Rộng đường xuất khẩu gạo cho các doanh nghiệp nhỏ

Sau khi Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bằng việc xóa bỏ quy định thương nhân xuất khẩu gạo phải có kho chứa tối thiểu 5.000 tấn và cơ sở xay xát tối thiểu 10 tấn/giờ trong Nghị định 107 được ban hành, mới đây, số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo đã tăng lên rất nhiều. Kéo theo là chất lượng gạo xuất khẩu cũng được chú trọng và nâng cao.

Nghị định 107 tạo cơ hội cho doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo đến các thị trường ngách - Ảnh: Tuyết Nhung

Nghị định 107 tạo cơ hội cho doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo đến các thị trường ngách - Ảnh: Tuyết Nhung

Cuộc đua xuất khẩu gạo tại Việt Nam đã bắt đầu mở ra sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo, đã có hiệu lực từ ngày 1.10 vừa qua. Nghị định này thay thế Nghị định 109/2010/NĐ-CP vốn gây nhiều khó khăn, thậm chí loại nhiều công ty xuất khẩu gạo quy mô nhỏ ra khỏi thị trường trong gần 8 năm qua.

Chú trọng chất lượng

Điểm đáng chú ý nhất của Nghị định 107/2018 là Chính phủ đã bãi bỏ quy định thương nhân xuất khẩu gạo phải có kho chứa tối thiểu 5.000 tấn và công suất cơ sở xay xát tối thiểu 10 tấn thóc/giờ. Thay vì phải sở hữu kho chứa, cơ sở xay xát như trước đây, giờ đây các thương nhân có thể đi thuê. Điều này đã làm giảm đáng kể chi phí cho các doanh nghiệp quy mô nhỏ.

Ngoài ra, việc cởi bỏ những quy định không cần thiết trên được cho là cơ hội cho nhiều thương nhân tham gia thị trường xuất khẩu gạo, khiến gạo Việt Nam không chỉ gia tăng về số lượng trên thế giới mà bài toán về chất lượng cũng phải được chú trọng vì tính cạnh tranh cao.

Tại Hội nghị Gạo quốc tế Việt Nam diễn ra ngày 10.10, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết hiện gạo Việt Nam đã có mặt trên 150 quốc gia. Nghị định 107 sẽ là cơ hội cho nhiều doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất, xuất khẩu. Đây cũng là lúc các doanh nghiệp liên kết với thành vùng nguyên liệu chuyên canh để tạo ra những hạt gạo xuất khẩu với chất lượng thực sự.

Ông Nguyễn Chánh Trung - Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Tân Long (Đồng Tháp) chia sẻ: "Nghị định 107 sẽ cắt giảm các điều kiện về kinh doanh xuất khẩu gạo, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia vào sân chơi xuất khẩu. Trong thời gian tới, tôi tin thị trường xuất khẩu gạo sẽ sôi động, nguồn cung dồi dào. Kim ngạch xuất khẩu gạo 9 tháng đầu năm tăng rất nhanh, giá gạo cũng có lúc chạm ngưỡng cao. Tuy nhiên, trong giai đoạn cuối năm và năm 2019 dự báo xuất khẩu nên nhìn vào thị trường. Chẳng hạn như hiện giá gạo hạt dài của ta cao hơn Thái Lan. Một khi cùng chủng loại mà giá của nước ta cao hơn nước bạn thì chắc chắn các doanh nghiệp sẽ chọn gạo Thái Lan".

Ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời cũng bình luận: "Quy định mới tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp nhỏ tham gia sản xuất gạo sạch, gạo hữu cơ để có cơ hội xuất khẩu. Đặc biệt, nghị định mới còn tạo động lực cho thương nhân xuất khẩu, xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết bao tiêu cho nông dân bằng các chính sách ưu đãi".

Xây dựng thương hiệu "Gạo Việt"

Dẫn câu chuyện xây dựng thương hiệu gạo từ Thái Lan, ông Martin Albani - chuyên gia từ Tập đoàn Tài chính quốc tế phân tích: "Thái Lan luôn đưa ra phía trên của thương hiệu là chỉ dẫn địa lý, đây là yếu tố bảo hộ thương hiệu gạo của họ. Đầu tiên họ làm ở cấp quốc gia, sau đó đưa hồ sơ lên EU, việc này giúp thúc đẩy xây dựng thương hiệu gạo đặc sản Thái Lan, nâng cao giá bán so với sản phẩm thông thường. Theo khảo sát, người tiêu dùng chấp nhận trả mức giá cao hơn gấp đôi so với sản phẩm thông thường để mua các sản phẩm có nguồn gốc, có chỉ dẫn địa lý. Kinh nghiệm xây dựng thương hiệu gạo của Thái Lan là điều mà Việt Nam có thể học hỏi".

