Rừng giao cho doanh nghiệp bị phá: 'Đền' bằng cách trồng cây

Hơn 90 ha rừng tự nhiên giao cho doanh nghiệp bị phá, lấn chiếm…, cơ quan chức năng đã phát hiện nhưng không xử lý quyết liệt, để kéo dài rồi yêu cầu 'đền' bằng cách trồng lại rừng.

Cao su của một doanh nghiệp trồng tại huyện Ea Súp (Đắk Lắk) bị chết

Sau bài phản ánh “Vỡ mộng giao rừng cho doanh nghiệp” đăng trên báo Tiền Phong ngày 19/11/2020, PV liên hệ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Đắk Lắk để nắm rõ hơn hướng xử lý các doanh nghiệp được giao bảo vệ (nhưng để mất rừng), cũng như trách nhiệm của sở về công tác quản lý nhà nước. Tuy nhiên, Sở NN&PTNT lại giao cho Chi cục Kiểm lâm trả lời vấn đề trên.

Theo Chi cục Kiểm lâm, việc buộc Cty TNHH sản xuất kinh doanh nguyên liệu dệt may Việt Nam (Cty dệt may), đơn vị được UBND tỉnh Đắk Lắk cho thuê đất trồng bông và bảo vệ 92,5 ha rừng tự nhiên (thuộc xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp) trồng lại rừng là phù hợp với quy định.

Đơn vị này lý giải, thời điểm đoàn kiểm tra liên ngành do Sở NN&PTNT thành lập (ngày 18/3/2013), phát hiện 92,5 ha rừng do Cty dệt may quản lý bị chặt phá từ tháng 8/2010-2011. Sau đó, Sở NN&PTNT đã báo cáo, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn định giá diện tích rừng bị mất để yêu cầu Cty dệt may bồi thường. Tuy nhiên, Cty dệt may không hợp tác, cộng thêm các quy định về chế tài xử lý chủ rừng chưa có… nên sự việc kéo dài; đến nay chỉ còn cách buộc công ty khắc phục hậu quả (tức trồng lại rừng).

Dấu tích còn lại của dự án trồng bông có tưới (thuộc Cty dệt may) là căn nhà điều hành

Trong bài “Vỡ mộng giao rừng cho doanh nghiệp”, báo Tiền Phong cũng phản ánh nhiều doanh nghiệp được UBND tỉnh Đắk Lắk giao đất, rừng làm dự án nông lâm nghiệp và bảo vệ rừng nhưng hoạt động không hiệu quả. Đơn cử, Cty TM-DV-XNK Hoàng Gia Phát được giao hơn 1400 ha rừng (thuộc xã Ea Bung, Ia Jlơi) để cải tạo trồng, khoanh nuôi bảo vệ và phát triển rừng.

Từ khi được giao đến nay (từ năm 2009), doanh nghiệp này buông lỏng quản lý, để rừng bị xâm chiếm; sau đó cho 1 doanh nghiệp khảo sát, lập hồ sơ làm điện mặt trời. Để nắm thêm thông tin, PV liên lạc qua điện thoại với ông Võ Hồng Đại Dương (Giám đốc Cty TM-DV-XNK Hoàng Gia Phát) nhưng vị này cho rằng báo chí không có quyền hỏi.

Diện tích rừng tự nhiên giao cho Cty dệt may quản lý đã bị chặt phá

Hiện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 54 doanh nghiệp đầu tư 64 dự án nông, lâm nghiệp. Qua thống kê của Sở NN&PTNT, các dự án đã trồng được 12.268,6 ha rừng trồng, cây cao su, cây ăn quả và các loài cây trồng khác; tham gia quản lý bảo vệ hơn 13.000 ha rừng tự nhiên.

Tuy vậy, có một số dự án triển khai chưa hiệu quả về mặt kinh tế, để rừng bị phá, đất rừng bị lấn chiếm; nguyên nhân chính là do chủ dự án chưa quan tâm đến công tác quản lý bảo vệ rừng, lực lượng quản lý bảo vệ rừng còn hạn chế...

Huỳnh Thủy

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/ban-doc/rung-giao-cho-doanh-nghiep-bi-pha-den-bang-cach-trong-cay-1756357.tpo