Ròng rã 7 năm bám bệnh viện, người mẹ nghèo nhặt ve chai sống qua ngày

Bảy năm qua từ khi con trai bị tai nạn, sống cảnh thực vật thì bà Toóng cũng chưa một lần được về nhà.

Ngay cả tết nhất, lễ cưới của các con bà cũng không thể có mặt mà đành trông nhờ vào họ hàng, bà con dân bản. Trâu bò đã bán hết, giờ đây để hai mẹ con cầm cự, “bám” bệnh viện, hàng ngày người phụ nữ ấy phải tranh thủ đi nhặt ve chai.

Suốt 7 năm qua, bà Toóng rời làng bản, xuống bệnh viện chăm sóc con trai sống thực vật.

Chăm con bệnh tật, mẹ cũng nhập viện

Tại một phòng nhỏ ở khoa Nội 4, Bệnh viện Quân y 4 (đóng trên địa bàn TP Vinh, Nghệ An), có một nam thanh niên gầy rộc, đang nằm bất động. Ở giường bên cạnh, người phụ nữ với gương mặt khắc khổ cũng đang được các y tá truyền thuốc.

Hỏi ra mới biết, đó là hai mẹ con. Bà Vi Thị Toóng (52 tuổi), trú bản Kèo Lộc 1, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) sau thời gian chăm con trai Lương Văn Khăm (28 tuổi) tại bệnh viện cũng đổ bệnh, nhập viện.

Để thuận tiện cho việc chăm sóc, bệnh viện đã tạo điều kiện cho hai mẹ con nằm cùng phòng bệnh. Dù đang phải truyền thuốc, nhưng đến tầm trưa, bà liền ra hiệu với y tá cho mình được đến chăm con.

“Đến giờ rồi, tôi phải cho cháu nó ăn, kẻo đói”, bà nói tiếng Kinh với giọng lơ lớ. Cầm chiếc xi lanh tiêm cỡ lớn, bà cẩn thận hút nước cháo loãng rồi bơm vào ống nhựa thông qua mũi con trai. Khi ống nhựa bị tắc, đứa con khẽ rên, bà tạm dừng, dùng tay vuốt nhẹ lên ngực con, rồi tiếp tục công việc.

Những động tác khó ấy được bà Toóng thực hiện một cách thuần thục, bởi đây là việc diễn ra hàng ngày suốt 7 năm qua. Bảy năm về trước, anh Khăm là chàng thanh niên khỏe mạnh, xung phong đi nghĩa vụ quân sự.

Cuối năm 2011, sau khi hết nghỉ phép, Khăm chào bố mẹ, trở về đơn vị. Đang di chuyển trên đường thì chiếc xe ôm chở anh Khăm bị xe chở gỗ tông phải. Khăm bị hất văng ra đường, gãy chân, chấn thương sọ não.

Được người dân đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng mê man, bất tỉnh, Lương Văn Khăm nhanh chóng được chuyển ra Bệnh viện Quân y 103 điều trị. Gần 4 tháng ròng rã ngoài Hà Nội, vợ chồng bà Toóng phải ngồi ngủ gật ở hành lang, ăn bánh mỳ và uống nước cầm hơi.

Dù được các bác sỹ báo trước là tiên lượng xấu, đôi vợ chồng vẫn luôn cầu mong phép màu sẽ xảy ra. Nhưng sau thời gian dài chữa trị mà con trai vẫn nằm bất động, trong khi tiền bạc đã khánh kiệt, bà đành xin đưa con về Bệnh viện Quân y 4 để đi lại thuận tiện và đỡ tốn kém.

Từ đó đến nay, gần 7 năm ròng rã, mẹ con bà phải “bám” lấy bệnh viện để sống. Đôi mắt đỏ hoe, bà Toóng tâm sự: “7 năm trôi qua, con ở đâu là tôi ở đó. Cũng chừng ấy năm tôi chưa được về thăm quê, bà con dân bản”.

Ngay cả đám cưới 3 đứa con, bà cũng không có mặt mà đành trông chờ vào chồng, anh em họ hàng, bà con dân bản đến phụ giúp. “Thương các con lắm, nhưng giờ tôi mà về thì ai trông chừng thằng Khăm đây.

Không những chuyện ăn uống, hàng ngày phải có người nắn bóp chân tay cho cháu nếu không nguy cơ lở loét rất cao. Đến lúc đó thì chữa trị lại càng khó”, bà nói.

Đó là chưa kể những dịp lễ tết, người mẹ ấy cũng hy sinh tất cả để ở bên con, cần mẫn chăm sóc cho đứa con chỉ nằm một chỗ. Bà trầm ngâm: “Tết nhất hầu như ai cũng về nhà để đoàn tụ cùng gia đình.

Riêng tôi đã 7 năm qua phải ăn tết trong bệnh viện. Lo đút cháo, vệ sinh cho con xong, tôi lại ra cổng nhìn xe cộ, người đi đường cho đỡ buồn. Một số hộ dân sống gần bệnh viện sau khi biết hoàn cảnh đã biếu tôi cây bánh chưng, gói kẹo.

Nhờ vậy giúp tôi vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê”. Cũng có mấy lần ông Lương Văn Phương (56 tuổi, chồng bà) đánh tiếng thay phiên trực nhưng bà nhất quyết không chịu.

Thứ nhất vì bà không muốn chồng chịu khổ cực. Hơn nữa, bà không yên tâm khi giao đứa con đau yếu cho người không thành thạo công việc chăm sóc.

Bà chia sẻ, sau thời gian dài túc trực bên giường bệnh chăm sóc con trai, bản thân đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm giống như một y tá thực thụ. Cũng từ khi con trai gặp nạn, bao nhiêu tài sản trong gia đình bà Toóng đều bán sạch.

