục từ xóm nghèo sơ xác thành khu nhà giàu, nhà cao tầng, biệt thự. Theo thống kê, xã Đông Khê có hơn 600 lao động đang làm việc, thu nhập ổn định ở nước ngoài. Tất cả 9/9 làng trong xã đều có người đi nước ngoài lao động.

Làng Tuyên Hóa (Đông Khê) có hơn 300 hộ nhưng có tới trên 70 người đang đi xuất khẩu lao động. Hàng tháng trung bình mỗi người gửi về cho gia đình từ 30 triệu đồng trở lên. Có vốn, các gia đình tiếp tục đầu tư phát triển nhiều ngành nghề tại địa phương. Từ đó họ thành ông chủ kinh doanh dịch vụ, buôn bán, xây dựng cho đến những mô hình trang trại, mô hình kinh tế lớn. Chính vì thế thu nhập bình quân của người dân rất cao.

Cần nhiều chính sách đồng bộ và giải quyết rủi ro

Theo số liệu của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa, trong 9 tháng năm 2023, tỉnh Thanh Hóa đã “ghi điểm” khi đưa được hơn 10.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, vượt mục tiêu xuất khẩu lao động của cả năm.

Người lao động cần được đào tạo về kiến thức, kỹ năng sống khi lao động ở nước ngoài.

Theo đó, 9 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh tạo việc làm cho 47.620 lao động (đạt 82,1% kế hoạch năm và bằng 108,7% cùng kỳ năm 2022). Trong đó, có 10.021 lao động được đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài (đạt 200,4% kế hoạch năm và bằng 126,2% cùng kỳ năm 2022). Lao động nước ngoài tập trung vào các thị trường trọng điểm như: Nhật Bản 4.672 lao động; Đài Loan là 3.524 lao động; Hàn Quốc 1.236 lao động...

Ngoài thị trường truyền thống, các đơn vị cung ứng dịch vụ xuất khẩu lao động trong tỉnh cũng từng bước mở rộng những thị trường mới, thị trường tiềm năng như: châu Âu, Australia, Đức... bước đầu có tín hiệu đáng mừng.

Người lao động cần chấp hành nghiêm quy định, pháp luật của nước sở tại.

Hiện nay, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyển chọn, đào tạo nguồn lao động và tiếp tục đàm phán để mở rộng các thị trường mới để tạo thêm nhiều cơ hội việc làm mới cho người lao động, ở những thị trường có thu nhập cao.

Trong nhiều năm qua, tỉnh Thanh Hóa xác định xuất khẩu lao động là hướng giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững. Nhờ xuất khẩu lao động, hàng ngàn người dân đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.

Quản lý chặt các đơn vị cung ứng dịch vụ đưa người đi lao động ở nước ngoài.

Thanh Hóa cũng đã thành lập, kiện toàn, duy trì hoạt động Ban chỉ đạo các cấp để thực hiện đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ tỉnh đến cơ sở; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ban ngành, đoàn thể, đảm bảo đưa người làm việc ở nước ngoài theo đúng mục đích, đúng qui định pháp luật, tiến tới chấm dứt tình trạng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trái pháp luật, người lao động vi phạm pháp luật nước sở tại, tự ý ở lại nước ngoài cư trú, làm việc bất hợp pháp.

Ngoài ra, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn cũng đã chủ động ban hành kế hoạch điều tra, rà soát, cập nhật thông tin biến động cung, cầu lao động; tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng và chủ động tư vấn xuất khẩu cho người lao động, nhất là lao động khu vực nông thôn, vùng núi khó khăn, lao động thuộc đối tượng chính sách, người dân tộc.

Con đường làm giàu với nhiều người dân ngắn hơn khi xuất khẩu lao động.

Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được vay vốn, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, ngoại ngữ, vị trí việc làm phù hợp. Tuy nhiên, cần xiết chặt quản lý các công ty, đơn vị cung cấp dịch vụ đưa người đi làm việc tại nước ngoài. Cần minh bạch hóa các thủ tục để những đơn vị chưa đủ điều kiện, “mang con bỏ chợ” hoặc trốn tránh trách nhiệm khi xảy ra sự cố, rủi ro với lao động đang làm việc tại nước sở tại.

Trong thời đại mở, công nghệ thông tin bùng nổ, đi lại thuận tiện, việc lao động ở nước ngoài cũng không khác so với ở trong nước. Các đơn vị cần có kênh kết nối liên lạc, nắm bắt tình hình tâm tư, nguyện vọng của lao động ở nước ngoài để thuận tiện trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh. Người lao động cần nâng cao tay nghề, chấp hành nghiêm kỷ luật, quy định của nước sở tại để tránh vướng vào những rắc rối không cần thiết. Khi hết thời hạn, người lao động trở về với gia đình, khởi nghiệp tại quê nhà để đảm bảo đời sống lâu dài.

Thanh Phương

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/rong-cua-xuat-ngoai-lao-dong-nguoi-dan-som-doi-doi-401900.html