Rốt ráo triển khai nhiều dự án giao thông lớn trong năm 2023

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu Cục Quản lý đầu tư xây dựng đôn đốc các đơn vị đảm bảo tiến độ triển khai nhiều dự án lớn trong năm 2023.

Xử nghiêm nhà thầu, tư vấn làm ảnh hưởng đến tiến độ

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Cục Quản lý đầu tư xây dựng diễn ra sáng nay (11/1), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh: Năm 2022, Bộ GTVT thực hiện các nhiệm vụ được giao trong bối cảnh có nhiều thách thức.

Đặc biệt, 6 tháng đầu năm, ảnh hưởng của xung đột chính trị tại một số khu vực trên thế giới khiến giá nguyên, nhiên, vật liệu biến động, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thực hiện các dự án.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 của Cục Quản lý đầu tư xây dựng sáng nay (11/1).

Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ, sự tham mưu trách nhiệm của các Vụ, Cục, trong đó có Cục Quản lý đầu tư xây dựng, các dự án từng bước vượt qua thời điểm khó khăn nhất, bắt đầu bứt tốc, đạt được mục tiêu đề ra.

"Các dự án trọng điểm được chuẩn bị khẩn trương nhưng cũng rất kỹ lưỡng. Tiến độ dự án trọng điểm quốc gia được gắn liền, thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đưa kết quả giải ngân của Bộ GTVT đạt được con số rất đáng khích lệ, đóng góp lớn vào tăng trưởng KT-XH của cả nước”, Bộ trưởng nói, đồng thời cũng đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực của lãnh đạo, cán bộ, người lao động Cục Quản lý đầu tư xây dựng trong thời gian ngắn đã hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn, phức tạp, phối hợp với các địa phương triển khai 6 dự án trọng điểm quốc gia ngay sau được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư.

“Đặc biệt, Cục Quản lý đầu tư xây dựng đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, đảm bảo điều kiện khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam. Sự kiện đã tạo ra tiếng vang rất lớn”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Xác định thời gian tới, nhiệm vụ của ngành GTVT nói chung, Cục Quản lý đầu tư xây dựng nói riêng sẽ rất nặng nề khi nhiều dự án trọng điểm, yêu cầu kỹ thuật cao, phức tạp sẽ cùng lúc triển khai đồng thời.

Quá trình thực hiện các dự án còn một số bất cập bởi thời tiết cực đoan, biến động giá nhiên vật liệu. Vấn đề di dời hạ tầng kỹ thuật tưởng rất đơn giản lại là một trong những nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ, Bộ trưởng yêu cầu Cục Quản lý đầu tư xây dựng phải quán triệt thực hiện nghiêm túc các phong trào thi đua của ngành.

Đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Cục phải đôn đốc các chủ đầu tư và đơn vị liên quan hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định, sớm trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Việc lập kế hoạch chi tiết triển khai các bước tiếp theo cũng cần được rốt ráo triển khai.

“Với các dự án mới khởi công, yêu cầu đặt ra là phải đôn đốc các đơn vị, chủ đầu tư/ban QLDA sớm phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, phối hợp với địa phương trong công tác GPMB, đảm bảo điều kiện thi công được ngay.

Cục Quản lý đầu tư xây dựng cũng cần tăng cường quản lý tiến độ, chất lượng các công trình dự án, chất lượng công trình phải đặt lên hàng đầu; Xem xét, đề nghị xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng dự án. Kịp thời có hình thức khen thưởng đối với tổ chức, cá nhân đạt kết quả tốt, nhất là tại các dự án trọng điểm.

Chất lượng của tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát cũng cần phải đặc biệt quan tâm. Đơn vị tư vấn nào không đáp ứng yêu cầu phải cấm cửa”, Bộ trưởng lưu ý, đồng thời đề nghị đơn vị chuyên ngành tiếp tục tham mưu, hoàn thiện thể chế thực hiện phân cấp phân quyền; Ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong thẩm tra, thẩm định; Nâng cao kỷ luật, kỷ cương, không được tiêu cực và tiếp tay cho tiêu cực.

Năm 2022, Cục Quản lý đầu tư xây dựng đã phối hợp triển khai nhiều dự án giao thông lớn - Ảnh minh họa

Nhiều kết quả nổi bật

Trước đó, báo cáo một số kết quả nổi bật, ông Lê Quyết Tiến, Q.Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, năm 2022, đơn vị đã phối hợp góp ý thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi của 58 dự án; Chủ trì thẩm định, trình Bộ trưởng phê duyệt 39 dự án đầu tư; Thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng 45 dự án; Thẩm định 190 hồ sơ thiết kế và 142 hồ sơ dự toán các công trình, dự án.

Về công tác đấu thầu, Cục đã tham mưu cho Bộ GTVT phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu 58 gói thầu thuộc các dự án với tổng giá trị gói thầu/tổng giá trúng thầu là 10.985/10.706 tỷ đồng, tổng giá trị tiết kiệm là 279 tỷ đồng, tương đương 2,53%.

“Đối với công tác quản lý chất lượng, tiến độ dự án, Cục đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn, địa phương kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các dự án triển khai, góp phần đưa vào khai thác 22 dự án đảm bảo chất lượng như: cao tốc Bắc - Nam đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn, đường cất hạ cánh hai cảng hàng không Nội Bài và Tân Sơn Nhất,… Đồng thời, hoàn thiện thủ tục khởi công 18 dự án mới như đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch, cầu Rạch Miễu 2,…”, ông Tiến thông tin.

Nam Khánh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/rot-rao-trien-khai-nhieu-du-an-giao-thong-lon-trong-nam-2023-d578839.html