Bà nhẩm tính, đến nay gia đình đã bán tất cả 8 con trâu, bò để lấy tiền chữa bệnh cho con. Đó là chưa kể đàn dê, con gà mà ông bà khó khăn lắm mới có được cũng phải bán non. Chưa hết, những tài sản trong nhà mà gia đình tích góp nhiều năm cũng lần lượt bán đi để đi tìm sự sống con con.

Thế nhưng, tài sản đã cạn liệt mà đứa con ấy vẫn nằm bất động, không chút tiến triển. Để cầm cự, ông Phương càng nai lưng làm việc. Nhưng thu nhập bấp bênh, nương rẫy hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên nên thường xuyên mất mùa.

Ông cho biết, trận lũ mới đây đã quét sạch rau màu của gia đình. “Cũng may căn nhà nhỏ của gia đình tôi chưa bị nước lũ cuốn trôi, chứ nếu không coi như chúng tôi trắng tay, không còn chỗ chui ra, chui vào”, ông nói.

Mong chờ phép màu

Ngồi bóp chân tay cho con trai, bà Toóng buồn rầu: “Cũng có vài người nói nhỏ với vợ chồng tôi “hay là buông đi, chứ giờ thằng Khăm chỉ sống thực vật như vậy thì khổ mình”. Nhưng tôi làm sao buông được, chỉ còn 1 phần trăm sự sống, tôi cũng sẽ bám bệnh viện, ở bên chăm sóc con”.

Hay có người khuyên bà đưa con về nhà để tiện cho cuộc sống, việc chăm sóc, nhưng bà lắc đầu: “Nó đã chịu đau đớn, bất hạnh như vậy rồi thì mình phải cố gắng cho con điều trị tốt nhất”. Hơn nữa, từ khi con nằm viện, gia đình bà không còn cái gì giá trị để bán.

Giờ nếu đưa Khăm về sẽ không còn gì để ăn, cũng không có tiền mua thuốc. Ở đây may ra có bữa cơm, bữa cháo và có thêm niềm hy vọng một ngày nào đó đứa con ấy sẽ hồi tỉnh. Mong mỏi con trai hồi tỉnh của người mẹ ấy càng có chút hy vọng khi vài tháng trở lại đây, anh Khăm đã biết mở mắt mỗi khi được người thân gọi tên.

Bà Toóng hạnh phúc khoe: “Hôm trước tôi kêu “Khăm ơi, Khăm ơi” thì thấy mắt cháu đột nhiên mở ra, miệng cố nở nụ cười. Lúc đó, tôi hạnh phúc lắm, hai hàng nước mắt cứ rơi. Tôi chỉ mong một ngày nào đó, thằng Khăm có thể đứng lên, đi lại như bao người khác”.

Ngồi nhìn đứa con nằm bất động, người mẹ buồn rầu tâm sự: “Mỗi lần chứng kiến bạn bè, đồng đội cũ đến thăm là lòng tôi lại đau. Bằng tuổi nó, giờ bạn bè đã có vợ con, tạo dựng sự nghiệp, còn con tôi thì…

Giá như, cháu nó không gặp phải vụ tai nạn trớ trêu ấy thì tương lai đã khác”. Sống trong cảnh khó khăn, nhưng người mẹ ấy không bao giờ bỏ cuộc. Để cầm cự, ngoài số tiền trợ cấp 700 nghìn đồng mỗi tháng, hàng ngày tranh thủ thời gian con ngủ, bà Toóng lại đi nhặt ve chai, ống lon về bán.

Chia sẻ với người mẹ nghèo, hầu hết người nhà bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Nội 4 và các khoa khác đều gom các loại phế liệu giúp đỡ bà Toóng. Bà kể, hôm nào được nhiều thì kiếm được 30 nghìn đồng, còn trung bình mỗi ngày chừng 10 nghìn đồng.

Với số tiền đó, bà góp để mua cháo, mua tã lót cho con. Mới đây, biết hoàn cảnh khó khăn, lãnh đạo bệnh viện đã quyết định hỗ trợ suất ăn cho bà Toóng. Hôm nào bà đổ bệnh, thì ông Phương xuống chăm cả vợ lẫn con.

Lúc này, suất cơm từ thiện ấy được chia đôi. Ông Phương tâm sự: “Ăn như vậy sẽ không đủ no, nhưng biết làm sao được trong hoàn cảnh này. Con chúng tôi xác định sống “chung thân” ở bệnh viện thì tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy.

Giờ đây, với gia đình chúng tôi, bệnh viện giống như nhà của mình”. Bác sỹ Nguyễn Đức Anh, Chủ nhiệm Khoa Nội 4 cho biết, bệnh nhân Lương Văn Khăm vào Bệnh viện Quân y 4 khi đã bị liệt tứ chi, cứng khớp, chấn thương sọ não, phải sống thực vật.

Hướng điều trị của bệnh viện là hàng ngày truyền dịch nuôi dưỡng, dùng thuốc tăng cường tuần hoàn não, chống động kinh và chăm sóc phòng, chống bội nhiễm. Việc bệnh nhân phục hồi chỉ trông chờ vào kỳ tích.

Vì thế, việc điều trị chắc chắn còn lâu dài. Mẹ con anh Khăm rất cần được sự chia sẻ giúp đỡ của các nhà hảo tâm. Mọi sự giúp đỡ cho nhân vật trong bài viết, bạn đọc vui lòng liên hệ nhà báo Tuyết Lan, số điện thoại: 0968115998, để được hướng dẫn cụ thể.

Kim Long

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/rong-ra-7-nam-bam-benh-vien-nguoi-me-ngheo-nhat-ve-chai-song-qua-ngay-d77402.html