Roscosmos: Người Nga sẽ không 'mạo hiểm tính mạng' lên tàu vũ trụ Mỹ

Theo cơ quan vũ trụ quốc gia Nga, các phi hành gia nước này sẽ không sử dụng tàu của Mỹ vì lo ngại an toàn, ngay cả khi họ đạt được thỏa thuận với NASA.

Các phi hành gia của Nga sẽ không bay trên tàu vũ trụ Mỹ vì lo ngại về an toàn, theo ông Dmitry Rogozin, người đứng đầu cơ quan vũ trụ quốc gia Nga Roscosmos. Ông nói thêm rằng họ vẫn chưa đạt được thỏa thuận với NASA (cơ quan vũ trụ quốc gia Mỹ) về việc chia sẻ chỗ ngồi trên các tàu của nhau.

Trạm vũ trụ quốc tế ISS. (Ảnh: NASA/Getty)

Trạm vũ trụ quốc tế ISS. (Ảnh: NASA/Getty)

Ông Rogozin nói NASA thúc đẩy thỏa thuận chia sẻ chỗ ngồi vì người Mỹ không muốn “phí kỹ năng bay của họ trên tàu Nga”. Theo sáng kiến này, tàu Soyuz MS của Nga sẽ chở một người Mỹ và đổi lại một người Nga sẽ có chỗ ngồi trên tàu Mỹ. NASA dự định thực hiện việc đổi chỗ luân phiên 6 tháng một lần giữa các tàu của nhà sản xuất tư nhân Mỹ là Crew Dragon của SpaceX và Starliner của Boeing.

Tuy nhiên theo ông Rogozin, tàu vũ trụ Starliner đang ở trong "tình trạng nguy kịch".

“Lần đầu tiên bay nó đã gặp sự cố. Lần thứ hai nó hoàn toàn không bay được. Việc trì hoãn phóng lần tiếp theo kéo dài hơn hai năm nay. Bây giờ, họ lại cố gắng vận hành nó. Nhưng chúng tôi chắc chắn sẽ không đưa bất kỳ phi hành gia nào của chúng tôi lên tàu, chúng tôi không thể mạo hiểm tính mạng của họ”, ông nói với kênh truyền hình Rossiya 24.

Mặc dù Boeing phóng thành công chiếc Starliner đầu tiên vào tháng 12/2019, nhưng một sự cố phần mềm khiến nó không thể cập bến ISS (Trạm vũ trụ quốc tế). Tháng 8/2021, Starliner thực hiện một chuyến bay thử nghiệm không người lái nhưng phải dừng lại sau khi các đội bay phát hiện ra có vấn đề trong van liên kết với hệ thống đẩy của tàu. Lần phóng không người lái tiếp theo của tàu được lên kế hoạch vào 19/5.

Rogozin cũng tuyên bố rằng tàu SpaceX có vấn đề. “Chúng tôi tin tưởng vào những con tàu của mình… Những rắc rối lớn đang xảy ra trên tàu của Musk, bao gồm cả sự cố hệ thống cống thoát nước… Đây là một hệ thống hỗ trợ sự sống, không phải trò đùa, mà là vấn đề sức khỏe con người. Nếu những vấn đề như vậy tiếp tục xảy ra, rất khó để chúng tôi quyết định có một chuyến bay đổi chỗ trong thời điểm hiện tại”, ông nói.

Theo RT, cho đến gần đây, NASA không có khả năng tiếp cận ISS, mà dựa vào sự giúp đỡ của Nga kể từ khi hạ cánh phi đội tàu con thoi vào năm 2011. Họ đã trả cho Roscosmos khoảng 81 triệu USD cho mỗi chỗ ngồi trên tàu Nga vào năm 2018. Vào tháng 5/2020, Crew Dragon, tàu vũ trụ có thể tái sử dụng được công ty tư nhân SpaceX của Elon Musk phát triển, đã đưa hai người Mỹ lên vũ trụ bằng phương tiện do Mỹ sản xuất lần đầu tiên sau 9 năm.

Vào năm 2021, có thông báo rằng Anna Kikina, người phụ nữ duy nhất trong đoàn du hành vũ trụ Nga, có thể bay trên Crew Dragon của SpaceX, nếu thỏa thuận chia sẻ chỗ ngồi được hoàn thành. Nhưng tình hình đã "thay đổi đáng kể" kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, theo Rogozin. Ông đề cập đến các lệnh trừng phạt từ Mỹ, nói thêm rằng hiện tại còn quá sớm để đưa ra quyết định về chương trình này với NASA.

Phương Anh(Nguồn: RT )

Phương Anh(Nguồn: RT )

Nguồn VTC: https://vtc.vn/roscosmos-nguoi-nga-se-khong-mao-hiem-tinh-mang-len-tau-vu-tru-my-ar676974.html