Rooney kể về sự hy sinh của Park để Ronaldo tỏa sáng

Qua lời Wayne Rooney, người ta thấy sức mạnh và tầm quan trọng của những cầu thủ thường bị gắn mác 'công nhân' trong bóng đá như Park Ji Sung.

Trong bài viết cuối tuần cho The Times, Rooney nhấn mạnh về tinh thần tập thể trong bóng đá và tin rằng trong giai đoạn thành công bậc nhất của mình tại Manchester United, Park Ji Sung là mảnh ghép không thể thiếu để “Quỷ đỏ” gặt hái vinh quang.

Những dòng tâm sự của Rooney cũng lý giải tại sao anh trở thành một cầu thủ luôn sẵn sàng hy sinh cho đội bóng.

Rooney luôn đề cao tinh thần tập thể ở Manchester United. Ảnh: Getty.

Tập thể thắng, cá nhân thua

Các cầu thủ bóng đá luôn biết rằng những ngôi sao lớn không giúp đội bóng thắng trận. Không có sự hỗ trợ từ đồng đội, bạn sẽ không thể vô địch. Tôi từng chứng kiến một cậu nhóc 12 tuổi nhớ về Ronaldo với sự hào hứng, “Ronaldo từng chơi rất hay cho MU”, nhưng cậu bé ấy lại chẳng biết Park Ji-sung là ai.

Điều đó thật điên rồ. Tất cả những cầu thủ từng thi đấu với tôi và Park đều biết vai trò của cậu ấy trong đội bóng. Park, cũng như nhiều cầu thủ không quá nổi tiếng khác, đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong bóng đá.

Từ khi còn là một đứa trẻ, tôi đã biết tầm quan trọng của tập thể. Bạn không thể giành chiến thắng một mình. Nó không chỉ là lối chơi, nó còn là tinh thần.

Khi tôi còn ở Everton, sau mỗi chiến thắng luôn là một bữa tiệc hoành tráng. Sang United, mọi thứ vô cùng khác biệt. Chiến thắng là điều bắt buộc. Danh hiệu đầu tiên của tôi tại MU là League Cup năm 2006, khi đó tôi cảm thấy vô cùng mĩ mãn và bắt đầu nghĩ: “Đến lúc ăn mừng rồi”.

Tôi đã lầm, sau khi toàn đội bay về từ Cardiff, nơi đá trận chung kết, ai về nhà nấy.

Các HLV luôn đề nghị các cầu thủ thi đấu vì tập thể. Chỉ một cầu thủ thiếu kỷ luật trên sân, kế hoạch của đội bóng sẽ bị phá sản. Khi tôi còn ở Everton, HLV từng yêu cầu toàn đội chơi lùi sâu và phòng ngự, thế rồi Thomas Gravesen cứ thích lao lên giữa sân. Các CĐV thích thú với điều đó nhưng chúng tôi thì không. Chỉ tiền đạo mới được làm thế.

Đội bóng chơi tập thể hay nhất thế giới hiện nay theo tôi là Atletico Madrid. Tôi đã xem họ đánh bại Liverpool ở Anfield vào tháng 3. Họ lùi sâu trong khoảng 70 phút và cảm tưởng như cùng hô “xung phong” trong 3 hay 4 phút gì đó, rồi tạo ra cú sốc cho Liverpool.

Những đội bóng giỏi là những đội luôn giữ vững nguyên tắc và tinh thần tập thể trong nhiều hoàn cảnh khác nhau: khi dẫn trước hoặc bị dẫn bàn, khi tỷ số hòa…

Thi thoảng bạn gặp phải những đối thủ có khả năng khiến bạn không còn là chính mình. Ở MLS tôi phải đối đầu với Chicago Fire, có Bastian Schweinsteiger chơi ở vị trí tiền vệ trung tâm.