Qua đó, ông Martin Albani khuyến nghị doanh nghiệp tư nhân cần chọn sản phẩm hoặc nhóm sản phẩm và các lợi ích của nhóm sản phẩm đó. Đối với khu vực công và nhà nước, cần xác định mục tiêu phát triển của ngành gạo mà Việt Nam cam kết như tập trung vào chất lượng, hay là các khía cạnh khác mà chính phủ muốn thúc đẩy.

Bên cạnh việc tạo dựng môi trường thông thoáng cho hoạt động sản xuất, thương mại gạo tại Nghị định 107, chính phủ cũng đặt ra mục tiêu, yêu cầu tăng cường liên kết gắn sản xuất với thị trường theo chuỗi giá trị. Phải bảo đảm chất lượng gạo xuất khẩu, tham gia sâu vào giá trị gạo toàn cầu, đồng thời phải xây dựng và khẳng định uy tín thương hiệu gạo Việt Nam.

Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tính đến 15.9 vừa qua, Việt Nam đã xuất khẩu gạo đạt 4,73 triệu tấn, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm ngoái, với giá trị 2,38 tỉ USD, tăng 24,8%. Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu đã chuyển dịch tích cực, tăng dần gạo trắng chất lượng trung bình và cao, gạo thơm, giảm dần gạo trắng chất lượng thấp. 8 tháng đầu năm 2018, gạo trắng chất lượng thấp chỉ còn chiếm tỷ trọng 2,01% tổng lượng gạo xuất khẩu. Trong khi đó, gạo trắng chất lượng cao và trung bình chiếm tổng cộng 42,46% và gạo thơm chiếm tới 33,24% tổng lượng gạo xuất khẩu.

Số liệu trên cũng phần nào cho thấy sản xuất, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã chuyển mạnh theo hướng chất lượng và giá trị gia tăng, thúc đẩy sản xuất an toàn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ được quan tâm phát triển. Sản phẩm gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện nay chiếm tỷ trọng cao nhất là gạo trắng chất lượng cao và trung bình, gạo thơm, gạo nếp.

Dự báo xuất khẩu gạo thời gian tới, ông Nguyễn Chánh Trung nhấn mạnh: "Tín hiệu tích cực cho xuất khẩu gạo của Việt Nam thời gian tới là có nhiều doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất và chế biến gạo chất lượng cao. Tham gia vào mảng sản xuất, canh tác lúa - gốc để tạo ra chất lượng, vì giám sát được khâu sản xuất thì mới giám sát được chất lượng gạo, cũng như công tác xử lý sau thu hoạch. Theo đó, yêu cầu về vốn và con người cần phải được đưa ra. Với năng lực cũng như tiềm năng của thị trường gạo Việt Nam thì trong thời gian tới, tôi tin các doanh nghiệp có thể đáp ứng được tiêu chuẩn của các thị xuất khẩu, đặc biệt là thị trường ngách như: EU, Tây Á, Nga..."

Về công tác phát triển thị trường xuất khẩu cho mặt hàng gạo, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết việc này đã được Việt Nam xác định rõ mục tiêu, phương hướng cụ thể tại Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017-2010, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 7.2017.

Theo đó, định hướng đặt ra với 4 mục tiêu cụ thể sau: phát triển thị trường xuất khẩu gạo để nâng cao hiệu quả và thúc đẩy xuất khẩu gạo; phát triển thị trường xuất khẩu gạo để định hướng công tác quy hoạch và tổ chức sản xuất lúa gạo hàng hóa trong nước; phát triển thị trường xuất khẩu gạo gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng thương hiệu gạo xuất khẩu; phát triển thị trường gạo xuất khẩu gạo theo hướng đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc vào một số thị trường nhất định.

Tuyết Nhung

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/thi-truong-kinh-doanh-c-97/rong-duong-xuat-khau-gao-cho-cac-doanh-nghiep-nho-98592.html