Rót cả trăm tỷ, nhà đầu tư 'ôm hận' vì mua hớ cổ phần Nhà nước

Nhà đầu tư bỏ hàng trăm tỷ đồng mua cổ phần doanh nghiệp Nhà nước để rồi khi tiếp nhận thì phát hiện cổ phần vừa mua không khác gì 'giấy vụn'.

Mua phải "cục nợ" xấu trăm tỷ

Thoái vốn khỏi Thủy điện Hương Sơn, Tcty Sông Đà thu được 235 tỷ đồng.

Tổng công ty Sông Đà vừa hoàn tất thoái 53,9% vốn cổ phần tại CTCP Thủy điện Hương Sơn (mã CK: GSM) cho một nhóm nhà đầu tư gồm CTCP dịch vụ khách sạn Kim Thành, Công ty TNHH Đại Hiệp và bà Nguyễn Thị Nhân Ái.

Giá giao dịch là 15.300 đồng/CP, gấp rưỡi thị giá của cổ phiếu GSM đang giao dịch trên sàn UpCOM. Tổng công ty Sông Đà thu về 235 tỷ đồng, qua đó trở thành một trong những thương vụ thoái vốn thành công nhất trong năm.

Trái ngược, cổ đông mới của Thủy điện Hương Sơn lại đang rất hoang mang khi những mảng tối trong tình hình kinh doanh dần được phát lộ, với hàng trăm tỷ đồng nợ quá hạn ngân hàng, không có vốn triển khai đầu tư.

Chia sẻ với PV, bà Nguyễn Thị Nhân Ái – người vừa rót gần 45 tỷ đồng vào doanh nghiệp này cho hay: “Trước khi đấu giá, nếu chỉ nhìn vào những số liệu trên báo cáo do doanh nghiệp công bố thì chúng tôi không thể ngờ được tình hình lại bi đát đến vậy. Một phần cũng do tin tưởng là doanh nghiệp có vốn Nhà nước, làm ăn lâu năm sẽ có uy tín trên thị trường”.

Chỉ tính riêng khoản nợ tại ngân hàng Phát triển Việt Nam - chi nhánh Hà Tĩnh, đến cuối quý III/2017, Thủy điện Hương Sơn nợ quá hạn 135 tỷ đồng, dự kiến con số này sẽ tăng lên 145 tỷ vào cuối năm nay, tiếp tục chạm ngưỡng 180 tỷ đồng vào quý I/2018.

Trong khi đó với số vốn điều lệ của doanh nghiệp là 285 tỷ đồng, hầu hết tài sản đang kẹt tại nhà máy điện – khối tài sản lớn nhất của công ty. Đây cũng chính là nguồn cơn khiến doanh nghiệp vướng phải "vũng lầy" nợ đọng, "dự án thi công chậm 4 năm, nguồn thu thấp không có tiền trả nợ" – Bà Ái bức xúc nói.

Sau cổ phần hóa, phát hiện 14 khoản thua lỗ

Éo le không kém là trường hợp của Tổng công ty Xây dựng Đường thủy (Vinawaco).

Doanh nghiệp từng trực thuộc bộ Giao thông Vận tải được cổ phần hóa năm 2014. Tỷ lệ sở hữu Nhà nước giảm từ 100% xuống 36,6%.

Tuy nhiên không lâu sau khi có sự tham gia của các cổ đông tư nhân, nhà đầu tư mới phát hiện được tình trạng bi đát của Vinawaco trong vòng ba năm sau cổ phần hóa.

Thông qua kiểm kê tài sản, đối chiếu công nợ và của chính các chủ nợ đến đòi, Vinawaco phát hiện ít nhất 14 khoản nợ, lỗ, với tổng số tiền lên tới hơn 137 tỷ đồng.

Trong đó, khoản nợ phải trả của các khách hàng bao gồm nợ xấu ngân hàng trị giá 66 tỷ đồng; khoản chi phí dở dang 38,2 tỷ đồng từ 25 công trình từ trước năm 2013 không tương ứng với doanh thu...

Ban lãnh đạo mới của Vinawaco cho hay, những khoản nợ, lỗ này đều không được đề cập trong hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, hoặc nếu có thì nợ phải trả thực tế lớn hơn trong hồ sơ.

Các khoản nợ, lỗ cả trăm tỷ đồng đẩy Vinawaco lâm vào tình trạng hết sức khó khăn do bị khiếu kiện, cưỡng chế thi hành án và phong tỏa tài khoản, nợ xấu khiến không thể vay vốn ngân hàng, mọi hoạt động đều tê liệt.

Có thể khởi kiện!

TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng nhà đầu tư có thế khởi kiện chính công ty nếu có thiệt hại về phần vốn bỏ ra.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng trong các trường hợp nêu trên, nếu chứng minh được thiệt hại, nhà đầu tư có thể khởi kiện để đòi quyền lợi.

TS Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính - nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam còn nhiều lỗ hổng, đặc biệt là các thương vụ đấu giá cổ phần vốn Nhà nước còn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư. Mặc dù chủ trương thoái vốn Nhà nước của Chính phủ hoàn toàn đúng đắn nhưng việc triển khai tại từng doanh nghiệp lại là một vấn đề khác”.

"Trước hết là vấn đề công bố thông tin, nếu kinh doanh thuận lợi, doanh nghiệp dự kiến thoái vốn sẽ phải cung cấp cho nhà đầu tư các báo cáo tài chính được kiểm toán bởi một đơn vị có uy tín như Ernst & Young, PwC hay Deloitte… Tuy vậy, trên thực tế ít doanh nghiệp làm được điều đó, còn chưa kể nếu tình hình xấu thì liệu có ai chịu vạch áo cho người xem lưng", vị chuyên gia tài chính ngân hàng chia sẻ.

Vị này nói tiếp: “Thứ hai, rủi ro đối với nhà đầu tư rất lớn khi đồng vốn không được bảo toàn, nợ xấu, nợ quá hạn là vấn đề đau đầu đối với tất cả các doanh nghiệp, tiềm ẩn nguy cơ đổ vỡ nếu không thanh toán được nợ ngân hàng. Trường hợp của CTCP Thủy điện Hương Sơn, kế cả nhà đầu tư chấp nhận bỏ thêm tiền để cứu công ty thì tôi e cũng chỉ là "hố đen" nuốt chửng vốn mà thôi”.

Về phần mình, ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI), cho rằng khi mua lại vốn cổ phần, nhà đầu tư luôn kỳ vọng sẽ thu được lợi nhuận trong tương lai dựa trên những thông tin được cung cấp. Việc thiếu hụt thông tin hay các báo cáo tài chính chưa được kiểm toán bởi một đơn vị có uy tín cho đến nay vẫn là một lỗ hổng trong quản lý. Các nhà đầu tư bởi vậy là những người "nắm dao đằng lưỡi".

"Có những doanh nghiệp Nhà nước như Vinachem, nhắc đến dự án đầu tư nào cũng đều kỳ vọng cao nhưng thực tế không quản lý được nguồn vốn, thiếu hụt tiền đầu tư. Các ông (các DNNN - PV) chỉ hoàn thành trách nhiệm thoái vốn Nhà nước là xong, phần rủi ro được sang tay cho cổ đông tư nhân mới” – ông Nguyễn Hoàng Hải nói.

Hiểu Minh

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/rot-ca-tram-ty-nha-dau-tu-om-han-vi-mua-ho-co-phan-nha-nuoc-a347467.html