Rừng 327 biến thành vườn su su

Theo nhiều người dân thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc phản ánh, nhiều năm qua diện tích lớn rừng phòng hộ thuộc rừng Dự án 327 bị một số hộ dân lấn chiếm, chặt phá không thương tiếc để làm vườn trồng cây su su. Đáng bàn hơn, đa số các hộ dân phá rừng 327 là người nhà của một số cán bộ chính quyền địa phương.

Cây thông ở Tam Đảo bị cạo sạch vỏ, chết từ từ, sau đó thay thế bằng vườn su su.

Theo nhiều người dân thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc phản ánh, nhiều năm qua diện tích lớn rừng phòng hộ thuộc rừng Dự án 327 bị một số hộ dân lấn chiếm, chặt phá không thương tiếc để làm vườn trồng cây su su. Đáng bàn hơn, đa số các hộ dân phá rừng 327 là người nhà của một số cán bộ chính quyền địa phương. Cụ thể, năm 1996, Vườn quốc gia Tam Đảo được thành lập, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao cho tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo Vườn quốc gia Tam Đảo và các huyện thị, thực hiện chương trình quốc gia bảo vệ rừng tự nhiên và trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc theo Dự án 327.

Năm 1998, UBND thị trấn Tam Đảo nhận với Lâm trường Tam Đảo khảo sát và trồng 8ha rừng thông trong Dự án 327. Sau đó, UBND thị trấn Tam Đảo giao cho ông Trần Quang Thà - cán bộ khuyến nông lúc bấy giờ (hiện nay ông Thà giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tam Đảo) đứng ra làm đại diện ký hợp đồng với lâm trường và chỉ đạo một số hộ dân thực hiện. Người dân địa phương cho biết, sau khi đứng ra làm đại diện ký hợp đồng với Lâm trường Tam Đảo, ông Trần Quang Thà chia thành 7 lô với tổng diện tích là 8 ha cho 7 hộ dân là người nhà cán bộ, lãnh đạo thị trấn Tam Đảo.

Đáng bàn, các hộ dân nêu trên chỉ giữ rừng được một thời gian ngắn, sau đó họ thi nhau chặt cây, phá rừng 327 để làm vườn trồng su su, thậm chí bán đất cho người khác làm nhà ở. Những cánh rừng 327 xanh mướt dần dần biến thành vườn su su nham nhở. Cũng theo người dân thị trấn Tam Đảo, các hộ dân đã chặt cây rừng 327 bằng hai cách : Thứ nhất là họ đốn hạ thông luôn đổ ập xuống đất rồi bán cây. Thứ hai là, họ đẽo hết vỏ gốc cây, thông mất vỏ bị chảy hết nhựa và chết từ từ. Khi cây đã chết thì họ chỉ việc chặt bỏ đi và trồng luôn su su.

Ngay từ khi phát hiện các hộ dân nói trên phá rừng, người dân địa phương đã nhiều lần đề nghị các cấp chính quyền địa phương vào cuộc ngăn chặn, xử lý, nhưng dường như không thấy ai vào cuộc. Liên quan đến nội dung phản ánh của người dân, một lãnh đạo thị trấn Tam Đảo xác nhận, việc người dân phản ánh tình trạng phá rừng thuộc Dự án 327 là có. Thị trấn đã báo cáo UBND huyện Tam Đảo, UBND tỉnh Vĩnh Phúc về sự việc.

Đức Sơn

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tin-tuc/phap-luat/rung-327-bien-thanh-vuon-su-su-384577