Rong ruổi đời du mục

Chung tay xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

Cứ đến mùa khô, nhiều hộ chăn nuôi tại huyện Châu Đức lại dồn bò thành đàn lớn để thả trên các cánh đồng. Hành trình du mục của họ chỉ dừng lại, đưa bò về chuồng trại khi mùa mưa về.

Những người chăn nuôi rong ruổi cùng đàn bò trên khắp cánh đồng.

Những người chăn nuôi rong ruổi cùng đàn bò trên khắp cánh đồng.

Rong ruổi từ mùa khô đến mùa mưa

Tháng 5, nắng như đổ lửa bao phủ khắp mặt đất. Trên những bãi cạn ven hồ thủy lợi hay cánh đồng lúa vừa thu hoạch ở huyện Châu Đức xuất hiện những đàn bò với số lượng lớn được người dân di chuyển tới chăn thả.

Đứng giữa nắng chang chang trông chừng đàn bò gần 100 con trên cánh đồng thôn 6 (xã Bình Trung), ông Lý Minh Phương (SN 1958, ngụ huyện Châu Đức), người có gần 20 năm chăn nuôi theo kiểu du mục cho biết, đầu mùa khô, ông cùng 4 gia đình ở thôn 1 (xã Bình Trung) dồn bò thành 1 đàn lớn rồi lùa đi chăn thả. Điểm đầu tiên họ tới là cánh đồng ở xã Xuân Sơn cách nhà chừng 7km. Dựng lều tạm để ở và chăn thả bò khoảng 1 tuần thì hết cỏ, họ lại gỡ lều, di chuyển đàn bò tới cánh đồng lúa vừa gặt xong ở xã Bình Trung.

Đàn bò no căng bụng được lùa về quanh lều tạm giữa cánh đồng. Họ buộc bò vào những cọc nhỏ để ngăn ban đêm bò chạy loạn, thất lạc rồi mới lọ mọ lo cơm nước. Màn đêm nhanh chóng ập xuống, cánh đồng chìm trong màu đen kịt, điểm sáng duy nhất phát ra từ chiếc đèn pin leo lét trong lều.

Từ 6 giờ, họ ăn uống qua loa rồi lùa bò từ nơi lều tạm rời đi chăn thả. Đàn bò gần 100 con cần tới 5 người trông coi. Trong lúc đàn bò nhởn nhơ gặm cỏ, ông Phương tranh thủ chạy đi tìm hồ nước, con suối gần nơi chăn thả để buổi trưa lùa bò tới uống nước. “Hồ nước phải đủ lớn nếu không đàn bò đông sẽ dẫn đến tranh giành”, ông Phương nói.

Vai mang ba lô, tay cầm roi có gắn sợi cước, những người chăn bò liên tục di chuyển đàn bò đi chăn thả khắp các bãi cỏ, cánh đồng rộng lớn. Một ngày rong ruổi theo đàn bò giữa nắng cháy chỉ kết thúc khi mặt trời dần khuất bóng.

Theo ông Phương, đàn bò sẽ ở trên cánh đồng xã Bình Trung khoảng 2 tuần đến lúc hết thức ăn thì sẽ dời đi nơi khác. Cứ như vậy, những người chăn nuôi kiểu du mục cứ rong ruổi cùng đàn bò đi hết mùa khô, đến lúc mùa mưa tới mới dừng bước. “Mùa mưa, ruộng ngập, nơi khô thì người dân canh tác khoai mì, bắp… Đàn bò lớn như vậy vừa không có chỗ chăn thả vừa không quản lý được. Do đó, chúng tôi phải lùa về, tách đàn cho từng gia đình quản lý, chăn thả”, ông Ngô Văn Sinh (SN 1983, ngụ xã Bình Trung) một người chăn bò lý giải.

Mùa khô, nhiều người dồn bò thành đàn lớn chăn thả trên các cánh đồng.

Gồng mình giữ đàn

Hơn 2 năm nay, giá bò thịt lẫn bò nuôi chạm “đáy”, trong khi giá thức ăn không ngừng tăng cao, khiến người dân không còn mặn mà với chăn nuôi. “Những con bò trước kia bán với giá từ 40-60 triệu đồng, bây giờ chỉ bán được khoảng 20 triệu đồng, thậm chí không có người hỏi mua. Càng nuôi càng lỗ nhưng chúng tôi ngoài nghề chăn nuôi ra chẳng biết làm gì nên phải gồng mình giữ đàn”, ông Phương thở dài.

Theo ông Phương, chăn nuôi theo kiểu du mục họ sẽ giảm được chi phí thức ăn cho đàn bò, nhất là trong giai đoạn rớt giá như hiện nay. Ngoài ra, họ còn kiếm thêm thu nhập để trang trải cho cuộc sống hàng ngày. Theo đó, những gia đình không có thời gian đưa bò đi chăn sẽ trả công cho nhóm người đi chăn từ 5-10 ngàn đồng/con/ngày tùy theo bò lớn hay nhỏ. Tại những nơi dựng lều tạm để chăn thả, mỗi lần di chuyển cũng thu được gần 100 bao phân bò, bán với giá từ 30-35 ngàn đồng/bao.

Niềm vui của những người chăn nuôi được nhân lên khi đàn bò sinh sôi, nảy nở thêm nhiều con trong hành trình du mục. “Gần 3 tháng lùa đi chăn thả, đàn bò của tôi đã đẻ 5 con bê, trông khỏe mạnh nên vừa đẻ ra đã chạy đi ăn theo đàn trông vui lắm”, ông Sinh vui mừng chia sẻ.

Bài, ảnh: MẠNH QUÂN

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/xa-hoi/202305/rong-ruoi-doi-du-muc-979311/