Cực khó luôn, vì Bastian di chuyển đến một vài vị trí lạ lùng, nhận bóng rồi nhử tôi lao lên cướp bóng, khiến tôi phá vỡ cự ly đội hình của đội. Lúc thì Bastian sang trái, lúc thì sang phải, anh ấy là một trong những cầu thủ giỏi nhất trong khoản này. Thế là tôi bảo: “Được rồi, anh cứ chạy đâu anh thích, tôi chỉ ở đây và chờ bóng”. Anh ấy đáp lại với nụ cười: “Đừng lo lắng, tôi đi đây”.

Bạn có thể đi hỏi bất kỳ tiền đạo hay tiền vệ trung tâm nào và họ sẽ nói rằng phần quan trọng nhất để đối đầu với một trung vệ đó là khi họ giữ bóng trong chân.

Rooney đánh giá Park là mảnh ghép quan trọng cho thành công của MU những năm trước. Ảnh: Getty.

Park quan trọng ngang Ronaldo

Khi tôi mới gia nhập MU, HLV nói: “Tôi đang xây dựng một đội bóng, tôi đã mang về Ronaldo và tôi nghĩ cậu ta sẽ trở thành cầu thủ hàng đầu. Tôi mua cậu và tôi sẽ đưa vào đội hình Darren Fletcher, Wes Brown hay John O’Shea bên cạnh những cầu thủ kinh nghiệm như Giggs, Scholesy và Rio (Ferdinand).”

Một HLV giỏi luôn là người biết cách đoàn kết và sử dụng tốt nhất những mảnh ghép khác nhau trong đội bóng. Tôi biết tại sao Ferguson phải nói những điều trên với mình. Khi ấy Roy Keane, Ruud van Nistelrooy mới ra đi và nhiều người bắt đầu lo lắng.

Tuy nhiên, HLV luôn có cái nhìn toàn cảnh. Khi bạn nhìn lại những trận đấu quan trọng nhất của United hơn một thập niên qua, bạn sẽ thấy Park hay Fletcher luôn góp mặt. Họ cực kỳ quan trọng với chúng tôi.

Những cầu thủ như tôi, Ronaldo hay Tevez luôn xuất hiện trên mặt báo nhưng kỳ thực, trên sân, Park hay Fletcher quan trọng không kém. Trong phòng thay đồ, mọi người đều biết họ là những cầu thủ sẵn sàng hy sinh cho đội bóng.

Khi Fergie họp đội trước trận gặp AC Milan, ông ấy bảo Park: “Nhiệm vụ của cậu hôm nay không phải là chạm hay chuyền bóng gì cả, nhiệm vụ duy nhất của cậu là Pirlo. Kèm Pirlo, chấm hết”.

Ngày ấy Andrea Pirlo có trung bình 110 đường chuyền/trận. Chỉ cần 60-70 đường chuyền hướng lên trên thôi cũng đủ để tổn thương bạn. Trò quen thuộc của Pirlo là khi nhận bóng từ hậu vệ, anh ta sẽ phất các đường chuyền qua đầu hàng thủ đối phương, để Andriy Shevchenko hoặc Kaka thoát xuống. Pirlo là số 1 trong khoản đó.

Thế là Fergie bảo Park: “Cậu không được để anh ta chuyền như thế. Không được cách xa anh ta 1 m hoặc trễ 1 giây”. Tôi nghĩ rằng Pirlo đã có khoảng 40 đường chuyền sau trận gặp MU, đa số là chuyền về vì Park đã có một màn trình diễn không tưởng.

Thể chất và tinh thần thi đấu của Park thật phi thường, kèm Pirlo kiểu đó cực khó và phần còn lại của đội bóng rất hài lòng. Park và Fletcher là những người giúp toàn đội tiến bộ trên khía cạnh tập thể. Họ là những tấm gương cho các cầu thủ khác nhìn vào, và noi theo hy sinh vì đội bóng.

Park Ji-sung - 'Người ba phổi' của Man Utd Park Ji-sung là một trong những cầu thủ châu Á thành công nhất lịch sử Premier League. Trong 7 năm khoác áo MU, anh gây ấn tượng bởi nền tảng thể lực và sự nhiệt huyết trên sân.

Hồng An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/rooney-ke-ve-su-hy-sinh-cua-park-de-ronaldo-toa-sang-post1085869.html